Viêm xương khớp: chữa thế nào?
Có hơn 100 loại bệnh cơ xương khớp. Bệnh cơ xương khớp phổ biến nhất là viêm xương khớp, còn gọi là thoái hoá khớp. Gọi là “viêm xương khớp” bởi vì có hiện tượng viêm xảy ra ở các khớp như khớp gối, khớp háng, khớp ngón tay chân, khớp ở bàn tay chân, khớp ở gót chân, khớp ở cột sống… Còn gọi là “thoái hoá khớp” vì có tổn thương cơ bản là tình trạng thoái hoá sụn khớp.
Cơ chế gây viêm
Sụn khớp là lớp mô bao lấy đầu xương, đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động, tránh cọ xát hai đầu xương của khớp, giúp khớp vận động dễ dàng. Khi bị viêm xương khớp, có hai bệnh lý xảy ra: một là phản ứng viêm gây đau đớn, có khi không chịu nổi ở người bệnh; hai là các phản ứng viêm kéo dài đưa đến tổn thương thứ phát như viêm nang hoạt dịch phản ứng gây rối loạn thoái hoá ở khớp, cuối cùng là làm người bệnh mất khả năng vận động.
Viêm là phản ứng của cơ thể tìm cách loại trừ tác nhân gây viêm. Trong viêm xương khớp, tác nhân gây viêm là các sản phẩm sinh ra từ rối loạn thoái hoá khớp. Để loại trừ tác nhân gây viêm, cơ thể sản sinh ra những chất sinh học như histamin, prostaglandin, leucotrien… làm cho chỗ viêm có triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau và nhất là lôi cuốn các tế bào bạch cầu đến để “dọn sạch” tác nhân gây viêm. Trong phản ứng viêm gây đau như thế, người ta quan tâm đến sự xuất hiện các chất sinh học gây viêm, đặc biệt là các prostaglandin. Nếu ngăn chận được sự xuất hiện các prostaglandin gây viêm (phân biệt với prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày), tức ức chế sự tổng hợp chất sinh học này trong cơ thể thì sẽ khống chế được viêm và làm giảm đau do viêm.
Thuốc và thực phẩm chức năng
Để chữa viêm xương khớp, trị đau, người ta phải dùng các thuốc chống viêm giảm đau. Thuốc được khuyên dùng đầu tiên là paracetamol, nhưng paracetamol chỉ hiệu quả với viêm xương khớp loại nhẹ. Khi bị đau từ trung bình trở lên, người ta bắt buộc dùng thuốc chống viêm không steroid (non-steroid anti-inflamatory drugs, viết tắt NSAID).
Thuốc NSAID cổ điển như aspirin, diclofenac, ibuprofen… có tác dụng chống viêm giảm đau tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ có hại, đặc biệt là đau dạ dày, làm cho loét, thậm chí xuất huyết tiêu hoá.
Nguyên do là vì NSAID vừa ức chế sự tổng hợp prostaglandin gây viêm (thông qua ức chế hoạt động của enzyme có tên cyclooxygenase-2 viết tắt COX-2) vừa ức chế cả sự tổng hợp prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng (do ức chế hoạt động của enzyme COX-1).
Hiện nay, có một số thuốc NSAID mới gọi là thuốc ức chế chuyên biệt COX-2 chỉ ức chế sự tổng hợp prostaglandin gây viêm nên ít gây hại dạ dày như celecoxib, etoricoxib… Nhưng các thuốc NSAID mới này lại có nguy cơ gây bệnh tim mạch nhiều hơn (một thuốc là rofecoxib đã rút ra khỏi thị trường dược phẩm vì được chứng minh gây hại tim mạch).
Trong chữa trị viêm xương khớp, có khi bác sĩ cho dùng thuốc glucocorticoid (gọi tắt corticoid) dạng tiêm, tiêm vào khớp gọi là tiêm nội khớp. Lưu ý, đây là chỉ định phải được bác sĩ tiêm đúng cách, vô trùng, đúng thời gian của liệu trình, nhằm làm giảm phản ứng viêm quá trầm trọng ở khớp, làm giảm sự tăng sinh màng hoạt dịch. Bác sĩ chỉ định tiêm corticoid phải cân nhắc rất kỹ, nếu lạm dụng và tiêm không đúng sẽ gây tai biến nặng nề: nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ…
Ngoài dùng thuốc chống viêm giảm đau, người ta còn dùng thuốc hoặc chế phẩm làm chậm sự thoái hoá sụn khớp. Hiện nay, do các thuốc chính thức trị viêm xương khớp dễ gây tác dụng phụ có hại nên có khuynh hướng tìm các hợp chất thiên nhiên như glucosamin, chondroitin và collagen (hiện nay có chế phẩm collagen gọi là UC-II – viết tắt của undenatured type II collagen tức collagen týp 2 không biến tính) để hỗ trợ trị viêm xương khớp.
Cần lưu ý các sản phẩm vừa kể chỉ hỗ trợ chứ không dùng đơn thuần trị hoặc thay thế thuốc trị viêm xương khớp, bởi chúng thường là thực phẩm chức năng.
Đôi điều lưu ý
Người bị đau và sưng ở các khớp, nghi ngờ mình bị viêm xương khớp cần lưu ý:
Tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được khám trực tiếp, xác định nguyên nhân rồi cho hướng điều trị thích hợp. Bởi như đã nói, có hơn 100 loại bệnh cơ xương khớp, chỉ có bác sĩ thăm khám trực tiếp mới xác định được bệnh để không có sự nhầm lẫn (như người bệnh không phải bị viêm xương khớp mà là bệnh viêm đa khớp dạng thấp thì cách chữa trị hoàn toàn khác).
Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
Đừng xem quảng cáo trên các phương tiện truyền thông hoặc nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc hoặc chế phẩm nào đó ngoài các thuốc bác sĩ đã chỉ định dùng.
Khi đang dùng thuốc, nếu bị phản ứng bất thường (tác dụng phụ có hại) nên ngưng ngay thuốc và đi tái khám báo bác sĩ biết để bác sĩ cho hướng xử trí.
Không tự ý thay đổi thuốc hoặc dùng thêm thuốc tây, thuốc y học cổ truyền, hay thực phẩm chức năng mà không hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên đại học Y dược SG (TGTT)