H ạ t D ẻ
Hạt dẻ: Ăn sống bổ thận, ăn chín bổ tỳ vị, góp phần làm giảm vô sinh ở nam giới
Hạt dẻ có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều thành phần phong phú như protein, carbohydrate, chất béo, ngoài ra còn có khoáng chất, vitamin C.
Đề cập đến công dụng của hạt dẻ, cuốn “Bản thảo cương mục” có ghi: "Hạt dẻ trị thận hư, yếu chân, thông khí thận, bồi bổ dạ dày và ruột".
Hạt dẻ cũng rất giàu kali, chất béo không bão hòa, vitamin và khoáng chất, có lợi cho việc phòng ngừa cao huyết áp, xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác. Ăn thường xuyên một số hạt dẻ có thể giúp ích cho sức khỏe của chúng ta.
Theo y học cổ truyền, hạt dẻ vị ngọt tính ôn, có tác dụng bổ tỳ kiện vị, bổ thận cứng gân, hỗ trợ điều trị đau lưng mỏi gối, bán thân bất toại, đi tiểu nhiều do thận hư gây ra.
Không chỉ bổ thận, dưỡng cốt, hạt dẻ còn có nhiều công dụng khác, bao gồm:
Chữa thiếu máu: Thiếu máu xảy ra do thiếu sắt. Hạt dẻ có hàm lượng đáng kể sắt và đồng, cùng với axit folic vốn cần thiết cho quá trình hình thành hồng cầu. Do đó hạt dẻ có thể cải thiện tình trạng.
Chữa tiêu chảy: Nguyên nhân gây tiêu chảy là do tỳ hư, không thể dưỡng ấm cho dạ dày. Hạt dẻ vị ngọt ấm, lợi phổi, dạ dày, thận, thúc đẩy tuần hoàn máu. Trong khi đó, hạt sen bổ tì, làm ấm dạ dày, có thể kết hợp chung với hạt dẻ. Vì vậy, ăn cháo hạt sen, hạt dẻ là phương pháp thích hợp điều trị bệnh này.
Giảm vô sinh ở nam giới: Tĩnh mạch gần tinh hoàn bị sưng, là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Nghiên cứu phát hiện chiết xuất từ hạt dẻ có hợp chất aescin cải thiện vô sinh vì nó có khả năng làm giảm sưng các tĩnh mạch gần tinh hoàn.
Trẻ hóa, làm đẹp da: Hàm lượng vitamin E trong hạt dẻ giúp bạn có làn da khỏe khoắn hơn mỗi ngày. Hơn nữa, vitamin E còn bảo vệ da khỏi tia cực tím, chống ung thư da và đẩy lùi quá trình lão hóa sớm do các tác nhân bên ngoài.
Cải thiện tiêu hóa: Chất xơ trong hạt dẻ, giúp điều chỉnh nhu động ruột và hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột, giúp bạn cải thiện đường tiêu hóa.
Thúc đẩy sức khỏe tim mạch: Hạt dẻ có chất chống oxy hóa, có thể làm giảm viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, magie và kali trong hạt dẻ cũng làm giảm các yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch.
Kiểm soát huyết áp: Quá nhiều natri sẽ làm tăng huyết áp, kali trong hạt dẻ giúp thận đào thải natri dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, từ đó làm thư giãn mạch máu và hạ huyết áp.
Ngăn ngừa các bệnh mãn tính: Nhờ đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, chất aescin có trong hạt dẻ còn mang lại hiệu quả trong việc phòng bệnh ung thư. Cách lựa chọn hạt dẻ an toàn
Nhấn vỏ ngoài. Dùng tay ấn nhẹ vào vỏ hạt dẻ, nếu vỏ ngoài cứng chứng tỏ quả dẻ chắc, ngược lại quả dẻ sẽ bị teo tóp.
Ngửi mùi. Dùng mũi ngửi, hạt dẻ tươi theo mùa sẽ có mùi thơm nồng nàn của hạt dẻ sống, không gây nhoi nhói, nếu đã ngâm qua nước thuốc sẽ có mùi thuốc nhẹ.
Xem hình dạng. Hạt dẻ phải có hình bán nguyệt, một bên hình bán nguyệt còn một bên phẳng, loại hạt dẻ này nằm sát vỏ, có nhiều ánh nắng mặt trời và ngọt hơn.
Xem màu sắc. Màu hạt dẻ cũ như màu sô cô la, có thể là hạt già, nên chọn vỏ màu nâu đỏ tươi, bề mặt còn có một ít lông tơ nhỏ, chất lượng tốt hơn.
Lưu ý khi ăn hạt dẻ
Vì hạt dẻ có hàm lượng lớn carbohydrate và calo, do đó chỉ nên ăn với lượng vừa phải, khoảng 50 – 70g mỗi tuần. Nếu ăn quá nhiều dễ đầy bụng và tăng cân.
Người có chức năng tiêu hoá kém không nên ăn nhiều. Đối với trẻ em, không chỉ gây khó tiêu nếu ăn nhiều mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị hóc.
Người bị đái tháo đường nên hạn chế ăn hạt dẻ vì hàm lượng calo cao, đặc biệt tránh ăn hạt dẻ rang đường.
Đối với người bị bệnh dạ dày, họ không nên ăn quá nhiều hạt dẻ vì sẽ làm sản sinh lượng lớn axit dạ dày, tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, từ đó gây xuất huyết.
Hạt dẻ có nhiều tinh bột, ít chất xơ, có thể gây táo bón đối với người mắc chứng tiêu hoá.
Theo Song Yun - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch