Gạo lứt: Ăn càng nhiều càng tốt?
Gạo lứt là loại thực phẩm đặc biệt giàu chất dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Nhưng có phải cứ ăn càng nhiều càng tốt?
Các tài liệu khoa học hiện nay đã chứng minh cho thấy, trong lớp cám của hạt gạo lứt có rất nhiều vitamin E, vitamin B1, B3, B6, magiê, mangan, sắt, chất xơ. Gạo lứt đặc biệt tốt với phụ nữ, nó làm giảm nguy cơ ung thư, ruột kết, làm giảm cholesterol và tốt cho hệ tim mạch của phụ nữ sau khi mãn kinh.
Gạo lứt cũng là loại thực phẩm quan trọng hàng đầu trong phương pháp thực dưỡng. Đây là phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống. Với thành phần căn bản là gạo lứt - muối mè, nếu sử dụng đúng cách và hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe rõ ràng. Nhưng ngược lại, nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng.
Ảnh minh họa
Theo PGS. TS. Lê Thị Hương, Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, chúng ta nên nhớ rằng gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng thôi, chúng ta vẫn cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác. Cần bổ sung các nhóm thức ăn giàu protit, lipit hoặc nhóm thức ăn rau củ quả khác để cung cấp cho cơ thể đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Không nên chỉ ăn gạo lứt không thôi. Khi ăn gạo lứt cũng cần đảm bảo lượng gạo cung cấp sao cho đủ tỷ lệ năng lượng nhất định, chứ không phải ăn càng nhiều càng tốt. Nếu một bữa ăn ta ăn được bao nhiêu bát cơm thì cũng chỉ cần tính đủ lượng gạo lứt tương đương để có được lượng cơm như vậy.
Một số lưu ý khi sử dụng gạo lứt:
- Với những người thừa cân, béo phì nên sử dụng gạo lứt cùng muối mè 2- 3 lần/tuần, có tác dụng giảm cân khá tốt.
- Với người già, trẻ em, người bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… nếu ăn gạo lứt - muối mè nên kết hợp với một số loại thực phẩm khác để đảm bảo năng lượng cho cơ thể.
Theo VNM