Tóc bạc sớm
Thính giả Trần Văn Phương, ở Sài Gòn, Việt Nam, gởi thư đến câu hỏi như sau:"Kính chào Bác sĩ,
Xin cho cháu hỏi về việc tóc bị bạc nhiều khi vẫn còn trẻ tuổi.
Cháu năm nay mới ngoài 30 tuổi, sức khỏe bình thường, nhưng tóc của cháu bị bạc rất nhiều. Các bạn cháu gọi đùa là “Phương muối tiêu” tức là tóc muối tiêu, mà thực tế thì muối nhiều hơn tiêu, giống như một người lớn 60 hay 70 tuổi.
Cháu nhớ lại là khi bước vào tuổi thanh niên thì hình như tóc của cháu đã xuất hiện nhiều sợi tóc bạc rồi, và mật độ tóc bạc ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Cháu dùng các loại gội đầu được quảng cáo là dưỡng tóc tốt nhất, nhưng hình như không có một tác dụng nào.
Thỉnh thoảng cháu cũng thấy những người trẻ tuổi bị tóc muối tiêu như cháu, nhưng rõ ràng là tỉ lệ không nhiều.
Xin Bác sĩ giải thích cho nguyên do, và cách chữa trị. Nếu không chữa trị thì có hại gì cho sức khỏe không? Chứng này có di truyền hay không?
Xin cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Tóc bạc sớm
Tóc bạc lúc nào tuỳ theo sắc dân. Đối với người da vàng (Asians), nếu khoảng gần 40. Da trắng khoảng 34-35. Da đen, trễ hơn khoảng 44-46. Chừng 50% chúng ta, tóc bạc đáng kể lúc qua tuổi 50. Nếu người da trắng tóc bạc trước 20 tuổi, da đen trước 30 tuổi và da vàng có lẽ khoảng trước 25 tuổi thì coi như tóc bạc quá sớm.
Nguyên nhân:
+ Chúng ta chưa hiểu rõ, có thể yếu tố di truyền quan trọng.
+ Trái với tin tưởng trong dân gian, y giới cho rằng stress không làm cho tóc bạc. Chúng ta nghe nói về trường hợp một nhân vật nào đó sáng ngủ giậy, tóc đổi bạc phơ như Ngũ Tử Tư bị vua Sở theo đuổi trong truyện Tàu, hoàng hậu Marie Antoinette thời cách mạng Pháp, hay gần đây hơn, bà Barbara Bush sau khi đứa con gái chết vì ung thư.
+ Theo y khoa, màu tóc do sắc tố melanin được sản xuất bởi các tê bào melanocyte ở trong nang lông/tóc (hair follicle) dưới chân tóc. Nếu các tế bào này không hoạt động hay chết, vì không có sắc tố, tóc được sản xuất ra từ nang lông/tóc sẽ trắng, bạc. Một khi một phần sợi tóc đã thành hình, phần sợi tóc là một bộ phận chết nên không thể đang từ tóc có màu đổi sang màu trắng được.
+ Hiện nay, người ta giải thích như sau: một số đang sẵn có tóc muối tiêu - vừa có tóc có màu xen lẫn với tóc không có màu, nang tóc ở gốc sợi tóc "bạc" (không có màu) chịu đựng stress tốt hơn. Lúc stress, hay một biến cố nào đó tác dụng trên hệ thống tự miễn nhiễm, làm hư hại các nang tóc, các sợi tóc có màu rụng đi, để lại toàn tóc bạc. Do đó màu của bộ tóc (chứ không phải từng sợi tóc) có thể thay đổi nhanh chóng, trong vài ngày, tuần hay vài tháng ( diffuse alopecia areata).
+ Thiếu vitamin B12 (B12 trong thịt, trứng, sữa; bệnh dạ dày vì giải phẩu hoặc thiếu chất intrinsic factor, bệnh ruột làm hấp thụ kém có thể gây ra triệu chứng thiếu vitamin B12), rối loạn cơ năng tuyến não thuỳ (dưới đáy não, là nơi điều khiển cơ năng nhiều tuyến nội tiết như tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến sinh dục), rối loạn tuyến giáp (cường giáp, suy giáp, bệnh Graves, bệnh Hashimoto: tuyến giáp sưng do các kháng thể tự miễn nhiễm.)
+ Bệnh bạch biến: những vùng da mất sắc tố.
+ Trước đây, người ta nghi bệnh xương xốp (mật độ xương thấp) đi đôi với tóc bạc sớm, tuy nhiên một khảo cứu ở California năm 2007 cho thấy không có liên hệ giữa mật độ xương và tóc bạc.
Nói chung, trừ trường hợp ngoại lệ, tóc bạc sớm không có nghĩa là có vấn đề sức khoẻ.
Y học không có giải pháp làm cho tóc đổi màu.
Trong đông y hà thủ ô (Fo-ti, he-shou-wu, polygonum multiflorum) được cho là có khả năng làm tóc đen, phục hồi sinh lực tuổi trẻ. Tuy nhiên theo Wikipedia có thể gây độc gan do hiện diện dẫn chất (derivative) của anthroquinone. Có 3 trường hợp được công bố, một thuốc hà thủ ô sản xuất ở Trung Quốc Shou-Wu-Pian gây ra viêm gan cấp tính (acute hepatitis.)
Thiết tưởng, nếu muốn dùng, cần được những chuyên viên về đông y hướng dẫn, nhất là foti có tác dụng estrogen (hormone nữ) và được dùng cho người phụ nữ sau khi mãn kinh, có thể có tác dụng không tốt cho người ung thư vú, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
BS Hồ Văn Hiền