Đông y điều trị mất tiếng
Mất tiếng còn gọi là hầu âm (thất âm). Tuỳ mức độ có thể là khàn giọng hoặc mất tiếng hẳn (nói không ra tiếng). Nếu đột nhiên mất tiếng gọi là cấp hầu âm, bệnh kéo dài lâu ngày gọi là mạn hầu âm. Mất tiếng thường do bệnh ngoại cảm nhưng cũng có thể là bệnh nội thương do tạng phủ suy nhược. Theo y học cổ truyền "phế là cửa ngõ của thanh âm, thận là gốc của thanh âm". Như vậy tắt hay là mất giọng có liên quan đến phế và thận.
Theo y học cổ truyền, mất tiếng do những nguyên nhân sau:
Ngoại cảm phong hàn làm phế lạc bị bế tắc sinh nhiệt, sinh đờm, làm cho phế khí mất tuyên thông nên nói không ra tiếng.
Nhiệt tà bế phế: Phong nhiệt độc bên ngoài xâm nhập vào qua miệng, mũi, làm tổn thương phế, phế khí không thông, ôn nhiệt bốc lên ủng trệ ở họng, khí huyết bị ủng trệ, kèm cảm lục dâm bên ngoài. Hoặc do ăn uống thức ăn cay nóng quá, hoả bốc lên làm tổn thương phế khí, gây nên mất tiếng.
Phế táo, tân dịch khô háo hoặc thận âm hư không nhuận được phế sinh ra mất tiếng.
Do tình chí bị uất ức: Con người mỗi khi có việc lo sợ và tức giận một cách đột ngột, tiếng nói sẽ bị mất âm thanh.
Bị bệnh lâu ngày, hư yếu: Âm thanh phát ra do ở phế mà gốc ở thận. Tỳ là nguồn của khí, thận là gốc của khí. Thận tinh mạch, phế tỳ thịnh thì âm thanh sẽ rõ. Nếu do lao nhọc quá sức, bệnh lâu ngày, phế thận âm bị suy, âm hư sẽ sinh nội nhiệt, đờm hoả bốc lên nhiệt nung nấu, họng sẽ gây nên mất tiếng.
Ngoài ra, do nói to, nói nhiều làm hao phế khí, bệnh vùng hầu họng cũng ảnh hưởng đến phát âm.
Theo y học cổ truyền thì bệnh mới mắc phần lớn là chứng thực, bệnh lâu ngày thường là chứng hư. Việc điều trị tùy theo chứng bệnh và thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.
Chứng thực
Ngoại cảm phong hàn: Cảm lạnh, người mát, mũi nghẹt hoặc chảy mũi nước trong, giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoãn.
Bài thuốc: Quế chi 12g, sinh khương 12g, thêm kinh giới để ôn thông phế khí, bạch thược 24g, cam thảo 4g, đại táo 12g, đường phèn 80g. Sắc uống ngày 1 thang.
Phế nhiệt: Giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, miệng khát, họng đau, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.
Bài thuốc: Cát cánh 12g, cam thảo 6g, kinh giới 12g, thuyền thoái 6g, tiền hồ 12g, tang diệp 12g.
Đờm nhiệt: Nói khó, tiếng nặng, đờm nhiều vàng, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.
Bài thuốc: Cát cánh 12g, tiền hồ 12g, tang bì 12g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 10g, chi tử 10g, ngưu bàng 10g, thuyền thoái 6g, bối mẫu 10g, cam thảo 6g, qua lâu 10g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Đờm uất ngưng lấp: Tiếng nói nặng, nghe không rõ, ngực đầy, ho ra nhiều đờm, cơ thể mập, người mỏi mệt, tay chân không có sức, rêu lưỡi vàng bệu, mạch hoạt.
Bài thuốc: Hoàng cầm 10g, chi tử 10g, tiền hồ 10g, bối mẫu 8g, cát cánh 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Phong tà uất bế: Đột nhiên âm thanh bị xáo trộn, khó nói ra tiếng kèm họng hơi đau, ngứa, nuốt khó, ho, ngực khó chịu, mũi nghẹt, sổ mũi, sốt, sợ lạnh, đầu đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhạt, mạch phù.
Bài thuốc: Ma hoàng 12g, hạnh nhân 8g, cam thảo 6g, cát cánh 12g. Sắc uống.
Chứng hư
Phế âm hư: Nói giọng khàn, miệng khô, họng đau, ho khan không có đờm, chất lưỡi đỏ, khô, mạch nhỏ sác.
Bài thuốc: Tang diệp, hồ ma nhân, mạch môn, thạch cao, a giao, tỳ bà diệp, hạnh nhân, nhân sâm, cam thảo. Sắc uống ngày 1 thang.
Thận âm hư: Họng khô, giọng khàn, nói không ra tiếng, bứt rứt khó ngủ, lưng gối nhức mỏi, lòng bàn chân tay nóng, nặng có thể kèm ù tai, hoa mắt, lưỡi thon đỏ, mạch tế, sác, nhược.
Bài thuốc: Sinh địa 16g, đơn bì 12g, trạch tả 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 10g, phục linh 12g, hoài sơn 6g, sơn thù 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Uất nộ khí nghịch: Bình thường vốn uất ức hoặc thường giận dữ, khí uất không giải, đột nhiên mất tiếng, ngực và hông sườn đầy trướng hoặc nhẹ thì vú căng, mạch huyền.
Bài thuốc: Tử tô 12g, ô dược 12g, trần bì 12g, bạch thược 12g, sinh khương 8g, đại táo 5 quả, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chú ý: Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Cho 750ml nước vào thang thuốc, sắc kỹ chắt lấy 250ml nước thuốc, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.
Lương y Hoài Vũ (Theo SK&ĐS)