Nguyên nhân bị choáng váng, chóng mặt
Chóng mặt, choáng váng và hoa mắt là hiện tượng cũng dễ thường xuyên xảy ra khi cơ thể của bạn gặp vấn đề.
Có nhiều nguyên nhân khiến bị hiện tượng trên, và đây là ba nguyên nhân phổ biến mà bạn nên chú ý để có thể hiểu rõ cơ thể của mình đang gặp phải vấn đề gì và có phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả, theo trang mạng Livestrong.
Huyết áp thấp
Theo một báo cáo của National Eating Disorders Association, chóng mặt và cảm thấy muốn ngất xỉu có thể là nguyên do huyết áp thấp hoặc là do thiếu cân.
Khi một người ăn không đủ chất dinh dưỡng, tim sẽ không đủ nhiên liệu để bơm máu nên huyết áp sẽ giảm.
Một dạng huyết áp thấp khác được gọi là hạ huyết áp thế đứng. Điều này có nghĩa là huyết áp giảm và ứ đọng ở chân khi đứng sau khi ngồi hoặc nằm.
Ngoài ra, một loại huyết áp thấp phổ biến khác có thể ảnh hưởng đến 1/3 số người cao tuổi là hạ huyết áp sau bữa ăn, tức là tụt huyết áp sau khi ăn xong. Thông thường trong quá trình tiêu hóa, lượng máu dư thừa sẽ đi đến dạ dày và ruột non, nhưng cơ thể thường bù đắp để giữ đủ lượng máu cung cấp cho não.
Khi cơ thể bên trong hoạt động không tốt thì dễ dẫn đến việc bị giảm huyết áp và chóng mặt. Chính vì vậy, đối với trường hợp này, bạn nên thay đổi bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ và uống nước 15 phút trước khi ăn.
Không chỉ vậy, ăn thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, đậu, dầu và protein lành mạnh và đồng thời tránh các carbohydrate được tiêu hóa nhanh chóng như bánh mì trắng, gạo trắng và đồ uống có đường.
Bất cứ ai bị huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định nguyên nhân. Và bất kể nguyên nhân là gì, các bác sĩ thường khuyên bạn nên uống từ hai đến ba lít nước mỗi ngày bên cạnh việc tránh các tác nhân khác như nhiệt độ cao và đồ uống có cồn.
Ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất xơ là phương pháp giúp cơ thể bạn không bị choáng váng
Lượng đường trong máu thấp
Theo Hiệp Hội American Academy of Family Physicians, cảm giác chóng mặt và ngất xỉu có thể là do lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết, có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc ở những người ăn uống không đủ chất.
Điều này xảy ra vì lượng đường trong máu không đủ khiến mọi hệ thống cơ thể sử dụng ít năng lượng nhất có thể, bao gồm cả não.
Các triệu chứng khi bị chóng mặt do lượng đường máu thấp là trong người cảm thấy khó chịu, lú lẫn, mệt mỏi, hồi hộp, đau đầu và nhịp tim đập nhanh. Khi người mắc bệnh tiểu đường nghi ngờ mình bị hạ đường huyết thì nên kiểm tra. Nếu chỉ số nhỏ hơn 70 milligram/DL, bạn có thể uống nửa cốc nước ép trái cây, nước ngọt, ngậm một thìa đường, mật ong hoặc mứt.
Để ngăn ngừa tình trạng lượng đường trong máu thấp, bạn nên ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, cùng với thực phẩm giàu chất béo lành mạnh sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời.
Cơ thể mất nước
Mất nước là một nguyên nhân khác dễ gây chóng mặt. Nếu bạn không uống đủ chất lỏng, lượng máu sẽ giảm, điều này sẽ làm giảm huyết áp và ngăn não nhận đủ máu.
Ngoài ra, tình trạng choáng váng do quá nóng cũng có thể xảy ra nếu như bạn uống không đủ nước khi tham gia các hoạt động thể chất dưới thời tiết nóng.
(YY)