Bệnh Parkinson và phương pháp kích thích não sâu
Một cuộc tuần hành ủng hộ người bị Parkinson, Toronto (Canada), 2010
Bệnh Parkinson là bệnh rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương, khiến khả năng vận động, lời nói và các chức năng khác bị suy yếu. Cho đến nay, giới khoa học còn hiểu rất ít về các nguyên nhân dẫn đến Parkinson. Về nguồn gốc của bệnh, hiện có nhiều quan niệm rất khác nhau. Trả lời phỏng vấn RFI,
bác sĩ Marc Ziegler, nhà thần kinh học thuộc Khoa James Parkinson - Trung tâm Fondation Rothschild
(Paris) cho biết : Bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ cũng như đến đàn ông, mặc dù tỷ lệ người đàn ông mắc bệnh nhiều hơn một chút so với phụ nữ. Bệnh trải đều trên các quốc gia. Việc bệnh có mặt ở khắp mọi nơi như vậy nên khó quy cho các độc tố là nguyên nhân gây bệnh. Nhìn chung, đây cũng không phải là bệnh do hệ di truyền chi phối, vì những trường hợp bị quy định về di truyền là rất ít.
Tuy nhiên, cũng có quan niệm ngược lại, cho rằng các hóa chất độc hại, như các loại thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Ngày 06/05/2012, chính phủ Pháp ra nghị định công nhận « thuốc trừ sâu » (theo nghĩa rộng, bao gồm cả các loại thuốc mang tên « bảo vệ thực vật », thuốc tẩy trùng, sát khuẩn [biocide]…) là một tác nhân gây ra căn bệnh này. Ðối với những người làm nghề nông, có tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu, Parkinson được công nhận như một « bệnh nghề nghiệp ». Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khẳng định là bệnh Parkinson chịu ảnh hưởng của một số gen, hoặc rộng hơn là nguy cơ bị Parkinson phụ thuộc vào cơ tầng di truyền của mỗi cá nhân.
Một số nghiên cứu về bệnh Parkinson theo lứa tuổi cho thấy tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh này cao hơn : Trên 65 tuổi, có khoảng 1% dân số bị ảnh hưởng, còn trên 70 tuổi, thì tỷ lệ này là khoảng 2%.
Lúc mới mắc bệnh, việc chẩn đoán Parkinson không dễ. Parkinson tiến triển chậm. Các triệu chứng phổ biến của Parkinson là : chuyển động chậm rãi, run rẩy và cứng cơ. Theo
bác sĩ David Grabli, nhà thần kinh học bệnh viện La Pitié-Salpétrière de Paris,
nghiên cứu tạiViện Não và Tủy sống (Institut du Cerveau et de la Moelle Épinière), thì có một số chỉ báo bổ sung khác cho phép khẳng định một người mắc bệnh Parkinson, cụ thể là các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu ảnh hưởng lệch về một phía, các triệu chứng Parkinson không đi kèm các triệu chứng bệnh thần kinh khác và cuối cùng là các triệu chứng này được giảm nhẹ nhờ điều trị theo liệu pháp chữa Parkinson.
Theo các nhà chuyên môn, bệnh tiến triển theo ba giai đoạn, nhưng tốc độ phát triển của bệnh rất khác nhau tùy từng người. Thông thường giai đoạn đầu kéo dài khoảng 5-6 năm. Trong giai đoạn được gọi là « tuần trăng mật của thuốc » này, người bệnh rất ít bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng. Thuốc chính yếu được dùng cho bệnh Parkinson là levodopa rất có tác dụng trong giai đoạn này. Levodopa là thuốc gây tiết dopamin, chất dẫn truyền thần kinh cơ bản, bị thiếu hụt nghiêm trọng ở người mắc Parkinson.
Giai đoạn thứ hai thông thường được xác định từ sáu năm trở ra. Vào giai đoạn này điều trị bằng thuốc ít hiệu quả hơn. Các hội chứng đặc thù của giai đoạn này là cử động khó khăn (akinésie) và cử động không kiểm soát được (dyskinésie). Một đặc điểm quan trọng của giai đoạn này là sự biến đổi bất thường của trạng thái bệnh. Người bệnh có thể rất khỏe mạnh bình thường, nhưng đột nhiên ngay lập tức sau đó rơi vào trạng thái suy thoái rối loạn, ví dụ như không thể đi lại được. Trạng thái dường như là « bệnh giả vờ » đó thường là một điều khó hiểu đối với những người xung quanh.
Giai đoạn thứ ba là khi thuốc không còn có tác dụng nữa. Trong giai đoạn này, các triệu chứng suy giảm và rối loạn vận động đi kèm với các rối loạn nhận thức như : giảm sút trí tuệ, ảo thanh, lẫn lộn...
Người mắc bệnh Parkinson thường phải chịu nhiều áp lực tâm lý, dễ bị kỳ thị trong xã hội, vì những biểu hiện bên ngoài kỳ lạ, bất thường của bệnh. Trong những lần trả lời phỏng vấn RFI,
bà Danielle Vilchien, 63 tuổi, chung sống với Parkinson từ 15 năm nay
- nguyên là thanh tra xã hội, hiện đã về hưu và là cố vấn kỹ thuật cho tổ chức France Parkinson -, chia sẻ nhiều trải nghiệm rất riêng tư về nỗi khổ của một bệnh nhân Parkinson, những ưu tư và hành trình vượt qua các trở lực của bà.
Bên cạnh thuốc và việc tìm ra một chế độ ăn uống phù hợp, thì việc hoạt động thể dục thể thao, trị liệu xoa bóp – vật lý trị liệu (kinésithérapie) cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc cải thiện thể trạng của người bệnh.
Hiện tại, ở Pháp có hơn 150.000 người bị Parkinson, và mỗi năm lại có thêm từ 10.000 đến 14.000 người mắc căn bệnh này. Bệnh Parkinson không hẳn là của người già, theo một số nghiên cứu, có khoảng 50% người bệnh đang ở trong độ tuổi lao động. Năm 2010, lần đầu tiên hiệp hội France Parkinson (với 10.000 thành viên) ra
Sách Trắng - tập hợp những lời chứng của người bệnh và các nhận định của giới y khoa
- để nêu lên thực trạng, giúp xã hội hiểu thêm về căn bệnh này, thuyết phục chính quyền nhìn nhận Parkinson là một bệnh « phổ biến » và đưa ra 20 khuyến nghị, yêu cầu Nhà nước thực thi một chương trình quốc gia nhằm cải thiện cơ bản việc chăm sóc những người bị Parkinson. Cho đến nay, mới chỉ có một số ít các khuyến nghị được chính quyền áp dụng. Năm nay hội France Parkinson đã tiến hành một điều tra chưa từng có về thực trạng bệnh tật ở hơn 700 bệnh nhân Parkinson.
Ở Việt Nam, cho đến nay, dường như chưa có nghiên cứu cơ bản nào về thực trạng bệnh Parkinson trên toàn xã hội. Gần đây tại Sài Gòn, đã bắt đầu có các nỗ lực áp dụng một trong các biện pháp điều trị tiên tiến hiện nay trên thế giới như phương pháp kích thích điện não sâu (SCP/DBS - Stimulation cérébrale profonde/Deep brain stimulation). Trong phần tiếp theo của tạp chí, mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn với bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Sài Gòn), nơi đã sử dụng phương pháp này để điều trị 5 bệnh nhân Parkinson, với sự hỗ trợ của ê kíp bác sĩ Jean-Paul Nguyễn, CHU - Bệnh viện Laennec, Nantes
(Pháp).
Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng