Chứng phù hai chân
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Kính thưa Bác sĩ,
Tôi ở tuổi 60, có nếp sống lành mạnh ngay từ thời niên thiếu. Tôi tập thể dục tập võ, không uống rượu, không hút thuốc... có sức khỏe rất tốt, ít khi bị cảm cúm, da thịt bị cắt thì mau lành ít khi bị sưng hay làm độc.
Tôi vốn tính rất siêng năng, nhanh nhẹn, xông pha, mạo hiểm, thích làm những việc khó, việc nguy hiểm, và có ý định sống đến 100 tuối, và có ý định phải sống vui sống khỏe. Khi nào bị bệnh nặng mà không thể chữa khỏi thì uống thuốc ngủ để ngủ luôn chứ không muốn sống khổ cho mình và khổ cho người khác.
Tuy nhiên tôi thấy sức khỏe có phần sa sút như lười vận động, làm việc gì cũng chậm chạp, đặc biệt là đôi chân của tôi bị sưng từ khoảng đầu gối xuống đến bàn chân từ 7 năm nay. Nếu tôi nằm thì bớt sưng, nếu đứng càng lâu thì chân sưng càng lớn.
Tôi có đi bác sĩ gia đình ngay từ những năm đầu. Bác sĩ cho uống nhiều thứ thuốc, nhưng không có thuốc nào hiệu quả, mà ngày càng trầm trọng hơn.
Tôi sợ đến ngày nào đó thì chân tôi bị hư, tôi rất lo lắng nhưng bác sĩ gia đình tôi thì coi như chuyện bình thường -- đến tuối già thì phải như vậy, nhưng không hề giải thích cho tôi biết có cách nào chữa lành không, nếu không thì hậu quả sẽ ra sao, v.v.
Dù tôi cố tình hỏi cho biết, nhưng bác sĩ gia đình của tôi chỉ trả lời lấy lệ khiến tôi rất lo âu.
Vậy tôi xin hỏi Bác sĩ:
1. Bệnh sưng ở chân của tôi có cách nào chữa khỏi không? Hay có cách nào chặn đứng sự phát triển ngày càng tệ hại thêm không?
2. Nếu không chữa lành được thì hậu quả sẽ như thế nào? Như không thể đi được hay da thịt bị thúi phải cưa bỏ chân v.v.
Trân trọng cảm ơn Bác sĩ."
Phù hai chân (Leg edema)
Phù hai chân có thể do những nguyên nhân khác nhau: 1-2 hạ chi sưng, có thể sưng từ háng hoặc thấp hơn, thường là từ đầu gối trở xuống, hoặc ít hơn nữa, chỉ thấy hai cổ chân tròn trịa hơn bình thường.
1) Người quá mập, nước trong cơ thể dễ ứ đọng vào phần dưới của cơ thể là hai chân;
2) Người lớn tuổi;
3) Máu đông cục trong các tĩnh mạch hai chân (deep vein thrombosis, DVT);
4) Nhiễm trùng;
5) Các tĩnh mạch không đủ sức giữ cho máu chảy về trung ương của hệ tuần hoàn là trái tim, máu ứ ở hai chân và do đó nước và dịch lâm ba được giữ lại dưới chân nhiều hơn (chronic venous insufficiency);
6) Sau khi phẫu thuật vùng xương chậu, nhất là phẫu thuật vì ung thư; phẫu thuật vùng hạ chi;
7) Ngồi lâu, nhất là chỗ chật chội, ít được đi lui đi tới, vận động hai chân;
8) Người uống thuốc ngừa thai;
9) Người mang thai.
Phù hai chân có thể là một dấu hiệu của những điều kiện bệnh lý trong đó (theo NIH):
1) Cơ thể giữ lại quá nhiều nước (thay vì thải nước ra một lượng vừa phải, thận bị suy giữ nước quá nhiều trong cơ thể),
2) Tim không đủ sức để bơm giải toả lượng máu trở về tim (suy tim),
3) Lượng protein trong máu quá thấp (hypoproteinemia) nên nước trong các mạch máu thoát ra ngoài, ứ lại những vùng thấp (dependent edema) là ở hai chân nếu người đi đứng bình thường, vùng mông và lưng nếu là người nằm một chỗ. Ví dụ những người suy dinh dưỡng, suy gan (là nơi tổng hợp các protein trong máu), người bệnh nephrotic syndrome: thận không giữ được protein của máu, để thất thoát protein qua nước tiểu.
Một số thuốc có thể làm sưng, phù chân:
1) Thuốc chống trầm cảm (Antidepressants, including MAO inhibitors (such as phenelzine and tranylcypromine) and tricyclics (such as nortriptyline, desipramine, and amitriptyline);
2) Thuốc hạ áp huyết (calcium channel blockers, vd nifedipine, amlodipine, isradipine, nicardipine, felodipine, diltiazem, verapamil);
3) Các hormon (kích thích tố, hormones), hormone nữ trong viên thuốc ngừa thai hay dùng điều trị các triệu chứng khó chịu của thời kỳ mới tắt kinh (estrogen in birth control pills or hormone replacement therapy); hay kích tố nam giới (testosterone);
4) Thuốc làm giảm viêm loại corticoid ( corticosteroids) như prednisone, dexamethasone.
