Bài Thuốc Đông Y Chữa Viêm Đại Tràng
Cây cán cân, cỏ liền an, đậu rừng, huyết dụ… là những vị thuốc tác dụng trị bệnh viêm đại tràng mạn tính hiệu quả.
Đại tràng hay còn gọi là ruột già, là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, dài khoảng 1,2m đến 1,5m. Đây là nơi nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ tại ruột non. Các chất dinh dưỡng và nước chưa được hấp thụ tại ruột non sẽ được hấp thu tiếp tại ruột già, sau đó đào thải ra ngoài. Đây cũng là nơi có nhiều loại vi khuẩn đường ruột và ký sinh trùng sinh sống, do đó đại tràng rất dễ bị viêm nhiễm.
Viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Các triệu chứng như tiêu chảy kéo dài, đi phân sống, nát, lỏng, chướng bụng, đầy hơi đau quặn bụng, chán ăn, sút cân, thậm chí sốt cao nếu viêm kịch phát. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và khó chữa khỏi dứt điểm.
Theo đông y, viêm đại tràng thuộc phạm trù các chứng tiết tả, kiết lỵ, hưu tức lỵ. Thầy thuốc Mạc Văn Minh, Hội Đông Y Hà Giang, cho biết y học cổ truyền có nhiều vị thuốc hay chữa viêm đại tràng như cây cán cân, cỏ liền an, cây quýt bông, cây đậu rừng, cây râu hùm, cây huyết dụ. Chúng có tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn an toàn và hiệu quả, bảo vệ sức khỏe đường ruột.
Cây râu hùm: Tác dụng chữa đại tràng co thắt, chướng bụng, đầy hơi, phân không thành khuôn. Ngoài ra, nó còn bổ huyết, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, lương huyết, làm tan máu ứ, thông kinh bế và tiêu sưng viêm.
Cây cán cân: Chữa bệnh viêm đại tràng, tiêu chảy cho trẻ em bằng cách lấy lá đem đun nước uống.
Cây đậu rừng: Có tác dụng diệt khuẩn cao, dùng để chữa tiêu chảy rất tốt, nhất là trẻ em còn nhỏ.
Cỏ liền an: Có tính diệt khuẩn cao, chữa đau bụng đi ngoài, cảm thương hàn biến chứng vào ruột, bệnh gan.
Cây huyết dụ: Dùng để chữa bệnh gan, dạ dày, đường ruột. Ngoài ra, còn được dùng trị lao phổi với ho thổ huyết, rong huyết, băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều, chữa chấn thương huyết ứ sưng tấy kiết lỵ ra máu, phong thấp, đau nhức xương, chấn thương bị sưng.
Cây quýt bông: Tác dụng chữa bệnh gan, đau bụng, đau dạ dày.
Thầy thuốc Mạc Văn Minh bốc thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Phúc Thịnh
Từ các vị thuốc này, mọi người có thể sắc uống. Cụ thể, cây râu hùm 40 g; cây cán cân 80 g; cây đậu rừng 20 g; cỏ liền an 20 g; cây huyết dụ 20 g; cây quýt bông 20 g.
Thuốc được cho vào ấm, một thang dành cho một lần sắc, mỗi lần sắc với 1.000-1.200 ml nước đun sôi (thời gian sôi trong vòng 7 đến 10 phút), để nguội, sau đó uống thay nước hàng ngày.
Bã sắc lần 1 tiếp tục cho vào sắc lần 2, lượng nước cho vào sắc từ 700 đến 1.000 ml đun sôi trong thời gian 5 đến 7 phút, để nguội, uống thay nước hàng ngày. Tiếp tục thêm nước sắc lần 3. Một đợt dùng từ 10 đến 15 thang tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.
Thuốc dùng cho người trên 18 tuổi trở lên. Trong quá trình đang dùng thuốc, mọi người không nên ăn chua cay, rượu, bia, thịt trâu, thịt bò, thịt dê, cá mè, cà muối, cua ốc. Không nên dùng nước chè đặc, cà phê vì chúng có hàm lượng caffein gây kích ruột, khiến bệnh tái phát.
(ST)