Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb. Họ Lá Giấy (Saururaceae)
Tên khác: Cây lá giấy – Rau giấy cá – Rau diếp tanh – Ngư tinh thảo (TQ) – Râu trầu (H’Mông) - Chờ mờ mía (Dao) – Co vầy mèo (Thái) – Heartleaf Houttuynia Herb (Anh)
Bộ phận dùng: Cả cây (trừ rễ) tươi hay đã chế biến khô (Herba Houttuyniae cordatae). Đã được ghi vào Dược điển Việt Nam (1983), Dược điển Trung Quốc (1997).
Mô tả cây: Cây diếp cá thuộc thảo, nhỏ, thân mọc đứng cao 20 – 40cm, sống lâu năm ưa chỗ ẩm, có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn, phiến lá gần giống lá trầu không, dài 4 – 8cm, rộng 2,5 – 6cm, khi vò có mùi tanh tanh, nhai chua chua.
Hoa nhỏ mầu vàng nhạt, mọc thành bông, bao bởi 4 lá bắc mầu trắng, hoa nở mùa hạ (tháng 5 - 8), qảu nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn. Mùa quả: tháng 7 – 10.
Rau diếp cá được trồng khắp nơi làm rau ăn, ở vùng núi cao mát như Sâp (Lao cai), diếp cá mọc hoang dài hàng kilômet ven suối.
Thu hái chế biến: Hái lúc đang tươi tốt (chưa ra hoa), dùng tươi hay phơi sấy khô. Thuỷ phần dưới 13p100. Tỉ lệ vụn nát dưới 5p100.
Thành phần hoá học: Trong cây diếp cá có tinh dầu, một alcaloid gọi là cordalin, trong tinh dầu có methylnonylceton (gây mùi tanh), chất myrcen, acid caprinic, và laurylaldehyd.
Lá chứa quercitrin mà không chứa isoquercitrin.
Hoa và quả lại chứa isoquercitrin mà không chứa quercitrin.
Dược điển Việt Nam quy định tỉ lệ tinh dầu trong diếp cá (khô) ít nhất phải đạt 0,08p100.
Công dụng: Theo Đông y, diếp cá vị cay, tính lạnh hơi có độc, vào kinh Phế.
Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu.
Ngoài ra diếp cá có tác dụng kháng sinh rất rõ rệt, nhất là đối với trực khuẩn mủ xanh mà các kháng sinh thông thường (Gentamycin...) không có hiệu lực.
Dùng chữa các chứng bệnh viêm mủ màng phổi (phế ung), đờm nhiệt nhiều, ho khạc ra đờm vàng, hôi có khi lẫn máu mủ, lao phổi, ho gà, ho ra máu, chữa tả ly do thấp nhiệt, trĩ, đi đại tiện ra máu, lòi dom, táo bón, loét dạ dày, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm thận, uống sau phẫu thuật phòng và chữa bội nhiễm các loại khuẩn yếm khí.
Liều dùng: 15 – 30g (khô) không đun lâu, nên hãm thì hơn. Dùng tươi có thể lên 80 – 100g. Dùng ngoài da: tuỳ ý. Đáp chỗ viêm tẩy, apxe, nhọt, hoặc tắm chữa rôm, sảy, đắp chỗ bị trĩ.
Lưu ý: Rễ diếp cá cũng dùng làm thuốc. Rễ diếp cá tươi 60g – Giã dập, tẩm bằng nước vo gạo sạch, trong 60 phút, gạn bỏ bã, uống. Ngày 2 lần, uống liền 2 ngày. Chữa bí đái do nhiệt và viêm tuyến tiến liệt cấp tính.
- Tránh lẫn cây diếp cá suối (gymnotheca chinensis Decne – Cùng họ lá giấp) có mọc hoang ven suối vùng núi Lạng Sơn, Ninh Bình (Cúc Phương), nhân dân dùng chữa sốt nóng, mụn nhọt lở loét.
Bài thuốc:
Bài số 1: chữa viêm màng phổi có mủ, nhiều đờm ho, lao phổi:
Diếp cá tươi 60 g
Hoa phù dung tươi
(không có hoa dùng lá 60g) 30g
sắc uống.
Bài số 2: Chữa tả ly do thấp nhiệt, trĩ ra máu:
Diếp cá tươi
(khô thì dùng 20g) 60g
Sắc uống (sôi 1 phút thì tắt lửa)
Bài số 3: Chữa bí đái do thấp nhiệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu:Diếp cá tươi, DC khô, Hạt mã đề, Kim tiền thảo theo lượng lần lượt 60g, 20g, 15g,30g. Sắc uống
Bảo quản: Diếp cá tươi rửa sạch để trong tủ lạnh, hoặc nơi mát.
- Diếp cá khô: nơi khô, mát
Comment