Ăn hải sản an toàn
Ngon, giàu chất dinh dưỡng và đa dạng cách chế biến là lý do khiến hải sản hấp dẫn thực khách. Nhưng nếu ai từng một lần ngộ độc hải sản thì cũng nhớ đời, nhẹ thì đau quặn ruột, tháo mồ hôi, tiêu chảy…, nặng thì co giật, hôn mê, thậm chí mất mạng.
Hãy lưu tâm đến vài điều dưới đây để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc hải sản:
- Chớ ham của lạ: đừng quá háo hức thưởng thức những loại hải sản chưa từng ăn qua bao giờ vì một số loại có hàm lượng độc tố rất cao. Chí ít thì bạn cũng phải chắc chắn rằng loại hải sản đó đã được cư dân địa phương ăn phổ biến nếu như bạn đang du lịch đến vùng đất mới.
Hải sản có sức hút mãnh liệt với nhiều người - Ảnh: N.K
- Đặc biệt cẩn trọng với trẻ em: hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, vì thế nguy cơ ngộ độc của bé cũng cao hơn bình thường. Tuyệt đối không cho bé thử những loại hải sản lạ. Ngay cả với những loại hải sản thông thường, cha mẹ cũng chỉ nên cho bé tập ăn thử một ít, nếu sau đó thấy an toàn mới ăn tăng lên.
- Cơ thể mỗi người có thể dị ứng với những chất khác nhau: hãy để ý xem bạn dị ứng (có thể là nổi mẩn, ngứa, sưng…) với những loại hải sản nào để tránh xa nó.
- Tránh xa hải sản không tươi: hải sản đã chết rất nhanh chóng bị vi khuẩn xâm nhập, biến nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng này thành nguồn gây bệnh dồi dào. Ăn hải sản tươi vẫn là tốt nhất, nếu không cũng phải là hải sản tươi được đông lạnh đúng cách.
- Các món hải sản sống như gỏi cá, hàu mù tạc… cũng là những nguồn dễ gây ngộ độc thực phẩm nhất, đặc biệt là khi chúng không tươi. Khi chế biến hải sản cần phải nấu chín kỹ để tiêu diệt hết vi khuẩn, ký sinh trùng.
- Chú ý tới các loại hải sản nhiều độc tố: một số loại hải sản chứa rất nhiều độc tố, chẳng hạn như cá nóc. Dù bạn có ăn cá tươi, có nấu chín kỹ bao nhiêu thì độc tố vẫn còn đó.
Theo ihay