Hỏi đáp Y học: Máu nhiễm mỡ
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả đài VOA Trần Vượng, ở Việt Nam, gửi câu hỏi thắc mắc về chứng máu nhiễm mỡ.
Thính giả Trần Vượng hỏi như sau:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi tên là Vượng, 46 tuổi, ở Việt Nam muốn hỏi Bác sĩ về vấn đề máu bị nhiễm mỡ.
Tôi đi khám sức khỏe định kỳ và được bác sĩ cho biết là máu của tôi bị nhiễm mỡ độ 1.
Vậy có nghĩa là như thế nào tôi không hiểu, và có thuốc nào để chữa không?
Cám ơn Bác sĩ. ”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Máu nhiễm mỡ, hay nói theo từ tiếng Anh hyperlipidemia (hyper là nhiều quá, lipid là mỡ, emia là máu), là hoàn cảnh trong đó có quá nhiều mỡ trong máu.Thường người ta xét đến hai chất:
1. cholesterol
2. triglycerides
Cholesterol cần cho cơ thể chúng ta làm việc: cho màng của mọi tế bào, cho các hormone tuyến nội tiết, cho mật, v..v... Triglycerides đem năng lượng đến cho các tế bào, tương tự như những thùng dầu đốt đem năng lượng đến cho từng nhà. Cho nên hai chất này tối cần thiết, không có không được, cho sức khoẻ chúng ta. Chỉ có vấn đề là, hai chất này có khuynh hướng bám vào các mạch máu lớn và trung bình của chúng ta, nhất là nếu chúng nhiều quá, mức trong máu quá cao.
Trong dòng máu, hai chất này (cholesterol, triglycerides) được chuyên chở trên những hạt tròn gọi là lipoprotein. Lipoprotein gồm hai thành phần, một là proteins (apoproteins), phần kia là mỡ. Nếu trong lipoprotein, phần lớn là protein thì tỷ trọng nó sẽ cao, và gọi là HDL (high density lipoprotein, lipoprotein tỷ trọng cao) và chất cholesterol nó mang theo sẽ gọi là HDL cholesterol. Nói chung vì nó mang chất mỡ đi khỏi vách các mạch máu, đem cholesterol trở về gan, hay dùng trong việc tổng hợp các hormone steroid rất cần thiết cho cơ thể. HDL cholesterol càng nhiều thì càng tốt cho sức khoẻ tim mạch, cho nên người ta thường gọi đo là cholesterol tốt/ "good cholesterol". Nếu lipoprotein có hàm lượng protein ít hơn, nhiều mỡ hơn, cho nên tỷ trọng thấp hơn, gọi là LDL (low density lipoprotein, lipoprotein tỷ trọng thấp) và phần cholesterol nó mang theo gọi là LDL cholesterol. Loại này có khuynh hướng đem mỡ đến “đổ” vào vách mạch máu, càng nhiều thì càng có hại cho tim mạch, nên thường gọi là "cholesterol xấu" hay "bad cholesterol". Còn lại loại lipoprotein chứa phần lớn là mỡ triglycerides, tỷ trọng rất thấp, gọi là VLDL (Very Low Density Lipoprotein), và đây là nơi chuyên chở các mỡ triglycerides. Tóm lại, có HDL cholesterol là cholesterol "tốt", LDL cholesterol là cholesterol xấu, và VLDL là mỡ triglycerides, cũng xấu nếu nhiều quá, giống như cholesterol làm vách động mạch cứng hơn trước, mất tính đàn hồi, ít dẻo dai hơn (xơ vữa động mạch hay atherosclerosis). Nếu thật cao triglycerides có thể gây ra viêm tuyến tuỳ tạng (pancreatitis).
Do mỡ bám vào vách các động mạch, các mạch máu này hẹp đi, và các cơ quan mà mạch máu phụ trách sẽ thiếu máu nuôi dưỡng, có nghĩa là thiếu oxy, thiếu năng lượng để dùng. LDL làm hư hại vách mạch máu, lại len lỏi vào bề dày của động mạch nữa, làm hư hại thêm. Thêm vào đó các tế bào như bạch cầu của hệ phòng thủ cơ thể lại tụ vào, tìm cách thanh toán các vết mỡ đó đi. Chính sự can thiệp này lại càng cho "bãi chiến trường" bề bộn thêm, các rác rưởi (debris) tụ lại thành những "plaque" ("tấm bản") làm nghẽn động mạch. Vì những plaque này thành hình từ từ, cơ thể cũng có thời gian thích ứng, ví dụ trong các động mạch vành chúng ít khi gây ra cơn đau tim. Tuy nhiên, các bạch cầu cũng sản xuất những chất làm tan plaque ra, và thỉnh thoảng một miếng bị vỡ ra, tạo nên một cục máu đông ("huyết khối", thrombus) trôi theo dòng máu. Chỉ trong vòng vài phút, huyết khối làm tắt nghẹt (embolization) một nhánh mạch máu; vd ở tim gây ra cơn đau tim, ở óc thì có thể gây tai biến não đột ngột (stroke) làm mất khả năng nói, hay cử động, hay đau đớn (ví dụ đau tim; heart attack). Căn cứ trên những khảo cứu khoa học, người ta ước tính và quy định những mức cholesterol và triglycerides nào thì được xem là quá cao cho một nhóm dân số nào đó, một lứa tuổi nào đó. Ví dụ, ở phương tây mỡ trong máu nói chung cao hơn 20% là ở người châu Á, và người càng lớn tuổi thì các chất mỡ này càng lên cao, mặc dù là người mạnh khoẻ, bình thường.
