Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chứng hôi miệng

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chứng hôi miệng

    Hỏi đáp Y học: Chứng hôi miệng

















    Bác sĩ Hồ Văn Hiền








    Thính giả Vân Đỗ, ở bang Oregon, Mỹ hỏi như sau:


    “Kính thưa Bác sĩ,


    Tôi năm nay 76 tuổi, ở bang Oregon.


    Tôi bị tình trạng hôi miệng 7, 8 năm nay rồi, mà không khỏi.


    Các bác sĩ cho thuốc đủ thứ, nhưng không thấy đỡ. Các loại thuốc trị đau bao tử như thuốc nghệ, thuốc ranitidine của pharmacy. Tôi có đi uống thuốc Tàu nữa, nhưng chưa thấy hiệu quả gì.


    Đó là một trở ngại rất lớn, thí dụ như mỗi khi chúng tôi có nói chuyện với nhau hoặc họp hành, thì gây khó chịu cho những người xung quanh.


    Xin nhờ bác sĩ chỉ giùm nên uống thuốc gì, và nên làm gì.

    Cảm ơn Bác sĩ."





    Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:




    Chứng hôi miệng (fetor oris, halitosis [halitus: hơi tỏa ra, thở ra])


    Hôi miệng là một triệu chứng thường gặp, được định nghĩa như là sự hiện diện dai dẳng hay thường gặp của một mùi trong hơi thở làm khó chịu.


    1. Nguyên nhân:


    Trái với thành kiến phổ thông, hơi thở không phản ảnh tình trạng tiêu hoá, nghĩa là việc thức ăn được tiêu hoá tốt hay không trong bao tử, trong ruột, hay một bệnh gì đó trong ống tiêu hoá.


    Thực quản (esophagus) nối liền miệng với dạ dày được xẹp lép xuống trong tình trạng bình thường. Chỉ lúc ợ hơi thì khí trong dạ dày mới thoát ra ngoài và ảnh hưởng đến hơi thở.


    85% nguyên nhân ở miệng: đa số các trường hợp hôi miệng do những thức ăn còn dính trong miệng bị các khuẩn gram âm yếm khí ( hay kỵ khí) (anaerobic gram negative bacteria), làm cho lên men (fermentation), tạo nên những hợp chất bay hơi như hydrogen sulfide và methyl mercaptan.


    Nướu răng (gum, gingiva) bị bệnh, như trong trường hợp bệnh chu nha (periodontal disease), nướu bị loét hay các mô bị chết (hoại tử). Bệnh chu nha là bệnh nhiễm khuẩn mãn tính của nướu răng và xương bao bọc quanh chân răng; nếu không chữa, bệnh nặng có thể đi đến rụng răng.


    Viêm nướu răng (gingivitis) do nướu răng phản ứng với plaque, là những chất dẻo và dính (“cao” răng) do vi khuẩn đọng lại, để lại trên mặt ngoài của răng. Dần dần, chất vôi calcium đọng thêm vào, biến thành đá răng (tartar hay calculus), cần được nha sĩ dùng dụng cụ lấy ra. Viêm nướu là bước đầu, sẽ tiến triển thành viêm chu nha (periodontitis).


    Bệnh chu nha là một yếu tố cơ nguy làm tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, bệnh sưng phổi (pneumonia), tình trạng có bầu sinh non (prematurity) sinh con nhẹ cân (low birth weight).


    Nếu nướu răng lành mạnh, các vi khuẩn này có thể tồn tại trên mặt trên của đoạn lưỡi phía sau, về phía họng. Những yếu tố sau đây làm vi khuẩn nảy nở nhiều ơn: các tuyến nước miếng giảm sản xuẩt nước miếng, nước miếng không lưu thông tốt, ứ đọng, và nước miếng quá kiềm (alkaline). Bình thường pH nước miếng từ 6.37.5; thường hơi acid, nhưng lúc các tuyến nước miếng được kích thích lúc cần tiêu hoá nhiều thì đổi qua kiềm (pH8).




    2. Nguyên nhân hiếm gặp:


    • Ung thư mũi và họng (nasopharyngeal cancer),
    • Nhiễm trùng xoang (sinusitis), mũi;
    • Vật lạ (foreign bodies) trong mũi gây nhiễm trùng làm một mùi rất thối toát ra từ mũi em bé, có thể cộng thêm chảy máu và mủ từ mũi;
    • Một số người bị áp xe trong phổi do một vật lạ do bất cẩn họ hút vào cuống phổi (aspiration of foreign body), làm tắc nghẽn cuống phổi, vùng phổi bị cô lập, hay cuống;
    • Phổi dãn nở một cách bất bình thường (bronchiectasis) tạo nên một túi chứa nhớt, sẽ bị các vi khuẩn yếm khí (anaerobic bacteria) chiếm đóng và gây ra áp xe phổi.


    3. Một số chất trong thức ăn uống (tỏi, hành, rượu) có thể đi vào hơi thở để tạo nên một mùi thoang thoảng, có thể làm khó chịu nhưng thường không thối rõ rệt.


    4. Một số bệnh làm cho hơi thở có mùi: người tiểu đường nặng hơi thở như mùi trái cây, người suy gan (liver failure) có thể có mùi "chuột", mùi mốc (mousy, musty smell), hay mùi sulfur; người suy thận (renal failure) có thể có hơi thở mùi ammonia.






    Định bệnh:


    Bác sĩ thử ngửi mùi hơi thở bệnh nhân (sniff test). 48 giờ trước khi khám, bệnh nhân tránh ăn tỏi và hành, và 2 giờ trước khi khám, bệnh nhân không ăn, nhai, uống nước, súc miệng hay hút thuốc lá. Bệnh nhân thở ra bằng miệng về phía mũi bác sĩ ở khoảng cách 10cm, lần thứ nhì thở qua mũi, miệng ngậm lại. Nếu hơi thở qua miệng là hôi thối nhất, nguyên nhân có lẽ nằm ở miệng. Nếu hơi phà qua mũi là hôi nhất, nguyên nhân nghi ở mũi. Nếu thở bằng miệng và thở
    bằng mũi hôi giống nhau, nguyên nhân nằm trong phổi, hoặc nguyên nhân là một bệnh ảnh hưởng toàn thân (systemic disease) (theo Merck Manual).


    Nếu không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể dùng muỗng plastic cạo phía sau lưỡi bệnh nhân, đợi 5 giây đồng hồ, rồi ngửi cách 5cm.


    Ngoài ra bác sĩ cần xem kỹ vùng răng miệng, nướu răng, mũi và xoang (sinuses).


    Có khi bệnh nhân bị ám ảnh là hơi thở mình bị hôi, mặc dù người chung quanh không nhận thấy gì cả, và bác sĩ làm test như trên cũng không ngửi thấy (psychogenic halitosis= bệnh hôi miệng do nguồn gốc tâm lý).






    Trị liệu:


    1. Đối với chứng khô miệng vì ít nước miếng, nhất là người già:


    • Bảo vệ sức khoẻ răng miệng: đánh răng mỗi lần 3 phút, ít nhất 2 lần mỗi ngày, có thể dùng máy đánh răng, dùng bàn chải tốt, đánh đúng hướng dọc theo kẽ răng. Dùng chỉ răng (floss) để thanh toán thức ăn giữa các kẽ răng, nhất là những răng cấm phía sau;
    • Có thể dùng máy bơm và xịt nước (water pick) mỗi lần sau khi ăn xong để rửa sạch các kẽ răng.Coi chừng tăm xỉa răng không đúng cách, quá nhiều, có thể làm hư nướu răng mà không lấy được các mảnh vụn thức ăn;
    • Khám nha sĩ để cạo cao răng định kỳ, trám các lỗ sâu răng và chữa bệnh chu nha nếu có;
    • Thuốc súc miệng để giảm plaque và giảm khuẩn (mouthwash), vd chlorhexidine (prescription in U.S.);
    • Giữ gìn răng giả đúng vệ sinh;
    • Nếu nghẹt mũi vì dị ứng, hay nếu thở bằng miệng ban đêm (vd. vì mập) cần để ý vì thở miệng làm miệng khô;
    • Sáng nên chải răng và ăn sáng nhẹ.


    2. Chúng ta có thể thử những biện pháp sau cho chứng khô miệng:


    • Nhờ bác sĩ gia đình xét lại toàn bộ tình hình, bác sĩ nha khoa xem lại sức khoẻ răng miệng;
    • Nhờ bác sĩ giúp tính lượng nước uống đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng tốt;
    • Xem trong các thuốc đang uống có những thuốc ảnh hưởng đến lượng nước miếng (thuốc trị dị ứng như Benadryl [diphenhydramine], thuốc ho);
    • Bỏ hoặc cai thuốc lá, rượu;
    • Dùng "nước miếng nhân tạo" (artificial saliva) xịt vào miệng; giúp miệng đỡ khô, như Biotène Moisturizing Mouth Spray; kẹo ngậm (lozenges) chống khô miệng, kích thích tiết nước miếng, kẹo có chứa chất xylitol là một loại đường lấy từ thực vật, không làm hư răng (vd XyliMelts for Dry Mouth).


    Tóm lại nên chú trọng về vệ sinh và sức khoẻ răng và miệng nhiều hơn là dùng những thuốc tác dụng trên bộ phận tiêu hoá như dạ dày (những thuốc “thuốc trị đau bao tử” như ranitidine, omeprazole làm giảm bớt acid trong dạ dày), ruột và gan.


    Chúc bệnh nhân may mắn.
    Bác sĩ Hồ Văn Hiền
    (Hien V. Ho, MD)(nguồn : VOA)






Working...
X