Nhức đầu Migraine
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
Code:
drnguyentranhoang@gmail.com
Hỏi:
-Gần đây, mỗi khi gần đến ngày có kinh, em hay bị nhức đầu, lúc nào cũng nhức nửa đầu, muốn ói, lúc nhức rất sợ ánh sáng và tiếng động; sau cơn nhức đầu, nhiều khi mệt lả người, cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải.
-Em có đi khám bác sĩ, thử máu kết quả tốt. Bác sĩ cho biết là bị bịnh migraine, cho uống nhiều loại thuốc. Người quen lại nói là bị nhức đầu đông, và bịnh này không thể chữa dứt hẳn.
-Theo bác sĩ, em bị bịnh gì? Nguyên nhân từ đâu? Uống thuốc lâu ngày có biến chứng gì cho cơ thể và trí óc không? Có cách gì chữa dứt hẳn không? Có cách ăn uống, thể dục, hoặc những cách nào khác không dùng thuốc có thể giúp giảm bớt bệnh hay không?
Ðáp:
Theo lời kể bịnh, chắc đúng là em đã bị nhức đầu migraine, người Việt mình gọi là nhức đầu đông.
Nhức đầu đông tương đối thường gặp. Theo các nghiên cứu khác nhau, có 12 hoặc 20 phần trăm hoặc hơn nữa của người Mỹ có lúc bị nhức đầu migraine trong cuộc đời của họ.
Cơn migraine đầu tiên thường bắt đầu lúc còn thiếu niên hoặc trẻ tuổi. Trong số những người bị nhức đầu đông, phụ nữ chiếm khoảng hai phần ba; và ở phụ nữ các cơn nhức đầu này có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu trong gia đình, có người đã bị, nguy cơ bị bệnh này sẽ cao hơn. Nhức đầu đông thường lập đi lập lại và có thể tự nhiên khỏi hẳn vào lứa tuổi 50 đến 60.
Một cách điển hình, người bị migraine (đọc là mai grên) thường bị nhức nửa đầu (cũng có khi cả hai bên đầu trong trường hợp không điển hình), kéo dài từ bốn tiếng đồng hồ đến mười hai tiếng, có khi ngắn hoặc dài hơn, có thể kéo dài đến vài ngày; có thể có lúc bên này, có lúc bên kia; nhức như có gì nhảy nhảy hay là mạch máu đập đập; đi kèm với buồn nôn hoặc ói mửa, có thể sợ ánh sáng hoặc tiếng động, khiến cho bệnh nhân thường muốn kiếm chỗ tối và yên lặng để nghỉ ngơi; hoạt động, làm việc có thể làm cho cơn nhức đầu nặng hơn.
Trước cơn nhức đầu, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu đi trước cơn nhức đầu (gọi là aura-tiền triệu). Các dấu hiệu này có thể là bị hoa mắt, nhìn thấy hình ảnh bị biến dạng hoặc các tia sáng nhảy nhót. Các thay đổi về thị giác này có thể kéo dài 15 đến 30 phút. Ðôi khi, các tiền triệu có thể ảnh hưởng thính giác, khứu giác hay vị giác. Chỉ có một số bệnh nhân có các tiền triệu này, và nhiều khi các triệu chứng này xảy ra nhưng không đi kèm với nhức đầu sau đó.
Hiếm hơn, nhức đầu đông cũng có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn về thần kinh như chóng mặt, tạm mù, ngất xỉu, tê, yếu một hay nhiều phần cơ thể.
Trong giai đoạn vài ngày trước khi bị nhức đầu, các bệnh nhân “có kinh nghiệm” có thể cảm thấy các triệu chứng cho biết cơn nhức đầu sắp đến, các triệu chứng trong giai đoạn này gọi là prodrome, có thể gồm các triệu chứng như cảm thấy uể oải, hay đói, hồi hộp. Sau đợt nhức đầu, các triệu chứng gọi là postdrome cũng có thể kéo dài vài ngày, bao gồm cảm giác bị kiệt sức, lần lần thuyên giảm.
Cho tới nay, người ta vẫn chưa thật rõ nguyên nhân của nhức đầu đông. Cảm giác nhức là do sự sưng của các mạch máu và thần kinh xung quanh não. Sự sưng này có thể bị kích hoạt bởi các thay đổi của các hóa chất và các hoạt động điện trong não, trong số này có chất serotonin. Tuy nhiên cái gì gây ra các thay đổi này vẫn còn chưa được hiểu cặn kẽ.
Dù sao điều may mắn là hiện nay có rất nhiều thuốc có thể giúp giảm và phòng được các đợt nhức đầu kinh khủng này.
Nếu bị nhẹ, ta có thể dùng các thuốc mua không cần toa như Tylenol, Motrin, Aleve, (hoặc các thuốc bán không cần toa khác có chữ migraine trong đó).
Nếu bị nặng, bị nhiều lần, dùng các thuốc trên không đủ hiệu quả, và muốn phòng các cơn đau, cần đến bác sĩ để được khám và kê toa.
Ngoài thuốc men, người bệnh có thể giảm thiểu các cơn nhức đầu bằng cách nhận diện và tránh các yếu tố kích hoạt các cơn nhức đầu này để tránh bị các cơn này hoặc giúp làm giảm bớt sự trầm trọng của nó. Các yếu tố kích hoạt của migraine gồm có:
- Một số thức ăn, như phô mát, thịt để lâu, nước lên men, thức ăn ướp, rượu vang, bột ngọt, các chất có bỏ màu hoặc mùi hóa học.
- Dùng nhiều caffeine quá hoặc cắt giảm lượng caffeine thường dùng một cách đột ngột.
- Căng thẳng hoặc... giảm căng thẳng một cách đột ngột quá (mới thi xong, mới đám cưới xong...)
- Thay đổi mức hormone trong máu (dùng thuốc ngừa thai, chu kỳ kinh nguyệt - cần dùng thuốc phòng nếu nhức đầu xảy ra mỗi chu kỳ).
- Mất hay thay đổi giờ giấc ngủ.
- Du lịch, thay đổi thời tiết.
- Lạm dụng các thuốc giảm đau.
- Một số cách khác như xoa bóp, thể dục đều đặn, châm cứu, tập yoga cũng có thể giúp giảm bớt các cơn nhức đầu đông.
Tóm lại, nhức đầu đông với các đặc điểm kể trên, là bệnh thường gặp. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng bệnh này có thể phòng được hoặc giảm bớt các cơn đau được, bằng cách tránh các yếu tố kích hoạt cơn nhức đầu kể trên. Nếu các biện pháp trên và các thuốc mua không cần toa không đủ hiệu quả, cần đến bác sĩ, vì có nhiều thuốc công hiệu hơn nhiều, nhưng cần phải khám và kê toa.
Thuốc nào cũng có các tác dụng phụ cũng như tương tác với các thuốc khác. Do đó, khi điều trị lâu dài, cần đi khám đều đặn với một bác sĩ để theo dõi, phòng tránh và đối phó kịp thời với các tác dụng phụ của thuốc cũng như các biến chứng của bệnh.
Nhức đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó trừ các các trường hợp nhẹ và khỏi trong vòng vài ngày, nếu triệu chứng nặng hoặc kéo dài, nên đi bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Code:
www.nguyentranhoang.com