Hỏi đáp Y học: Phẫu thuật bằng dao Gamma
Bệnh nhân được chuẩn bị trước khi đưa vào máy chụp MRI
Bệnh nhân được chuẩn bị trước khi đưa vào máy chụp MRI
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Thính giả La Bích Thảo, ở Na Uy, hỏi như sau:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi tên La Bích Thảo, 48 tuổi, đang sống tại Na Uy. Năm 2014 tôi phát hiện tôi bị bệnh khối u thính giác qua MRI.
Do lần đầu vào máy chụp MRI, có nhiều âm thanh khác lạ nên tôi rất sợ, tôi phải bấm máy để ra sớm, sau khi vào máy nằm được 5 phút. Kết quả khối u là 14 mm.
Tháng 6 năm 2015 tôi chụp kiểm tra khối u với kích thước là 28 mm. Khi đó bệnh viện theo dõi chuyển hồ sơ bệnh án của tôi đến bệnh viện chuyên khoa của Norway, tên là Haukesland Sykehus. Sau 2 tháng tôi nhận được giấy của bệnh viện nói là họ sẽ lên phác đồ điều trị, và mổ theo phương pháp Gamma Knif. Họ sẽ gởi tôi vào viện trong vòng 4 tháng. Nay chắc còn hơn 1 tháng nữa là hết thời hạn 4 tháng. Có lẽ thời gian đã đến với tôi.
Xin Bác sĩ tư vấn cho tôi là tôi phải chuẩn bị thế nào trước và trong thời gian sắp tới phẫu thuật?
Sau khi xử lý khối u, tôi có khỏe lại liền không, đầu có bị đau không và tác dụng phụ của mổ Gamma?
Tôi có thể tự lo cho mình sau khi xuất viện không?
Mùa đông ở đây rất lạnh, thường -15 độ C, tôi đi ra ngoài có ảnh hưởng gì không?
Xin thành thật cảm ơn Đài và Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Dao Gamma (Gamma Knife Surgery, Stereotactic Radiosurgery)
● Stereotactic radiosurgery: phẫu thuật bằng quang tuyến theo hướng dẫn 3 chiều (stereo: 3 chiều, tri-dimensional, radio=quang tuyến, vô tuyến, surgery=phẫu thuật, giải phẫu)
● Tuy gọi là dao, đây không phải là một dụng cụ giải phẫu theo lối truyền thống, nghĩa là không cắt da, cắt xương sọ để đi vào vùng não bộ cần phá huỷ hay cắt bỏ.
● Tia gamma: Tia gamma (ký hiệu là γ) là một loại bức xạ có tần số cực cao.
● Tia gamma có bước sóng thấp nhất (wave length <10−12 meter) và tần số cao nhất (frequencies above 10 exahertz (or >1019 Hz)) trong số các sóng điện từ vì vậy nó mang nhiều năng lượng hơn. Tia gamma sinh ra từ quá trình phân rã (decay) các hạt nhân nguyên tử có trạng thái năng lượng cao; ở đây chất đồng vị phóng xạ được dùng để sinh tia gamma là chất Cobalt 60.
Những bệnh sau đây thường được phẫu thuật bằng tia gamma:
1. U bướu hay các tổn thương não bộ (tumors or brain lesions);
2. U thần kinh thính giác (acoustic neuroma);
3. Thần kinh số V đau (làm đau vùng mặt, trigeminal neuralgia) do bị một u bướu trong sọ đè lên dây thần kinh V (trigeminal nerve);
4. Những mạch máu nối động mạch và tĩnh mạch bất bình thường (arteriovenous malformations, AVM) ;
5. Trong những trường hợp không dùng phẫu thuật thông thường để tiếp cận các u bướu (ví dụ di căn [metastasis] của ung thư phổi rải rác lên não bộ);
6. Hay tình trạng chung bệnh nhân quá yếu không thể phẫu thuật bằng dao kéo được.
Nói chung, tia gamma tác dụng lên trên DNA (là chất liệu di truyền của tế bào bất thường của u bướu hay vùng cần bị phẫu thuật), làm cho tế bào không nhân lên được, u bướu bị teo lại, các mạch máu bất thường AVM tắc nghẽn và teo lại.
