“Bụt nhà ..không thiêng” hay câu chuyện của cây DƯƠNG ĐÀO (Kiwi)
Tác Giả
Trần Việt Hưng
TÊN KHOA HỌC: Actidinia chinensis thuộc họ thực vật Actinidiacceae. Mỹ gọi là Kiwi. Pháp gọi dưới tên lạ lùng hơn: Souris vegetable. Việt Nam gọi đơn giản là Đào ruột xanh hay gọi theo người Trung Hoa là Dương Đào. Đông Y gọi dưới tên Mi Hảu Đào hoặc Đằng Lê.
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ
Dương Đào có nguồn gốc từ Trung Hoa sống hoang tại vùng thung lũng sông Dương tử và là một loại cây leo mọc theo giàn. Lá rất đẹp có thể lớn khoảng từ 10 - 25cm, màu xanh đậm ở mặt trên, màu nhung hoặc trắng nhạt ở mặt dưới với nhiều lông tơ. Cây thường trổ hoa vào tháng 5, hoa màu vàng mọc ở kẽ lá, lớn khoảng từ 2,5 đến 4cm. Quả lớn cỡ trứng gà, vỏ màu nâu đầy lông tơ, phần thịt màu xanh, có vị ngon ngọt. Quả thường được hái khi còn xanh chưa chín, cứng và chát. Quả được giữ trong nhiệt độ bình thường để chờ trước khi đưa ra thị trường.
Cây Dương Đào được du nhập vào Tân Tây Lan vào năm 1904 do một du khách đi thăm vùng Dương tử. Du khách này đã đem hạt trái Kiwi về cho ông Alexander Allison, một chủ nhà vườn tại vùng Bắc Đảo Tân Tây Lan. Sau suốt 30 năm tìm đủ cách để lai tạo, ông Alexander đã đạt được kết quả tốt đẹp. Mãi đến năm 1952 do một sự tình cờ mà quả Kiwi nhập được vào thị trường Anh quốc. Tuy xuất phát từ Trung Hoa nhưng Kiwi là trái cây xuất cảng đứng hàng đầu của Tân Tây Lan (68% sản lượng thế giới, khoảng 300 ngàn tấn mỗi năm - 1990).
DƯƠNG ĐÀO TRONG ĐÔNG Y
Theo Đông Y, Dương Đào có vị ngọt và chua, tính hàn, với tác dụng làm tiêu được nhiệt, giải được khát và kích thích giúp thông tiểu, gia tăng lưu thông khí huyết cùng làm bớt sưng. Dương Đào được dùng để trị sốt nóng tạo cảm giác bất ổn, giúp giải được tiểu đường, vàng da, sạn thận, và trường hợp nước tiểu đục do phát nhiệt trong cơ thể. Ngoài ra rễ của Dương Đào hay Đằng Lê căn tuy có vị chua nhưng lại có tính âm hàn được dùng để trị các bệnh sưng gan gây vàng da, đau nhức khớp xương do âm hàn xâm nhập, phù thủng do úng thủy, nước không thông trong cơ thể. (Liều thường dùng là từ 30 - 60g rễ khô mỗi ngày bằng cách sắc)
Khả năng ngừa bệnh Tim-mạch của Dương đào (Kiwi):
Kiwi có thể xem là trái cây chứa nhiều Vitamin C nhất. Một trái Kiwi nhỏ có thể cung cấp đến 75mg Vitamin C nghĩa là hơn hẳn Cam, hoặc tương đương với một ly 150mg nước Bưởi. Nên chú ý là Vitamin từ trái cây dễ hấp thụ hơn là Vitamin nguyên chất dưới dạng thuốc viên. Ngoài ra Kiwi chứa nhiều Potassium nên rất hữu ích cho những người đang bị bệnh Huyết áp cao. Potassium cũng giúp thông tiểu, nghĩa là giúp thận bài tiết nước ra khỏi cơ thể. Các trường hợp bệnh về tim mạch vì thiếu Potassium nhịp tim đập không đều cũng có thể điều trị bằng Kiwi.
Dương Đào và bệnh đầy hơi khó tiêu:
Kiwi chứa một hỗn hợp phân hóa tố loại protease, giúp sự bài tiết dịch vị, và tiêu hóa chất đạm nhất là thịt. Phân hóa tố này khác với Papain (Đu Đủ) hoặc Bromelain (trong Dứa), ở chỗ bị hủy ở nhiệt độ cao. Do đó không thể dùng Kiwi để nấu hoặc hầm thịt nhưng có thể lát mỏng và ướp thịt khoảng 30 phút đến 1 giờ trước khi nấu, sẽ giúp thịt trở nên mềm và chóng nhừ. Kiwi cũng rất hữu ích trong trường hợp ăn không tiêu. Quý vị yếu bao tử ăn mỗi ngày 2 hoặc 3 lát Kiwi trước khi dùng bữa, hoặc tốt hơn nữa là cắt Kiwi từng lát mỏng, trộn trong các món rau sống. Chất phân hoá tố trong Kiwi cũng làm cho thạch, gelatin không đông đặc được.
Kiwi và bệnh Ung thư ngực nơi phụ nữ:
Một trong những yếu tố dễ gây bướu ung thư ngực (theo dõi trên 10 ngàn trường hợp ung thư ngực) là do thiếu Vitamin C trong khẩu phần dinh dưỡng. Và cũng theo các khuyến cáo thì nếu phụ nữ ăn uống thực phẩm chứa ít nhất 380mg Vitamin C mỗi ngày tỷ lệ ung thư sẽ giảm bớt được 16%
baotreonline