Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Giác hơi – Cupping Therapy

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giác hơi – Cupping Therapy

    Giác hơi – Cupping Therapy





    Một trong những phương pháp chữa bệnh mang tính truyền thống của người Việt di cư đến Mỹ, hay một số nước phương tây khác đã khiến người bản xứ hiểu lầm và ngộ nhận. Đó là các phương pháp cây nhà lá vườn của người Việt như xông nước lá, cạo gió, giác hơi… Nhưng theo thời gian hội nhập của người Việt, những phương pháp trị liệu ấy trở nên quen thuộc, ít nhất không còn xa lạ với người bản xứ nữa.


    Nhiều người Việt mới qua Mỹ, được người nhà cạo gió với dầu cù là hay dầu gió xanh khi cảm cúm – ngày mai người ấy vẫn đi làm trong kinh hãi của người bản xứ với những vết bầm, mà với người tây phương thì đó là bằng chứng cho một vụ bạo hành khủng khiếp! Hay vợ chồng Việt lớn tiếng trong nhà, người Mỹ hàng xóm vội kêu cảnh sát. Khi cảnh sát tới, thấy họ đang tình tứ hát karaoke mùi mẫn! Hơi kẹt khi cảnh sát thấy khắp người chị vợ lằn dọc lằn ngang tím bầm… làm sao họ không nghĩ là anh chồng vừa bạo lực. Cảnh sát Mỹ nào chịu tin những giải thích ngoài hiểu biết về y học đông phương trong đầu óc họ.


    Tới chừng social worker là người Á châu đến nơi giải thích cảnh sát mới hiểu: That’s coining. We practice it to cure some illnesses. Thì ra là cạo gió. Coining therapy. Chúng tôi chữa bệnh kiểu này nhiều đời lắm rồi.
    Hú hồn hú vía cho viên cảnh sát Mỹ chỉ biết thi hành pháp luật.


    Hay nhiều cô vợ đi làm. Nhức đầu mỏi cổ liền giựt gió. Tím đen cần cổ và hai bên thái dương. Vào hãng, đồng nghiệp Mỹ cứ dòm ngó với ánh mắt khó hiểu, thành chuyện râm ran, chứ người Mỹ không hay nói sau lưng người khác về việc họ cứ tưởng chị vợ ở nhà đã ân ái với chồng cuồng nộ tới mức cổ tím thâm như vậy. Họ đâu biết người Á Châu thì giựt gió cho bớt mỏi cổ, bớt nhức đầu là chuyện thường! Xin đừng hiểu quá xa tới tròn miệng mà Oh my God! Giựt gió thôi mà – Pinching therapy là vậy đó!


    Hiện đại hơn là giác hơi. Tiếng Anh gọi đó là cupping therapy. Gọi là cupping vì giác hơi sử dụng mấy cái ly (tiếng Anh gọi là cup) để tạo lực hút. Thực ra giác hơi đã được người Á châu thực hiện từ nhiều đời qua. Nó được sử dụng khá rộng rãi trong rất nhiều trường hợp. Từ mỏi mệt cơ thể cho tới người uể oải trước khi lên cơn sốt, bần thần cơ thể tới biếng làm… Nói chung liệu pháp cupping therapy này đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ cần một bộ ly giác hơi, một cọng kẽm cột bông gòn, nhúng cồn hay nhúng dầu hôi, đốt lên, hơ bên trong ly cho nóng thật nhanh rồi úp lên chỗ da cần giác hơi.


    Do lửa nóng khiến không khí bên trong ly nở ra, làm cho một lượng không khí tràn ra ngoài. Khi đặt lên da, mép ly ép vào chỗ da bị khép kín, tạo thành một hệ thống bít kín (sealed). Không khí bên trong sau đó nguội xuống thật nhanh và co lại, tạo thành một áp suất chân không hút chỗ da vào ly. Những mạch máu nhỏ li ti dưới tác động của lực hút sau đó bị vỡ tạo thành màu tím như cạo gió. Khi nhiệt độ không khí trong ly bão hòa, gỡ nhẹ là lấy ly ra được, người ta sẽ thấy một vòng tròn có màu tím. Nhưng ở quê xưa không dễ có được bộ ly giác hơi cho đúng, người Việt nhanh trí dùng lọ chao cũ, nên nhìn… hơi mất vệ sinh.