Tôi nghĩ trước khi giải phẫu, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết trước những gì có thể xảy ra, chuẩn bị như thế nào và những biến chứng gì có thể xảy ra. Nói vắn tắt, sẽ có 4 giai đoạn:
1. Chuẩn bị: Bệnh nhân được gắn vào đầu một cái khung titanium (titanium head frame placement), với các ốc bám chặt vào đầu, nên cần thuốc tê cho khỏi đau đớn, để làm cơ sở định vị trong công việc định chính xác vị trí của u bướu hay vùng bệnh cần giải phẫu.
2. Bệnh nhân được làm MRI hay CT đầu (tumor or lesion location imaging).
3. Các chuyên viên sẽ tính toán các chi tiết như liều lượng, vị trí của các tia gamma dùng cho phẫu thuật (radiation dose calculation).
4. Sau đó bệnh nhân được đưa vào lòng máy dao gamma, được mang một cái nón [collimator helmet] có nhiều lỗ, để hướng các tia gamma vào một vị trí chính xác, hội tụ trên u bướu hay vùng thương tích cần giải phẫu.
Trước khi làm phẫu thuật, bệnh nhân có thể chuẩn bị những điểm sau đây:
1. Cho bác sĩ biết nếu mình bị dị ứng (allergies) với những chất như cao su, latex, iod, thuốc tiêm, băng keo, v..v...
2. Cho bs biết nếu mình bị bệnh dễ chảy máu.
3. Nếu mình mang pacemaker (điều tiết nhịp tim), các implants tai, stent trong tim, mạch máu, máy bơm thuốc tự động.
4. Nếu mình có thai hoặc có thể có thai.
5. Cần nhịn đói 8 giờ trước khi làm phẫu thuật, thường người ta cho nhịn đói sau 12 giờ khuya đêm trước.
6. Vẫn uống các thuốc thường lệ (như thuốc huyết áp, tiểu đường).
7. Có thể gội đầu bằng một thuốc shampoo đặc biệt đưa trước cho bệnh nhân.
8. Những nơi gắn ốc để mang khung titanium có thể cần được cạo tóc hoặc không cần.
9. Một số nơi bác sĩ cho bệnh nhân thuốc an thần trước khi làm phẫu thuật, tuy nhiên bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt thời gian trong máy, và liên lạc với chuyên viên bên ngoài bằng intercom trong lúc họ theo dõi bệnh nhân trên video.
Phẫu thuật:
Kéo dài 1-60 phút tuỳ trường hợp (radiation treatment). Có thể kéo dài vài giờ. Thường thì chỉ làm một lần mà thôi (one session).
Xong bệnh nhân được gỡ khung khỏi đầu mình, theo dõi một thời gian ngắn, có thể về nhà trong ngày hoặc ngày sau.
Bệnh nhân được theo dõi bằng MRI, hay CT theo định kỳ ví dụ 6 tháng -12 tháng sau khi giải phẫu.
Sau khi hoàn tất phẫu thuật:
● Sau một thời gian theo dõi ở bệnh viện, thường bệnh nhân được về nhà trong ngày, hoặc có thể ở một đêm trong bệnh viện. Nên có người lái xe cho mình về nhà sau khi phẫu thuật.
● Sau đó thì, trừ trường hợp bác sĩ dặn trước, bệnh nhân thường được sinh hoạt như bình thường.
● Bệnh nhân cần liên lạc với bác sĩ nếu nhức đầu nhiều quá, các chỗ gắn khung đầu chảy máu, chóng mặt, mờ mắt rất nhiều so với trước khi phẫu thuật, động kinh.
● Một số bác sĩ nghĩ rằng tia gamma ảnh hưởng đến chất myelin là chất bọc và che chở các dây axon của tế bào thần kinh trong não bộ, do đó bệnh nhân có thể cảm thấy rất mỏi mệt và sau đó có thể thấy trí nhớ ngắn hạn (short term memory) cần dùng để tính toán, sinh hoạt thông thường (ví dụ hay quên, đãng trí, ví dụ quên đường phố mình mới đi qua, trước khi rẽ qua đường khác) có thể bị ảnh hưởng.
Xin nhớ tất cả các nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin, độc giả cần được bác sĩ khám bệnh và được bác sĩ theo dõi.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bs Hồ Văn Hiền (Nguồn : VOA)