B à i T h u ố c G iả i C ả m từ cây sả, tía tô
Sả, tía tô vị cay, tính ấm, tác dụng giải cảm, sắc uống hoặc xông, hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm, ho, sốt rét, ngạt mũi...
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biếtsả có tên khác là hương mao, sả chanh, cỏ sả, sống thành bụi lâu năm, cao độ một mét. Thân rễ trắng hoặc hơi tím, lá dài hẹp giống lá lúa hay lá cỏ săng, ép hơi ráp. Cây có mùi thơm đặc biệt tựa như mùi chanh.
Sả có hai loại thường gặp. Một loại có lá bé ngắn, thường trồng làm gia vị, lấy củ hành (phần sát rễ) nấu thịt chó và lá nấu làm thuốc xông giải cảm hay nước gội đầu. Loại này ít tinh dầu. Thứ hai là loại có lá to dài xanh mượt, được trồng ở một số nông trường, có hàm lượng tinh dầu cao hơn.
Sả được trồng bằng thân rễ ở bãi hoang, hai bên dọc đường, bờ mương, chân đê vào mùa xuân. Sau ba tháng cắt lá, để lại chồi gốc, chưng cất lấy tinh dầu; sau đó tưới nước cho cây để mọc lớp non kế tiếp, cứ ba tháng cắt một lần, không phải trồng lại. Chưng cất tinh dầu sả bằng cách kéo hơi nước từ nồi hơi, nguyên liệu xếp sát đáy nồi để tăng công suất nồi.
Trong Đông y, sả vị cay, tính ấm, tác dụng sát trùng, tiêu đờm, hạ khí, sát khuẩn, thông tiểu, chủ trị cảm cúm. Lương y Sáng cho biết bài thuốc xông giải cảm gồm: cỏ sả, lá bưởi, hương nhu, lá chanh, cúc tần, bạch đàn, mỗi loại một nắm, đun sôi làm thuốc uống và xông, đắp chăn cho ra mồ hôi.
Ngoài ra, để chữa sốt rét, lấy một nắm cỏ sả sắc nước uống. Dùng 6-8 tinh dầu sả giọt hòa nước ấm uống chữa nôn, tiêu chảy.
Tía tô là loại rau thơm phổ biến, có tác dụng chữa bệnh. Tía tô vị cay, tính ấm, vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo.
Ông Sáng chia sẻ bài thuốc từ lá tía tô như sau:
Lá tía tô sắc cùng hành hoa, lượng tùy dùng, tác dụng giải cảm. Hoặc, lấy 20 lá tươi giã, vắt lấy nước cốt uống hoặc thái nhỏ trộn cháo nóng ăn, đắp chăn nằm nghỉ cho ra mồ hôi, chữa cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực.
Chữa cảm, sốt rét, nhức đầu nghẹt mũi, ho đờm bằng: Tử tô (hạt), cát căn, trần bì, cát cánh, chỉ thực, cát sâm, bạch linh, bán hạ chế, cam thảo, mộc hương, mỗi loại 10 g; sinh khương 5 lát, đại táo ba quả, sắc uống. Ngoài ra, dùng gừng đánh gió ở hai bên gáy và dọc xương sống.
Tía tô tươi, lượng tùy nhu cầu, ngâm với giấm thanh, uống 1-3 thìa cà phê một ngày, chữa nhức đầu, nóng lạnh, ho khò khè.
Hạt tía tô sao, bạch giới tử sao, hạt cải củ sao, mỗi loại 12 g, giã dập, sắc uống mỗi ngày; hoặc tán bột làm viên, uống 4-8 g/ngày với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng, chữa ho, hen suyễn, ho đờm mạn tính ở người già.
Thúy Quỳnh