Bạn có thay ga trải giường mỗi tuần, hay chỉ khi nào nó bốc mùi?
Khăn tắm thì sao? Bạn thay mỗi ngày, mỗi thứ Bảy, hay đợi chúng rất dơ?
Chúng ta đang sống vào kỷ nguyên của sự sạch sẽ. Xà phòng có khả năng diệt trùng, nước lau nhà được nói là có khả năng diệt vi khuẩn đến 99.9%. Trong thế giới của chúng ta, vi khuẩn là thứ xấu xa, nói một cách đơn giản là vậy!
Nhưng cùng lúc, một số nhà khoa học lại nói rằng không nên ăn ở sạch sẽ quá, vì điều này có thể gây ra hen suyễn và dị ứng.
Vậy liệu có cách để cân bằng giữa nhu cầu sạch sẽ và học cách chung sống hòa đồng với những vi khuẩn quanh ta?
Giữ vệ sinh giúp cải thiện sức khỏe
Kể từ đó, các biện pháp vệ sinh đã giúp chúng ta cải thiện sức khoẻ đáng kể.
Thế nhưng không phải vi khuẩn nào cũng xấu. Một số vi khuẩn có thể gây các loại bệnh khó chịu, hoặc thậm chí chết người, nhưng rất nhiều trong số này rất hữu ích và có lợi cho sức khoẻ con người.
Chúng tạo ra vitamins trong ruột, bao bọc da chúng ta để giúp bảo vệ chúng ta trước những vi khuẩn gây hại, và giúp chúng ta tiêu hoá thức ăn.
Ngày nay, nhiều nhà khoa học cho rằng chúng ta đang trở nên ‘quá sạch’, tới mức thái quá.
Vào năm 1989, nhà nghiên cứu dịch bệnh người Anh David Strachan là người đầu tiên khám phá ra rằng bị nhiễm trùng thời bé sẽ giúp chúng ta có khả năng kháng cự tốt hơn trước bệnh dị ứng sau này. Điều này được biết đến với tên gọi ‘Thuyết Vệ sinh’.
Vệ sinh thái quá là điều không tốt
Cơ thể chúng ta, như Dorothy Matthews, nhà sinh học tại Đại học Russel Sage ở New York, nói, có thể đã phản ứng thái quá trước những vi khuẩn có lợi, vì cơ thể chúng ta đã không còn quen với việc sống chung với chúng.
Vì lý do này, chúng ta phải hiểu cách những microbiota - các vi sinh vật sống phía ngoài và bên trong cơ thể chúng ta có thể giúp chúng ta như thế nào.
“Điều quan trọng là phải chuyển được từ mẹ sang cho con các vi sinh vật vô hại cho ruột, da và các bộ phận cơ thể khác, và chúng ta cần phải tiếp xúc với các loại vi sinh vật đa dạng, khác nhau tồn tại trong môi trường,” Graham Rook, nhà nghiên cứu bệnh dịch tại đại học University College London, nói.
Điều này được cho là giống như một bài tập luyện sự chịu đựng, bắt đầu với thực phẩm.
“Nên ăn uống đa dạng, và tốt nhất là ăn thức ăn sản xuất từ nông trại,” Rook nói. Bên cạnh đó, việc tập thể dục ngoài trời cũng tốt hơn là ở trong phòng tập.
Và mặc dù chúng nghĩ rằng chó nuôi thì bẩn, nhưng chúng cũng giúp hầu hết chúng ta tăng độ đa dạng của microbiota và giảm dị ứng.
Theo một cách nào đó, hệ thống miễn dịch giống như một người nông dân.
Nó giúp cơ thể chúng ta có lượng vi khuẩn cần thiết cho sự phát triển, trao đổi chất, vận động và thậm chí cả các các vi khuẩn cần thiết cho chức năng của não, đồng thời giúp loại trừ các vi khuẩn chứa mầm bệnh.
Cũng chính vì vậy mà một sự thiếu đa dạng về microbiota thường gắn liền với nhiều căn bệnh.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy việc thiếu một loại vi khuẩn nào đó có thể gây một căn bệnh cụ thể nào.
