Thiền định hay một chút thời gian tĩnh lặng có thể làm giảm stress…
Tác giả: Olivia Carter, University of Melbourne | Dịch giả: Hoàng Anh
Rất khó khăn để thoát khỏi áp lực từ gia đình và công việc vì chúng chưa bao giờ dừng lại (monkeybusinessimages/iStock)
Sau một vài tuần vui buồn lẫn lộn tại nơi làm việc, giờ đây khi đang mở chiếc máy rửa bát tôi chợt suy ngẫm về một giai đoạn mới, dễ thở hơn, mà hai vợ chồng tôi chuẩn bị bước sang. Sáu tháng vừa qua, cả hai chúng tôi đã phải gồng mình lo toan giữa gia đình và công việc, giai đoạn đó quả là căng thẳng và không thể chịu đựng nổi.
Năm cũ sắp qua đi, chúng tôi cuối cùng cũng đã có thể có được một giấc ngủ ngon suốt đêm mà không bị đánh thức bởi một (hoặc tất cả) trong ba đứa con của mình. Max – 3 tuổi – đã chuyển chỗ và quen với trường mẫu giáo mới. Susie dường như đã có thể tự làm được tất cả mọi chuyện mà một đứa trẻ lớp 1 nên làm, không những thế còn luôn tay tự tết tóc cho mình.
… và về Joe, Joe đâu rồi? Tôi vừa thấy nó chập chững đi ra khỏi nhà bếp và đi về phía hành lang vài giây trước.
Tiếng cười khúc khích ở đằng xa làm cho tôi có cảm giác rằng nó đang làm điều gì đó không ổn, nhưng tôi vẫn bị sốc hoàn toàn khi mở cửa và thấy đứa con một tuổi của mình đang đứng trong bồn cầu. Đeo đôi sandal mới được bà cho, Joe bé nhỏ nhìn thấy biểu hiện kinh hoàng của tôi và bắt đầu giậm chân và nghịch nước trong bồn cầu và cười như nắc nẻ. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi tự hỏi liệu mình có phải là một bà mẹ tồi hay không nếu để con mình trong bồn cầu mà đi lấy camera. Tôi thấy nếu mình làm thế thì đúng là một bà mẹ không tốt.
Khi tôi ngồi trong vườn tưới nước rửa người cho Joe thì Max và Susie chạy ra ngoài và la hét về thứ gì đó. Tôi không nhớ chúng tranh cãi về điều gì vì điều đó không quan trọng. Điều đó không bao giờ quan trọng. Ngay khi hai đứa thấy tôi với cái vòi nước chúng bắt đầu tranh luận về nó.
Rất nhiều thứ đang chờ đón trong giai đoạn tiếp theo “dễ dàng hơn” trong cuộc sống của tôi!
Stress và một vài giải pháp
Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ có chung quan điểm với tôi là cuộc sống không phải khi nào cũng dễ dàng như bạn mong muốn (cho dù là có con hay không). Tôi thường không nghĩ rằng bản thân mình chịu áp lực, nhưng nếu phải tự đánh giá mức độ stress của mình thì tôi thấy mình hãy còn cách quá xa cảnh giới an nhiên tự tại.
Trong một bài giảng cuối năm, tôi có nói về tình trạng stress: đây là một phản ứng sinh học được kích hoạt bởi sự nhận thức về các tình huống bị đe dọa hay tiêu cực. Điều thú vị về stress là nó “hoàn toàn là điều có thật”. Tim đập nhanh hơn, đổ mồ hôi nhiều hơn và các phương thức kích hoạt của bộ não thay đổi. Nhưng đồng thời, những phản ứng này được phát sinh do cơ thể nhận thức hay dự kiến được những mối đe dọa. Điều này khá khác biệt với phản ứng chấn thương vật lý thực sự hay cuộc sống gặp bất hạnh (như là đau đớn, chảy máu hoặc đói).
Những cảm giác tồi tệ liên quan đến tình trạng stress là một loại phản ứng cần thiết và phổ biến, được hình thành để giúp chúng ta tránh gặp những tình huống nguy hiểm hay tiêu cực. Cho dù mối đe dọa đó có liên quan đến tổn thương về thể chất, đến sự cô lập với xã hội hay sự khó khăn về tài chính, thì một yếu tố quan trọng của trạng thái stress là sự nhận thức (thực sự hay không) rằng mình đang thiếu kiểm soát với tác nhân gây stress.
Như vậy chỉ có thể làm giảm stress bằng sự thay đổi, hoặc là thay đổi hoàn cảnh, hoặc là thay đổi nhận thức của bạn về tình huống. Trong một vài trường hợp, điều bi kịch là bạn không thể thay đổi được một trong hai điều ấy. Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta thì đều có những liệu pháp để giảm nhẹ stress.
