Phát hiện và điều trị hạ canxi máu
Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu bị thiếu hụt do ăn thiếu canxi hoặc thiếu vitamin D hoặc cả hai. Nếu hạ canxi máu nhiều thì có thể gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm như: loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền trong tim...
Lượng dự trữ canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là do thức ăn, nước uống đưa vào, hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận.
Nhu cầu hằng ngày một chế độ ăn đầy đủ phải bảo đảm cung cấp khoảng 1.000 mg canxi qua đường ăn uống thì có khoảng 200mg canxi bị đào thải qua đường mật và các dịch tiêu hóa khác. Mỗi ngày có khoảng 200 – 400mg canxi được hấp thu từ ruột vào máu và quá trình này phụ thuộc vào nồng độ vitamin D trong máu, phần canxi còn lại đào thải qua phân.
Cân bằng canxi được duy trì qua con đường đào thải qua thận, trung bình 200 mg/ngày. Gần 99 % canxi trong cơ thể tập trung ở trong xương, chủ yếu dưới dạng tinh thể hydroxyapatite. Chỉ 1% canxi trong xương là tự do trao đổi với dịch ngoài tế bào, do đó luôn sẵn sàng để điều chỉnh nồng độ canxi trong máu luôn ổn định. Nồng độ canxi toàn phần bình thường trong máu được duy trì dao động từ 8,8 đến 10,4 mg /dl (2,20-2,60 mmol/l).
Các nguyên nhân gây hạ canxi máu
Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8 mg/dl (2,20 mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi ion hóa dưới 4,7 mg/dl (1,17 mmol/l). Có nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó chủ yếu là:
Tăng tạo xương trong khi cung cấp canxi không đủ (trẻ em đang giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ), hội chứng kém hấp thu do rối loạn tiêu hóa kéo dài; Suy tuyến cận giáp trạng, làm giảm bài tiết parathyroid hormon gây hạ canxi máu, tăng photpho máu và thường gây nên cơn tetani mạn tính. Nguyên nhân thường do tổn thương hoặc bị cắt bỏ khi phẫu thuật tuyến giáp; Giả suy tuyến cận giáp trạng; Thiếu hụt vitamin D; Bệnh lý thận: bệnh lý ống thận, suy thận.
Các nguyên nhân khác:
Thiếu hụt magie, viêm tụy cấp, giảm albumin máu, tăng photpho máu. Các thuốc gây hạ canxi huyết như thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenytoin), rifampicin, truyền máu nhiều, thuốc cản quang, dùng liều cao calcitonin.
Biểu hiện của hạ canxi máu
Các biểu hiện lâm sàng của hạ canxi máu là do rối loạn điện thế màng tế bào, gây kích thích hệ thần kinh-cơ. Dấu hiệu hay gặp là tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Những trường hợp hạ canxi máu diễn biến từ từ, âm ỉ có thể gây các dấu hiệu thần kinh nhẹ như trầm cảm, lú lẫn hay kích thích tâm thần. Phù gai thị và đục thể thủy tinh có thể xuất hiện khi bị hạ canxi máu kéo dài.
Cơn tetani
xuất hiện do hạ canxi máu nặng nhưng cũng có thể gặp trong trường hợp chỉ hạ canxi ion hóa trong khi canxi toàn phần bình thường, ví dụ như trong tình trạng kiềm hóa máu. Biểu hiện của cơn tetani là các triệu chứng cảm giác như dị cảm ở đầu chi, môi, lưỡi, bàn cổ chân, đau cơ lan tỏa, co cứng cơ vùng mặt, tay, chân. Ngoài cơn tetani tự phát, người ta còn dùng một số nghiệm pháp để tìm các dấu hiệu đặc trưng của hạ canxi máu.
Co rút bàn tay (dấu hiệu Trousseau/bàn tay đỡ đẻ) trong hạ canxi máu.
biểu hiện bằng sự co cơ mặt tự phát sau khi gõ nhẹ vào dây thần kinh mặt ở vị trí ngay trước ống tai. Dấu hiệu này gặp trong hầu hết các trường hợp hạ canxi máu cấp.
Dấu hiệu Trouseau biểu hiện bằng sự co rút các cơ vùng cổ tay, bàn tay xuất hiện khi giảm lượng máu cung cấp cho bàn tay, dấu hiệu này còn gặp trong hạ magie, kiềm hóa máu, hạ kali máu. Loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim có thể gặp ở một số trường hợp hạ canxi máu nặng.
Những triệu chứng hạ canxi máu thường gặp ở người lớn
Tăng phản xạ gân xương (biểu hiện kín đáo có thể phát hiện bằng dấu hiệu Chvostek được gây ra bằng cách gõ trên vị trí dây thần kinh mặt, trước gờ tai ngoài 2 cm và quan sát thấy tình trạng co cơ cùng bên của các cơ mặt. Tuy nhiên, dấu hiệu này vừa không nhạy (27%) vừa không đặc hiệu và có thể gặp ở 25% các đối tượng bình thường)
- Đau thắt bụng.
- Rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều).
- Trầm cảm.
- Cáu gắt/khó chịu.
- Ngủ gà hoặc chậm chạp/lười being.
- Co thắt cơ.
- Co giật.
Những triệu chứng hạ canxi máu thường gặp ở trẻ sơ sinh
- Khó bú và ăn.
- Khó chịu/kích thích.
- Ngủ gà hoặc chậm chạp/lười biếng.
- Biếng ăn.
- Tăng phản xạ gân xương (dấu hiệu Chvosteck).
- Co rút cơ (dấu hiệu Trousseau).
- Co giật và run.
Dấu hiệu Chvosteck.
Các biến chứng của hạ canxi máu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ. Với người lớn, biến chứng cũng có thể nghiêm trọng. Bạn có thể làm giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng bằng việc tuân theo kế hoạch điều trị mà bạn và bác sĩ đã lên kế hoạch dành riêng cho bạn. Các biến chứng của hạ canxi máu bao gồm:
- Không thể lớn
- Chức năng vận động và bộ não bị tổn thương
- Suy dinh dưỡng
- Nhuyễn xương (xương mềm, yếu do thiếu vitamin D trong quá trình tạo xương)
- Loãng xương (thưa và yếu xương)
- Kém phát triển - Cơn Tetany (hoạt động thần kinh quá mức, gây đau đớn vô cùng)
Điều trị hạ canxi máu
Trong trường hợp hạ canxi máu cấp tính như cơn tetani thì nên điều trị bằng tiêm tĩnh mạch chậm trong khoảng 10 phút 10ml canxi gluconat hoặc canxi clorua 10 %, các triệu chứng thường hết nhanh chóng sau tiêm nhưng tác dụng thường ngắn, chỉ kéo dài vài giờ. Do đó có thể tiêm nhắc lại hoặc truyền tĩnh mạch chậm (20-30 ml canxi gluconate 10% pha trong 1l glucose 5% truyền trong 12-24 giờ).
Đặc biệt lưu ý ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc trợ tim digoxin (truyền rất chậm và theo dõi điện tim liên tục). Khi cơn tetani phối hợp với hạ magie máu, phải bổ sung đồng thời cả magie cùng với canxi. Trong trường hợp hạ canxi máu sau mổ cắt tuyến cận giáp thì chỉ cần bổ sung canxi bằng đường uống (1g/ngày) là đủ.
Muốn phòng bệnh, tất cả mọi trường hợp đều phải tăng cường các thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát... và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột).
Tổng hợp