    Đó là chuyện xưa. Nhiều thứ lâu ngày không xài nên quên hẳn, trong đó có giác hơi. Nay giác hơi bỗng tái xuất giang hồ. Mà không phải do người Á châu khởi xướng, song lại do mấy người Mỹ tóc vàng, da trắng, mắt xanh, mới là bằng chứng của toàn cầu hóa. Họ là những nhà thể thao của Hoa kỳ trong thời gian tham gia tranh tài thế vận hội Rio Olympic 2016. Dĩ nhiên là tối kỵ sử dụng chất kích thích khi tranh tài nên họ đã sử dụng liệu pháp giác hơi để… ăn gian! Giúp hồi phục cơ thể nhanh hơn, thay vì dùng những đường tắt bất hợp pháp khác như sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kích thích…


    Khi quan sát môn bơi lội tại Rio Olympic 2016, khán giả khắp nơi đều yêu mến tay bơi Michael Phelps. Với những thành tích nổi bật, anh là người hùng của môn bơi lội. Trước khi đến với Rio Olympic 2016, Michael Phelps đã từng đoạt được 19 huy chương các loại. Nói đến anh người ta nghĩ ngay đến một gương mặt quen thuộc với bộ môn bơi lội, điển trai, cao ráo, vợ đẹp con ngoan. Michael Phelps nghiễm nhiên trở thành thần tượng của không ít người trong mọi giới. Những thế hệ trẻ đã nhìn lên anh như một biểu tượng của thành công trong thể thao, đoạt được huy chương vàng không chỉ bằng tài năng mà bằng những nỗ lực tập luyện bền bỉ.


    Không bàn đến nguồn gốc của cupping therapy nữa. Có người nói nó là sản phẩm của Trung Hoa xưa. Có thể lắm! Trung Hoa đất rộng người đông. Nhưng giác hơi xem ra được thực hiện khắp nơi tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Một điều đáng ghi nhớ: Bất cứ ai đã từng trải qua liệu pháp giác hơi sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Lực hút từ những ống giác (ly) vừa giống với massage mà lại có chút gì đó hơi hơi khác. Nó giúp máu huyết được lưu thông. Nó tạo ra cảm giác dễ chịu. Nhìn thì thấy hơi ớn, nhưng đã thử một lần sẽ thấy rất dễ chịu, nhất là khi cơ thể mình đang bị mỏi mệt.


    Nay nhìn những vệt tròn màu tím do giác hơi để lại trên lưng Michael Phelps, trông anh lốm đốm như chú chó Dalmatian. Có người liên tưởng đến những vết xâm (tattoo) lạ mắt. Nhưng theo lời huấn luyện viên riêng của Michael Phelps là Keenan Robinson thì đó chỉ là giác hơi. Một phương pháp trị liệu hồi sức mà thôi. Không có gì là lạ lùng khó hiểu cả. Nguyên văn: It’s just another recovery modality. There’s nothing really particularly special about it.

    Giác hơi thời nay không nhất thiết phải sử dụng que kẽm cột bông gòn châm lửa hơ nóng ống giác (hay còn gọi là ly giác hơi). Người xưa vì thiếu phương tiện nên sử dụng bông gòn thấm cồn hơ nóng ống giác. Thời bây giờ, bạn có thể mua bộ ly giác hơi sử dụng ống bơm, là một dụng cụ được chế tạo như xi-lanh. Khi kéo pít-tông rút không khí ra sẽ tạo áp suất chân không tương tự như dùng lửa. Về điểm này giác hơi bỗng trở nên gọn gàng, tiện lợi và hợp vệ sinh hơn.


