Phát hiện mới về chứng mất ngủ ở người lớn tuổi
Hẳn chúng ta ai cũng biết rằng càng về già, chúng ta càng ngủ ít lại. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho hiện tượng này, các lý do bao gồm: ảnh hưởng của các loại thuốc, căng thẳng tâm lý, nghỉ hưu hoặc đơn giản hơn chỉ là một lý giải về mặt lý thuyết rằng người già cần ngủ ít hơn.
Số lượng tế bào thần kinh càng ít đi càng khiến giấc ngủ của con người ta ngắn lại. Photo Courtesy: huffingtonpost.com
Cali Today News - Thế nhưng một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess và các nhà nghiên cứu của trường Đại học Toronto, lần đầu tiên đã đưa ra một lý do về thần kinh cho hiện tượng này. Cụ thể hơn, họ giải thích rằng một cụm cụ thể của tế bào thần kinh liên quan đến quy định về mô hình giấc ngủ, được gọi là hạt nhân preoptic ventrolateral, có thể chết từ từ khi bạn già đi. Nhà nghiên cứu Clifford Saper, MD, Ph. D., Chủ tịch Hội Thần kinh học tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess cho biết:
“Các phần của các tế bào này bị lão hoá theo thời gian, vì thế khi bạn già đi, bạn càng khó ngủ hơn lúc còn trẻ.”
Saper lưu ý rằng vào thời điểm con người bước vào độ tuổi 70, giấc ngủ của họ bị rút ngắn đi mất 1,5 giờ đồng hồ so với giấc ngủ khi họ còn ở tuổi đôi mươi.
“Họ không còn cảm thấy được nghỉ ngơi nữa. Họ tỉnh dậy bởi vì họ không thể ngủ thêm được nữa, nhưng họ vẫn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày. Đó là tình trạng của chứng mất ngủ mãn tính.”
Những phát hiện mới này được công bố trên tạp chí Brain. Người ta hy vọng một ngày nào đó những phát hiện này sẽ giúp phát triển một loại thuốc giúp chữa bệnh mất ngủ mà không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng khác như các loại thuốc ngủ hiện nay.
Trong nghiên cứu của mình, đầu tiên Saper đã tiến hành thí nghiệm trên những con chuột trong phòng thí nghiệm. Sau đó, ông tiếp tục theo dõi trên con người. Ông đã phân tích dữ liệu của gần 1000 đối tượng đã tham gia vào cuộc nghiên cứu về bộ nhớ và sự lão hoá vào năm 1997. Những người này đều là những người khoẻ mạnh ở độ tuổi 65. Họ đã đồng ý mang một thiết bị đồng hồ có kích thường nhỏ trên cổ tay từ 7 đến 10 ngày mỗi hai năm. Chiếc đồng hồ này sẽ ghi lại tất cả những chuyển động của họ. Sau khi họ qua đời, não bộ của họ được hiến tặng cho các nhà khoa học để nghiên cứu có thể tiếp tục. Saper chọn 45 bộ não để kiểm tra, trên cơ sở có hoặc không có hạt nhân preoptic ventrolateral vẫn còn nguyên vẹn. Ông đã liên kết các tế bào thần kinh được tìm thấy trong những bộ não này với dữ liệu về các hoạt động, hành vi của họ trong năm cuối cùng của cuộc đời họ. Ông phát hiện ra rằng nếu một người càng có ít tế bào thần kinh này thì giấc ngủ của người đó sẽ bị gián đoạn nhiều hơn trong năm cuối cùng của cuộc đời họ. Não bộ chứa số lượng tế bào thần kinh lớn nhất (hơn 6000) thuộc về những người có giấc ngủ dài hơn và không bị gián đoạn.
Một phát hiện quan trọng của nghiên cứu: mối liên hệ giữa việc tế bào thần kinh giảm và ngủ ít đi thậm chí còn rõ rệt hơn ở những người đã chết vì mắc bệnh Alzheimer. Saper nói:
“Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là những người bị bệnh Alzheimer bị mất các tế bào này nhanh hơn người bình thường. Họ là những người có số lượng tế bào thần kinh ít nhất và giấc ngủ bị gián đoạn nhiều nhất so với những người không mắc bệnh này. Nếu có thể phát triển loại thuốc giúp bệnh nhân Alzheimer ngủ suốt đêm mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh khác, điều này có thể sẽ giúp một số người già thoát ra khỏi nhà dưỡng lão trong tương lai.”
Linh Lan (Calitoday)