“Bằng chứng có thể xuất hiện vào lúc nào đó,” Rook nói, “nhưng vấn đề vô cùng phức tạp, xét về mặt kỹ thuật lẫn số liệu.”
Những người khác cũng đồng ý như vậy.
“Các vi sinh vật đã được cho là có liên hệ với hệ miễn dịch, dị ứng, cảm xúc, hệ thần kinh trung ương, chứng tự kỷ,” Mary Ruebush, nhà vi sinh học và giảng viên tại Trường Becker Professional Education, nói.
Việc tiếp xúc với vi khuẩn tốt ở giai đoạn đầu cuộc đời có thể có tác động rất tốt cho sức khoẻ của chúng ta, Rook nói.
Ví dụ, khi tiếp xúc với vi khuẩn từ sớm, ruột chúng ta sẽ kích hoạt một số tế bào miễn dịch giúp cơ thể chúng ta không phản ứng thái quá trước các vi sinh vật về sau này.
Rook gọi các vi khuẩn này là ‘những người bạn cũ’.
Và chúng ta đang thiếu tình bạn này; việc ăn ở quá sạch khiến ta không tiếp xúc với các vi khuẩn này, khác với thời tổ tiên mình.
Điều này trở thành một câu hỏi hóc búa cho những người muốn sống mạnh khoẻ hơn. Làm sao chúng ta có thể tránh các căn bệnh từ những vi trùng gây hại, trong khi vẫn tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi?
Nên giữ vệ sinh ở mức độ nào?
Rook tất nhiên là không khuyến khích việc bỏ qua các cách vệ sinh cơ bản, như rửa tay.
Các nhà khoa học xem tay bẩn là một trong những lý do khiến bệnh truyền nhiễm lây lan.
Rửa tay sạch không phải là vấn đề rửa tay lâu đến đâu, mà là rửa kỹ đến đâu.
Bạn phải nhúng vào xà phòng và nước, chà kỹ các bề mặt của tay trong ít nhất 15 giây, sau đó rửa nước lại một lần nữa và sấy khô, các chuyên gia nói.
Việc kỳ cọ với xà phòng sẽ cách ly vi khuẩn với da của bạn, trong khi sấy khô sẽ đẩy chúng ra khỏi tay bạn.
Thế nhưng không phải phần nào của cơ thể cũng cần phải được rửa kỹ đến vậy.
Tắm rửa quá kỹ ‘làm ảnh hưởng đến những hệ thực vật bình thường giúp giữ cho bạn khoẻ mạnh bằng cách cạnh tranh với các sinh vật gây hại,” Ruebush nói.
“Việc vận hành hệ thống miễn dịch trong môi trường sạch sẽ giống như khi não thiếu khả năng cảm nhận. Cuối cùng, nó sẽ hoá rồ và làm tăng khả năng bị dị ứng và tự động miễn dịch đối với tất cả mọi thứ trong môi trường của họ,” bà nói.
Tắm lâu mỗi ngày không hẳn là điều tốt vì nó loại bỏ những ‘vi khuẩn tốt’ ra khỏi da của chúng ta.
Tuy nhiên bạn nên làm sạch khu vực quanh cơ quan sinh dục và những nơi mà thường đổ mồ hôi, và bạn nên thay đồ lót mỗi ngày.
Ở nhà, giải pháp để tránh việc chống lại nhầm loại vi khuẩn không phải là tắm rửa quá đà, mà là làm vệ sinh đúng lúc.
Ví dụ như thớt trong nhà bếp. Nếu bạn dùng nó để cắt rau thì có thể rửa sau khi ăn, nhưng nếu chặt cá hay thịt sống thì cần phải rửa ngay nếu không muốn cả gia đình bị nhiễm trùng.
Khoảng 70% thịt gà có chứa Campylobacter, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc và có thể nhân số lượng lên rất nhanh trên cái thớt mà bạn dùng để thái thịt gà.