    Nếu hiếu kỳ, muốn tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp cupping therapy bạn có thể vào youtube.com. Với những clip video hướng dẫn khá chi tiết, có thể thực hiện các bước thao tác không mấy khó. Khi bạn đã tin thì mua một bộ ống giác hơi ở Amazon.com; sẽ phục vụ cho bạn từ khi ra đời tới khi nhắm mắt! Chỉ cần với bốn chữ cupp thôi, không cần gõ đủ nguyên chữcupping, đã thấy nhiều lựa chọn hiện ra như cupping set, cupping therapy, cupping massages kits… Giá cả một bộ giác hơi tùy theo đủ đồ chơi hay mì ăn liền, chỉ khoảng 20 tới 30 đô la. Một bộ giác hơi (rẻ như bèo) nhưng có thể sử dụng cho cả nhà.


    Câu hỏi được nhiều người quan tâm về cupping therapy: Liệu tính chữa bệnh của nó có thực sự xứng đáng với những lời đồn đoán. Hay đây chỉ là chuyện… hên-xui? Thì câu trả lời là theo kinh nghiệm dân gian của nhiều người, cupping therapy đúng là có tạo ra cảm giác dễ chịu tức thời. Hơn nữa với lịch sử giác hơi đã có mấy ngàn năm. Khó nói cupping therapy chỉ là chuyện ảo giác tâm lý.


    Xét về mặt kiến thức y học của người bình dân, cupping therapy rõ ràng có tác dụng tương tự như massage. Nó giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. Đồng thời vết bầm (vốn là) những tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Điều này vô tình kích thích hệ miễn dịch điều động các tế bào bạch cầu đến đây dọn dẹp bãi chiến trường hủ lậu. Nhưng như vậy, rất có thể hệ miễn dịch sẽ thực hiện chức năng phục hồi (recovery function) như lời giải thích của huấn luyện viên riêng của Michael Phelps. Bản thân tay bơi khét tiếng này cũng đã tiết lộ mình từng sử dụng liệu pháp cupping therapy trong hơn hai năm qua.


    Thế vận hội Rio Olympic 2016 sẽ kết thúc. Nhưng hình ảnh của cupping therapy vẫn còn đó vì nhiều nhà thể thao của Hoa Kỳ đã sử dụng đến phương pháp này như một hình thức hồi phục sức khoẻ nhanh chóng – một cách hợp pháp. Rất có thể giác hơi – cupping therapy nghiễm nhiên được người ta biết đến như một liệu pháp khá thần diệu. Không tốn kém nhiều. Lại được các sao (celebrity) giới thiệu cổ võ công khai, quả nhiên đây là một dịp hiếm có đối với các hãng chế tạo bộ giác hơi.
    Biết đâu nhờ vào những hình ảnh này mà Wal-Mart sẽ nhanh chóng bày bán những bộ cupping sets trong nay mai? Vấn đề ở Ủy ban Olympic Quốc tế có coi cupping therapy là một loại hình trị liệu cấm sử dụng đối với các vận động viên hay không? Có người nghĩ rằng Ủy ban Olympic và các Hiệp hội Thể thao thế giới sẽ đưa ra những quy định nào đó đối với cupping therapy. Rất có thể người ta sẽ nhìn thấy nhiều vận động viên sử dụng cupping therapy hơn nữa trong các cuộc tranh tài. Như vậy vô tình cupping therapy sẽ được quảng bá miễn phí từ những nhà thể thao tên tuổi của thế giới.


    Sẽ còn nhiều chuyện để nói, không chỉ ở Rio Olympic 2016 lần này mà có thể sẽ là chuyện dài lâu về một phương pháp trị liệu, (phục hồi) sức khoẻ có nguốn gốc từ châu Á là giác hơi.








    Phan
Working...
X