Viêm gan cấp, bán cấp chủ yếu là do virus, tuy có sự khác nhau về tác nhân gây bệnh, dịch tễ học, bệnh học và tiến triển, nhưng trên lâm sàng thường có các triệu chứng và hội chứng tương đối giống nhau. Về tác nhân gây bệnh, bệnh viêm gan có thể do các loại virus a, b, c, d và e gây nên. Các bệnh viêm gan này đều được gọi chung là viêm gan do siêu vi.
Nguyên nhân lây truyền và biểu hiện
Về đường lây, các virus A, E lây chủ yếu theo đường tiêu hóa; các virus B, C, D lây chủ yếu theo đường máu, do tiêm chích, đôi khi còn có thể lây theo đường nước bọt hay đường sinh dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai.
Về triệu chứng lâm sàng tuy có sự khác nhau do các tác nhân khác nhau gây nên, nhưng nhìn chung một bệnh viêm gan virus điển hình đều có 4 giai đoạn:
- Thời kỳ nung bệnh đều hoàn toàn im lặng, bệnh nhân không hề cảm thấy có triệu chứng gì khác thường.
- Thời kỳ khởi phát (tiền vàng da) kéo dài từ 4-10 ngày, có các dấu hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều mặc dù không sốt cao, có dấu hiệu giả cúm và dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng cao hoặc rất cao.
- Thời kỳ toàn phát (vàng da) triệu chứng vàng da rõ ràng nhất, da vàng, mắt vàng, nước tiểu vàng sẫm, có thể kèm sốt cao hoặc sốt vừa.
- Thời kỳ lui bệnh được biểu hiện bằng tiểu nhiều, tới 2-3 lít mỗi ngày, nước tiểu màu nhạt dần và vàng da cũng đỡ dần, bệnh nhân ăn uống ngon miệng, xét nghiệm sinh hóa cho thấy chức năng gan phục hồi dần. Tuy nhiên, ở một số người, vẫn mệt mỏi kéo dài, ăn uống khó tiêu, cảm giác ấm ách vùng thượng vị hoặc đau tức, nằng nặng vùng hạ sườn phải.
Đối với viêm gan B, xuất hiện kháng thể của HBs Ag. Nhưng nếu xét nghiệm thấy HBs Ag kéo dài quá 4 tháng, phải nghĩ đến viêm gan mạn tính sau viêm gan virus.
Hai phương thuốc chữa bệnh cơ bản
Đối với bệnh viêm gan virus nói riêng, viêm gan vàng da nói chung, Đông y có nhiều bài thuốc chữa rất có hiệu quả. Đây không phải là những bài thuốc đặc trị theo từng loại bệnh mà chính là tăng cường chức năng gan, lập lại cân bằng, đưa chức năng gan trở lại trạng thái bình thường.
Đông y không phân thành bệnh viêm gan mà gọi chung là hoàng đản (chứng vàng da). Theo y văn, hoàng đản mà nguyên nhân chủ yếu do thấp nhiệt uất kết trong tỳ vị, ảnh hưởng đến can, sinh ra ra mắt vàng, mặt vàng rồi đến toàn thân đều vàng, nước tiểu vàng sẫm. Nếu độc khí của thấp nhiệt lưu lại không tiêu được sẽ làm cho hệ tiêu hóa càng ngày càng kém, gan càng ngày càng to. Về phân loại, Đông y phân ra hai chứng hoàng đản: Dương hoàng và âm hoàng.
Dương hoàng: Biểu hiện mặt, mắt vàng tươi sáng như màu quả quýt, da vàng nhuận, bệnh nhân cảm giác lợm giọng, nôn oẹ, vùng thượng vị đau tức, nước tiểu đỏ, có sốt, thân thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhờn, hoặc trắng mỏng, chất lưỡi đỏ. Phép chữa là thanh nhiệt, lợi thấp.
Bài thuốc thường dùng: Nhân trần 30g, vọng cách 20g, chi tử 10g, vỏ đại (sao vàng) 10g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g, nghệ vàng 20g, mã đề 12g, mạch nha 16g, cam thảo nam 0,8g.
Cách dùng: Tất cả cho vào ấm đất với 500ml nước, sắc còn 150ml, chắt ra, cho nước sắc tiếp, lấy thêm 100ml, trộn chung cả hai lần, chia đều uống trong ngày, uống trước các bữa ăn. Uống liền 7-10 ngày.
Âm hoàng: Có triệu chứng mặt, mắt và da vàng hãm tối, bụng đầy, rối loạn tiêu hóa, vùng thượng vị, hạ vị đều đau tức, không sốt, thân thể mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, hoặc hơi vàng trơn, chất lưỡi nhợt nhạt.
Phép chữa là ôn hóa hàn thấp. Bài thuốc thường dùng: Nhân trần 30g, vọng cách 20g, gừng khô 0,8g, quế thông 0,4g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g (sao), nghệ vàng 20g, củ sả 0,8g, mạch nha 16g, cam thảo nam 0,8g (sao).
Cách dùng: Tất cả cho vào ấm đất với 500ml nước, sắc còn 150ml, chắt ra, cho nước sắc tiếp, lấy thêm 100ml, trộn chung cả hai lần, chia đều uống trong ngày, uống trước các bữa ăn. Uống liền 7-10 ngày.
Về phòng bệnh đặc hiệu, hiện nay đã có vacxin của một số viêm gan virus nên tốt nhất là tiêm phòng. Phòng bệnh không đặc hiệu cần vệ sinh sạch sẽ, tạo thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và hết sức thận trọng khi truyền máu, truyền dịch, châm cứu, tiêm chích hoặc làm các thủ thuật khác như nhổ răng, phẫu thuật… Để phòng bệnh từ cấp chuyển sang mạn tính người bệnh phải nghỉ ngơi, lao động vừa sức, ăn uống hợp lý và đặc biệt phải kiêng rượu, bia ít nhất là nửa năm sau khi bệnh đã khỏi.
BS. Nguyễn Đức Kiệt (Tạp chí Sức Khỏe & Đời Sống)