Tóm lại, trong trường hợp này tình trạng sức khoẻ bệnh nhân vẫn tốt mặc dù hai chân bị sưng phù trong nhiều năm qua. Nếu cần cho yên tâm bác sĩ sẽ khám kỹ, nếu cần thử máu và nước tiểu đơn giản, loại bỏ khả năng những điều kiện bệnh lý của tim (suy tim, heart failure), thận (suy thận, renal failure), gan (xơ gan [liver cirrhosis] làm nghẽn đường máu trở về tim, có thể kèm theo bụng báng nước [ascites], suy cơ năng các tĩnh mạch (venous insufficiency), tình trạng dinh dưỡng, cơ năng tuyến giáp (ví dụ: suy tuyến giáp (hypothyroidism) bệnh nhân có thể bị phù, lên cân và mệt mỏi), thiếu máu (anemia).
Nếu suy cơ năng các tĩnh mạch, và mọi chuyện khác tốt, bình thường, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp có ích cho suy giãn tĩnh mạch mạn tính sau đây (chronic venous Insufficiency):
● Kê chân lên cao lúc nằm;
● Vận động hai chân, ví dụ lúc ngồi lâu trên máy bay. Các bắp cơ của hai cẳng chân lúc co duỗi sẽ tác dụng như là những máy bơm bơm máu và các dịch đi ngược trọng lượng về tim;
● Mang loại vớ dài và bó chặt hai chân (support stocking) có bán tại các tiệm pharmacy. Nên nhớ mới sáng thức giậy là phải mang vớ vào rồi, đừng đợi đến lúc chân sưng sau khi đi đứng;
● Tránh quần, áo, thắt lưng quá chật làm trở ngại máu lưu thông;
● Giảm cân nếu quá mập;
● Người ta có thể dùng vật lý trị liệu tập các cơ "bắp chuối' và bàn chân, nhưng kết quả không cao;
● Một số thuốc uống, thoa với mục đích làm cho tĩnh mạch hoạt động tốt hơn, được dùng ở Châu Âu và một số nước khác, nhưng không được FDA Mỹ chấp thuận vì cho là không hiệu quả;
● Cần săn sóc da cẩn thận. Chữa các vết loét nếu có (Unna boot [with Zinc Oxide], Unna boot; băng gạt gòn có tẩm oxyt zinc, quấn vào chân đến đầu gối, có khả năng bó chân lại, che chở da và sát trùng, một tuần thay 1-2 lần. DuoDERM with aluminum chloride);
● Ăn lạt (nhạt), giảm bớt muối trong thức ăn, giảm nước mắm, xì dầu chấm, v.v..
- Phẫu thuật:
Dưới 10% bệnh nhân cần phẫu thuật:
1) Sclerotherapy: chích thuốc hoá học vào đoạn tĩnh mạch cho nó xơ, rút teo lại;
2) Ablation: cho ống catheter vào tĩnh mạch, ở đầu có điện cực (electrode) đốt lòng vách tĩnh mạch;
3) Vein stripping: cột hai đầu một tĩnh mạch và rút ra;
4) Bypass: lấy khúc tĩnh mạch nối hai tĩnh mạch với nhau, nơi máu khó đi qua;
5) Sửa chữa van bị hở;
6) Angioplasty: dùng stent nông tĩnh mạch bị nghẽn sau khi bị viêm tĩnh mạch.
Phòng ngừa
Chủ yếu là làm giảm cơ nguy làm cho máu ứ đọng trong các tĩnh mạch (venous stasis) dưới chân quá lâu:
1) Viêm tĩnh mạch sâu (DVT) là một trong những nguyên nhân gây nghẽn đường lưu thông máu trong hệ thống tĩnh mạch và dẫn tới suy tĩnh mạch. Một nguyên nhân thường được nhắc đến là đi du lịch ngồi máy bay lâu (3-8 tiếng hoặc hơn) dễ bị viêm tĩnh mạch sâu, trong một số trường hợp dẫn đến hiện tượng cục máu đông chạy (venous thromboembolism, VTE) ngược lên tim làm tắc nghẽn động mạch phổi rất nguy hiểm (pulmonary emboli). Phòng ngừa VTE cho những người high risk (như trên 40 tuổi, mập, uống thuốc ngừa thai, bị ung thư, mới phẫu thuật, mới sanh, đang có bầu) bằng cách ngồi bên đường đi, đi lại thường xuyên, tập thể thao bàn chân, cẳng chân ("bắp chuối", calf muscle exercise), những vớ đặc biệt bó chân lại theo từng nấc, dưới đầu gối (under-knee graduated compression stocking);
2) Tránh đừng quá mập;
3) Vận động thường xuyên, tránh bất động kéo dài;
4) Tránh rượu và thuốc lá.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Nguồn : VOA