Lá dứa
Tác Giả
Trần Việt Hưng
Cây Lá dứa có thể được xem như một cây gia vị, giúp tạo mùi hương, vị và cả màu khi thêm vào thực phẩm. Lá dứa được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, ngoài vai trò phụ gia trong thực phẩm, lá dứa còn là một cây thuốc cổ truyền trong các nền dược học dân tộc tại Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan,Việt Nam. Một số nghiên cứu dược học, tuy còn giới hạn nhưng đã xác định được những tác dụng trị liệu đáng chú ý.
Tại VN cây Lá dứa có những tên gọi địa phương như cây xôi nếp, cây cơm nếp (miền Bắc), cây lá thơm (miền Nam). Những tên gọi này có thể gây những nhầm lẫn nguy hại..
Quả Dứa tại BắcVN được gọi là Thơm, Khóm tại Nam VN, là quả của cây Ananas comusus thuộc họ Bromeliaceae hoàn toàn khác biệt với họ Pandanacea (là họ của cây lá dứa)
Tên Cây cơm nếp tại Bắc VN còn dùng để gọi cây Strobilanthes acrocephalus thuộc họ Acantheacea, là một cây có độc tính nguy hiểm.
Tên Pandan trong một số bài viết có thể là cây Pandanus tectorius hay cây Dứa gỗ tuy cùng chi Pandanus nhưng khác hẳn cây Lá dứa.
Mô tả thực vật
Cây thân cỏ mọc thành bụi cao đến 1m, chia nhánh nhiều, gần như không thân mà do lá mọc xoắn ốc sát nhau dầy đặc tạo thành. Cây lưỡng phái : hoa đực và hoa cái mọc riêng. Lá thuôn hẹp, có thể dài đến 1m, rộng 3-4 cm, dạng lõm hình bên trong của ống máng. Phiến lá dầy, cứng, mặt trên màu xanh bóng sẫm, mặt dưới hơi nhạt hơn, mép không gai, không lông. Lá có mùi thơm dịu. Hoa đực rất hiếm gặp. Hiện nay hầu như không tài liệu nào mô tả về hoa cái.
Trong tất cả các cây thuộc chi Pandanus, chỉ có cây Lá dứa (P. amaryllifolius) là có lá có mùi thơm.
Một hiện tượng đặc biệt của Cây lá dứa là: Có thể có 2 dạng; nếu trồng và để tự phát triển cây mọc thân, không phân cành, giống như thân cọ dừa, lá dài đến 2m; nhưng nếu cắt tỉa lá đều đặn, cây mọc thành bụi, lá ngắn hơn (75 cm) hầu như không thân
Nghiên cứu dược học:
Trong Lá Dứa có: Hoạt tính hạ đường trong máu; Hoạt tính diệt tế bào ung thư; Hoạt tính kháng sinh; và Khả năng trừ gián.
Công dụng
- Dược học dân gian
Lá dứa được dùng để chữa bệnh trong dân gian tại nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Indonesia.Tại Việt Nam, Lá dứa thường được dùng trong nồi xông cho các sản phụ thêm khỏe mạnh, da hồng hào. Tại Ấn Độ, lá dứa ngâm trong dầu dừa dùng thoa bóp trị thấp khớp; nước sắc dùng trị nhức đầu, an thần. Tại Đài Loan, lá dứa dùng lợi tiểu và bổ tim, nóng sốt. Đọt dùng trị vàng da.
- Ẩm thực
Trong ẩm thực, lá dứa được dùng dưới dạng lá tươi phải để hơi héo. Cây hầu như không có mùi. Mùi của lá thường khởi phát sau 2 ngày phơi trong mát nhưng sau đó hầu như mất hẳn nếu tiếp tục phơi sau 1 tuần.
Lá dứa có một mùi thơm đặc biệt, khó mô tả: thoảng mùi hạt chín, nhẹ rất dễ chịu.
Tại lục địa Ấn Độ, cây lá dứa rất ít được dùng làm gia vị, đôi khi được thêm vào món cà ri truyền thống. Tại Đông Nam Á, lá dứa được sử dụng nhiều hơn. Tại Indonesia cơm có thể nấu với nước dừa và thêm lá dứa, thêm nghệ để thành món nasi kuning. Thái dùng gà ướp gia vị cuốn trong lá dứa rồi chiên.Việt Nam có món ăn đặc biệt: Xôi vị lá dứa đậu xanh. Rất nhiều món ăn tráng miệng như thạch, chè, kem và nhiều món bánh ngọt được gia thêm hương vị lá dứa.
Lá dứa và tinh dầu lá dứa được Tổ chức ISO (Tiêu chuẩn Quốc tế) xếp vào danh sách các gia vị và thảo mộc an toàn dùng làm thực phẩm.
Dược Sĩ Trần Việt Hưng (treonline)