Người phụ nữ Việt thoát bệnh ung thư máu kỳ lạ nhờ tế bào gốc
Theo Đài Radio Canada, sức khỏe chị Mai Dương, một cư dân gốc Việt ở thành phố Montreal (Canada) đã tiến triển tốt sau khi được ghép máu cuống rốn để điều trị bệnh ung thư máu.
Hồi tháng 7, bà mẹ 34 tuổi này đã gửi lời cầu cứu lên mạng xã hội: chị phải được điều trị bằng tế bào gốc (TBG) nhưng các bác sĩ không tìm ra nguồn cung cấp tương thích từ máu cuống rốn hoặc tủy xương vì chị gốc châu Á.
Ngay lập tức, giới truyền thông Canada và cộng đồng mạng đã "tiếp sức" cho chị Mai Dương. Điều kỳ diệu đã đến vào tháng 9 vừa qua khi "bà mẹ ẩn danh ở nơi nào đó trên thế giới vừa sinh con đã mang lại hy vọng sống cho một bà mẹ khác" qua việc hiến tặng máu cuống rốn, chị Mai Dương chia sẻ trên mạng xã hội. Kết quả khả quan ban đầu của việc ghép TBG sẽ là động lực để chị tiếp tục "chiến đấu" với căn bệnh quái ác
Năm 1987, GS Eilane Gluckman thực hiện ca ghép máu cuống rốn đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Sait - Louis ở thủ đô Paris (Pháp). Bệnh nhân là một em bé 5 tuổi bị một dạng bệnh về máu hiếm gặp. Đây thật sự là một tiến bộ quan trọng trong y khoa vì cho phép các bác sĩ có thêm nguồn cung cấp tế bào gốc ngoài tủy xương và máu ngoại vi. Việc lấy máu cuống rốn khi trẻ vừa chào đời cũng dễ dàng và không gây hại gì cho mẹ con sản phụ.
Theo Viện Y sinh Pháp, tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể giúp chữa nhiều bệnh về máu (bao gồm một số dạng ung thư máu), bệnh di truyền, bệnh liên quan đến suy giảm hệ miễn dịch... Tính đến nay đã có hơn 20.000 ca ghép máu cuống rốn được thực hiện trên thế giới.
Để lưu trữ máu cuống rốn, phần lớn các nước Âu - Mỹ đã cho phép các ngân hàng tư nhân hoạt động song song với ngân hàng nhà nước. Các cơ sở do chính phủ thành lập chủ yếu vì sức khoẻ cộng động và dựa trên tinh thần liên đới, Nguồn cung cấp là những phụ nữ tình nguyện đăng ký từ trước hoặc sản phụ được vận động khi đi khám ở các bệnh viện phụ sản. Hiện nay trên thế giới có 23 triệu người đăng ký hiến máu cuống rốn, theo Đài Radio Canada. Việc thẩm định chất lượng (có đảm bảo chất lượng TBG cần thiết hay không) và lưu trữ sẽ do ngân hàng TBG của chính phủ thực hiện miễn phí. Sau đó, các mẫu lưu trữ sẽ được tặng cho các bệnh nhân phù hợp.
Ở các ngân hàng máu cuống rốn tư nhân, chi phí lấy và lưu trữ sẽ từ 1.500 - 3.500 USD cho thời gian 20 năm. Đối tượng chính của dịch vụ này là phụ huynh muốn "để dành" TBG của con để phòng hữu sự sau này.
Tuy nhiên, ở Pháp chỉ có ngân hàng máu cuống rốn của chính phủ hoạt động để lưu trữ các nguồn TBG hiến tặng
Lan Chi/Thanh Niên