Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
8748 E. Valley Blvd., Ste. H
Rosemead, CA 91770
(626) 288-3306
Chữ “bụng cấp tính” (acute abdomen, acute abdominal pain) thường được các bác sĩ dùng để chỉ những tình trạng đau bụng dữ xảy ra đột ngột mới trong vòng vài tiếng đồng hồ hay lâu hơn. [Ngược lại, “đau bụng kinh niên” (chronic abdominal pain) là những tình trạng đau bụng đã xảy ra qua nhiều tháng, năm.]
Theo đúng nghĩa, đau bụng cấp tính thường dữ đến độ chúng ta muốn vào nhà thương hoặc đi khám bác sĩ ngay. Có thể nói, đây là tình trạng khá khẩn cấp.
Tùy nguyên nhân gây đau bụng cấp tính, cái đau có thể cảm thấy như dao đâm, hay đau quặn từng cơn, đau toàn bụng hay đau ở một vùng bụng. Có người cố cuộn tròn người lại cho đỡ đau, có người phải nằm thẳng và im. Đau đến độ đi lại hay thở mạnh một chút cũng đau. Bụng rất khó chịu, khiến chúng ta buồn nôn, ọe, ói.
Tất nhiên, không phải trường hợp đau bụng mới xảy ra trong vòng vài tiếng nào cũng là “bụng cấp tính”. Thí dụ, ăn thức ăn không hợp bụng hoặc thức ăn để lâu nhiễm độc, ăn xong, chúng ta thấy bụng hơi quặn đau và mắc đi cầu, đi cầu xong bụng dễ chịu hơn. Bụng đau không dữ lắm, và thấy dễ chịu, bớt đau hơn sau khi chúng ta ói, đi cầu, thường là do các nguyên nhân lành, và không phải là “bụng cấp tính”.
Nguyên nhân đau bụng cấp tính
Rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng cấp tính. Thường đau bụng cấp tính xảy ra khi có vấn đề nghiêm trọng với một cơ quan trong bụng. Cơ quan này có thể thuộc hệ thống tiêu hóa, hệ thống tiết niệu của cả hai phái, hay hệ thống sinh dục của người phụ nữ.
Cũng có khi, vấn đề của một cơ quan ở trên ngực (tim, phổi, …) hay dưới bụng (sa ruột, soắn dịch hoàn, …) gây cái đau ta cảm thấy trong bụng.
Sau đây là một số nguyên nhân gây đau bụng cấp tính chúng ta cần lưu ý:
- Viêm ruột thừa cấp tính (acute appenditis): gây đau bụng dưới bên phải, kèm nóng sốt, buồn nôn, ói mửa.
- Viêm bọng thành ruột cấp tính (acute diverticulitis): thành ruột của một số người có chỗ yếu, lồi ra thành những bọng nhỏ, có lúc những bọng nhỏ này bị viêm,
gây đau bụng cấp tính, thường vùng bụng dưới bên trái, kèm nóng sốt, buồn nôn, ói mửa.
- Sạn túi mật (gallstones): đau dữ vùng bụng trên bên phải kéo dài vài tiếng.
- Sạn thận (kidney stones): đau vùng hông vòng ra phía trước bụng, lan xuống háng.
- Bọc mủ trong bụng (abscess): tùy vị trí bọc mủ trong bụng, ta sẽ đau bụng vùng nào.
- Tắc ruột (bowel obstruction): bụng phình to, đau toàn bụng, buồn nôn, ói mửa.
- Thủng ruột (bowel perforation): tùy chỗ vùng ruột nào bị thủng, sẽ gây đau nhiều nhất ở vùng đó, bụng cứng.
- Thủng vét loét trong bao tử (perforated ulcer): đau vùng bụng trên, bụng cứng.
- Viêm tụy tạng cấp tính (acute pancreatitis): đau vùng bụng trên, bụng khám thấy mềm (khác với thủng vết loét trong bao tử).
- Vỡ nang buồng trứng (ruptured ovarian cyst): ở phụ nữ, đau một bên vùng bụng dưới.
- Thai ngoài tử cung (ectopic pregnancy): ở phụ nữ, đau một bên vùng bụng dưới.
Đau bụng cấp tính, bạn nên làm gì?
Tự nhiên, bạn đau bụng đột ngột và dữ dội [với mức độ 8, 9, hay 10 trên bảng lượng định cái đau từ 0 (không đau) đến 10 (đau không chịu nổi)], bạn nên đi thẳng đến phòng cấp cứu của bệnh viện.
Trường hợp cái đau không đến nỗi quá dữ, chỉ trong mức độ 4, 5, 6, 7 trên bảng lượng định cái đau, chịu đựng được, bạn đi khám bác sĩ, đem tất cả các thuốc đang dùng ở nhà theo. Bạn kể rành mạch câu chuyện đau bụng của bạn: bạn bắt đầu đau từ lúc nào, khoảng mấy giờ, ở vùng nào của bụng (bụng trên, bụng dưới, bên phải, bên trái, hay toàn bụng), đau liên tục hay từng cơn, lan truyền đi đâu, mức độ đau (từ 1 đến 10, trong mức độ nào), rồi diễn tiến cái đau ra sao, có triệu chứng khác đi kèm hay không (như buồn nôn, ọe, ói mửa, tiêu chảy, thấy trên ngực cũng đau, …), và bây giờ, bạn làm gì thì bớt đau, làm gì thấy đau nhiều hơn. Nếu là phụ nữ, bạn cũng cho bác sĩ biết bạn đang có thai hay không, lần kinh cuối ra ngày nào.
Sau khi nghe bạn kể bệnh, và hỏi thêm chi tiết nếu cần, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ bụng bạn, nhìn, sờ, gõ, nghe những vùng khác nhau của bụng, xem có gì bất thường. “Bụng cấp tính” cần được khám rất cẩn thận, kẻo chúng ta sót những bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung.
Khám xong, nếu thấy cần, bác sĩ sẽ cho bạn thử máu, nước tiểu, chụp phim. Xét thấy cái đau bụng của bạn chắc không do nguyên nhân nào nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho thuốc bạn về nhà dùng, sau sẽ tái khám (và dặn bạn nếu không thấy bớt, hoặc đau hơn, bạn nên đi bệnh viện, đừng chờ lâu). Còn khám xong, xét thấy bạn cần đi bệnh viện ngay, bác sĩ sẽ viết giấy giới thiệu, gửi bạn đến phòng cấp cứu của bệnh việc để bác sĩ ở đấy, với phương tiện của bệnh viện, tìm hiểu thêm tình trạng của bạn. Bác sĩ phòng cấp cứu sau đó có thể sẽ cho bạn nhập viện, hoặc cho bạn về nhà, dặn bạn trở lại với bác sĩ chính của mình (primary care doctor) trong vòng 1 tuần để bác sĩ chính tiếp tục theo dõi vấn đề. (Từ phòng cấp cứu hoặc nằm bệnh viện ra, khi trở lại tái khám với bác sĩ, bạn nhớ đem hết giấy tờ, toa thuốc, kết quả thử máu, chụp phim bệnh viện họ đưa bạn.)
“Bụng cấp tính”, gây đau đột ngột và dữ, có thể do một vấn đề nghiêm trọng, chúng ta không nên coi thường. Bạn phải kể bệnh rành mạch (và nhớ đem hết thuốc dùng ở nhà theo), bác sĩ phải thăm khám kỹ, không nên vội vã qua loa, kẻo chúng ta sẽ sót một bệnh nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng.
© BS.Nguyễn Văn Đức gửi bài đến Ban biên tập.
© Diễn Đàn Người Dân ViệtNam