Ví dụ, cholesterol dưới 200 mg/dL là tốt (5.2 mmol/L cho Canada và Châu Âu), giữa 200-239 (5.2-6.2 cho Canada và Châu Âu) là hơi cao, trên 240 mg/dL (>6.2mmol/L) là cao. LDL nên giữ ở mức dưới 130 mg/dL hoặc 3.4 mmol/L. Tuy nhiên nếu bệnh nhân thuộc loại có cơ nguy cao, LDL <100mg/dL hay <2.6 mmol/L. Nếu thật nhiều cơ nguy như từng bị cơn đau tim, mạch máu cổ bị nghẹt, tiểu đường, hút thuốc lá, áp huyết cao, LDL nên giữ ở mức <70 mg/dL hay 1.8 mmol/L (theo Mayo Clinic).
Bác sĩ thử máu, đo mức cholesterol tổng cộng là bao nhiêu trong 100ml máu, xem xét các mức HDL cholesterol, LDL cholesterol, VLDL (=triglycerides); nếu mức cholesterol "xấu" (LDL cholesterol) hay triglycerides quá cao so với chỉ tiêu cho nhóm bệnh nhân đó, bác sĩ sẽ định bệnh là bệnh nhân "nhiễm" mỡ trong máu. Nên để ý, “nhiễm” đây có nghĩa là quá nhiều mỡ, không phải như trong từ "nhiễm trùng" (mà "nhiễm" nghĩa là một tác nhân gây hại hiện diện một cách bất thường trong cơ thể chúng ta).
Chữa trị:
Chọn thức ăn chứa ít cholesterol. Mỡ cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên giới hạn mỡ trong thức ăn. Tránh các chất béo no và trans (saturated fats) làm tăng LDL và giảm HDL.
Mỡ no (saturated fats) trong mỡ súc vật như heo, bò, gà; thường chúng ở dạng rắng (solid) lúc nhiệt độ thường.
Các mỡ không no (unsaturated fats), lỏng ở nhiệt độ thường, thường gốc thực vật như dầu olive, hướng dương (sunflower oil), hay omega 3 fatty acids trong mỡ cá, dầu flaxseed, dầu canola, dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành.
Trans fat là mỡ được chế biến (partial hydrogenation= thêm nguyên tử hydrogen vào dầu thực vật cho nó thành thể rắn) để dễ nấu nướng, dùng để chiên (deep fry) được nhiều lần và bảo quản. Có thể tìm thấy trong doughnuts, bánh nướng (baked goods như crackers, biscuit, pizza đông lạnh), margarine.
Giảm thịt đỏ (red meat), giảm sữa nguyên vẹn (whole milk); nên uống sữa đã lấy bớt mỡ (low fat milk); tránh bơ, phó mát, các phó sản làm từ sữa nguyên vẹn.
Tránh dầu mỡ động vật (như mỡ heo, mỡ bò), ăn dầu thực vật như dầu ô liu (olive oil)
Ăn các thức ăn giàu sợi xơ (fiber rich food), trái cây, rau xanh, củ cải, đậu.
Tránh lên cân nhiều quá, giảm cân nếu quá mập. Có thể tính BMI.
BMI=Cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét)
Nếu BMI quá cao: BMI 25-30 là “quá cân” (overweight), BMI> 30 quá mập.
Nên vận động, tập thể dục thể thao theo mức sức khoẻ cho phép
Nếu cần dùng những thuốc hạ mỡ trong máu. Thông dụng nhất là thuốc loại statin như Lipitor, lovastatin, làm giảm sản xuất cholesterol trong gan. Cần bác sĩ hướng dẫn.
"Dầu cá" (fish oil, omega 3 fatty acids) có thể giúp cho HDL tăng và triglycerides giảm.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
Theo VOA