Nếu không thể kiểm soát được các tình huống khiến chúng ta bị stress, thì ít nhất chúng ta vẫn có thể cố giảm bớt tác động từ những tình huống này tạo ra cho chúng ta.
Chúng ta không thể làm ngơ trước con cái hay một ông chủ đòi hỏi khắt khe. Do vậy nếu chúng ta không thể kiểm soát được các tình huống khiến cho chúng ta bị stress, thì ít nhất chúng ta vẫn có thể cố giảm nhẹ tác động từ những tình huống này tạo ra cho chúng ta.
Một phương thức giảm stress đã được phát triển phổ biến là thiền định, điều này đã được nghiên cứu và cho thấy là có rất nhiều lợi ích về tinh thần cũng như thể chất. Tôi không thường xuyên thiền định tuy nhiên trước đây tôi đã từng nghiên cứu về tác dụng của thiền định lên nhận thức trực quan và tôi vẫn còn tiếp tục quan tâm đến khía cạnh khoa học của thiền định.
Tôi tin là thiền định có thể dẫn đến những thay đổi thú vị và quan trọng cho não bộ nói riêng và cho cả con người nói chung. Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng các nghiên cứu nghiêm túc nhất đang cho thấy thiền định có rất ít hoặc không có hiệu quả trong hàng loạt các bối cảnh (dựa trên các chương trình được thiết kế 2-3 tháng).
Lợi ích của thiền định vẫn đang được nghiên cứu, tuy nhiên, việc có được những giây phút “giải lao” khỏi những công việc thường nhật có vẻ sẽ mang lại hiệu quả (Wikimedia/Caleb Roenigk/Flickr, CC BY).
Trong khi việc thiếu hiệu quả rõ ràng tích cực nghe có vẻ như là một tin xấu, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn về các nghiên cứu này thì chúng ta sẽ thấy một số điểm lạc quan. Điều mấu chốt là: lợi ích từ những chương trình thiền định này giảm dần khi các nhà nghiên cứu cố tạo ra nhóm đối chiếu tốt hơn để so sánh với việc ngồi thiền.
Stress có thể được giảm nhẹ bởi một chiến lược làm ngắt quãng hoặc chuyển hướng tập trung tri giác.
Trong các nghiên cứu sơ khai nhất, các nhà nghiên cứu đã không so sánh thiền định với các nhóm đối chiếu. Ở những nghiên cứu hiện tại, thiền định được so sánh với các chương trình khác có cấu trúc tương tự, vốn yêu cầu các cá nhân tích cực và chủ động thoát khỏi những hoạt động của đời sống hằng ngày (công việc, gia đình, truyền hình, email,…) Những buổi học thường liên quan đến các hoạt động êm dịu như nghe nhạc hoặc ngồi thư giãn.
Giả định của tôi (điều này không được kiểm nghiệm chính thức theo những gì tôi biết) là: trải qua sự nghỉ ngơi miễn cưỡng là không đủ, bởi vì không ai có thể cảm thấy khá hơn sau khi bị mắc kẹt tại sân bay sau nhiều giờ. Tuy nhiên, nếu bạn tách ra khỏi cuộc sống bận rộn thường ngày một cách đều đặn và có mục đích, dù cho điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn thì có vẻ như đó là một việc làm hữu ích.
Dưới góc độ sinh học thần kinh, điều này là có lý vì stress được phát sinh chủ yếu từ trạng thái cảm giác bị đe dọa thường trực. Từ đó nếu suy xét một cách logic thì stress có thể được giảm nhẹ bởi một chiến lược nhằm ngắt quãng hoặc chuyển hướng sự tập trung tri giác. Mức độ tác động của chiến lược đó – liệu tâm trí của người tham gia có bị thu hút bởi nhịp thở, bởi âm nhạc tĩnh lặng hay những con sóng cuộn trào ngoài đại dương – vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tất nhiên những phương pháp này nghe có vẻ hợp lý trên lý thuyết, nhưng nói thì dễ hơn làm. Tôi phải tự thú nhận rằng trong khi tôi vững tin rằng tôi được hưởng lợi từ thiền định hay bất kỳ sự chủ tâm nào để thoát khỏi cuộc sống hằng ngày, nhưng tôi vẫn ít khi làm điều đó. Tôi dường như chẳng bao giờ có thời gian.
Thành thật mà nói, tôi tự hỏi, có khi nếu tôi lý trí ưu tiên cho sức khỏe tinh thần và thể chất, và nghiêm túc kiểm soát cuộc sống của mình “để có thời gian”, thì tôi đã thực hiện được một nửa chặng đường đi đến thành công.
vietdaikynguyen