Sự ẩm ướt dễ gây hại
Các nghiên cứu từ bệnh viện cho thấy ra trải giường và khăn lau cũng có thể làm lây lan vi khuẩn dễ dàng, nhưng nhà ở của chúng ta không phải là môi trường có độ rủi ro cao và ít có khả năng tạo ra siêu vi khuẩn.
Thế nhưng khăn lông ẩm ướt lại là có vấn đề.
“Không có dữ liệu khoa học cụ thể nào đủ khiến chúng ta tự tin đánh giá rằng chúng ta nên thay ra giường và khăn lau thường xuyên tới mức nào,” Bloomfield nói.
Tuy nhiên có đủ số liệu cho thấy chúng có thể gây nguy cơ nhiễm trùng ở nhà.
Bà khuyến khích nên thay ra trải giường và khăn lau ít nhất một lần mỗi tuần, và cảnh báo không nên dùng chung khăn lau tay và các đồ dùng vệ sinh cá nhân khác.
Khăn ướt, ấm là môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn có hại, Bloomfield nói.
Đó là lý do vì sao khăn lau ở nhà bếp và phòng tắm cần được vứt đi hoặc rửa ngay sau khi dùng, hoặc ít ra là phải được vắt và phơi ngay sau khi dùng, Bloomfield khuyến cáo.
Khi dùng phòng vệ sinh, tốt nhất nên đóng nắp bồn cầu khi dội nước để tránh vi khuẩn lan ra và sinh sôi nảy nở.
Pyjama là một điểm yếu khác trong vấn đề vệ sinh cá nhân của chúng ta. Một số khảo sát cho thấy nhiều người chỉ đến khi thấy có mùi hôi mới đem đi giặt.
Tốt nhất là nên thay giặt pyjama một lần mỗi tuần, các chuyên gia nói.
Thông điệp cuối cùng là chúng ta không nên quay về đời sống hoang sơ dơ dáy như trước đây, mà thay vào đó, tìm cách duy trì các vi khuẩn tốt.
“Hãy để con cái bạn chơi đùa ở những nơi mà chúng có thể tiếp xúc với đất, thực vật, vốn là nơi chứa nhiều vi khuẩn có lợi,” ông nói.
“Nếu bạn có nhà riêng, hãy để cây tự nhiên mọc và phát triển, chỉ cần tỉa một hay hai lần mỗi năm.”
Sức đề kháng sau cơn bệnh
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em lớn lên trong môi trường không quá sạch thường ít bị hen suyễn và dị ứng.
Một số loại vi khuẩn nhất định cũng giúp chúng ta tránh khỏi các căn bệnh đường ruột và thậm chí một số loại bệnh trầm cảm.
Nếu giả thiết về vệ sinh là đúng thì điều này có thể giải thích sự gia tăng của các trường hợp hen suyễn và dị ứng trong 20 năm qua.
Tất nhiên là có những giải thích khác, như xu hướng sức khoẻ cộng đồng và tính phổ biến của nước đã qua khử trùng, hoặc việc lạm dụng thuốc kháng sinh, và những thay đổi trong môi trường của chúng ta, ví dụ như tình trạng ô nhiễm.
“Nhiều khả năng điều này có sự tham gia của nhiều yếu tố liên quan đến lối sống phương Tây. Thuốc kháng sinh sẽ làm rối loạn hoạt động các vi khuẩn có lợi cho cơ thể của chúng ta và vì vậy, ảnh hưởng đến phản ứng của hệ thống miễn dịch,” Hanski nói.
Nếu nhìn về khía cạnh tươi sáng của vấn đề, bạn có thể biết chắc rằng mỗi lần bị ốm sẽ giúp bạn khoẻ hơn sau này, Ruebush nói.
“Thông điệp ở đây không phải là điều mà hầu hết chúng ta đều muốn nghe: Chúng ta muốn tìm cách nhanh nhất để giải quyết những căn bệnh khó chịu bằng việc tìm đến nhà thuốc. Tuy nhiên mỗi khi làm như vậy, cơ thể bạn sẽ trở nên yếu đi.”
Có lẽ đây là điều chúng ta cần ghi nhớ trước khi sử dụng sữa tắm quá đà.
Katia Moskvitch