Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Bệnh cúm

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bệnh cúm

    BỆNH CÚM


    Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC, mùa cúm năm 2012-2013 là mùa cúm tồi tệ nhất tại Hoa Kỳ trong vòng một thập niên qua, hiện đã lan tràn khắp 47 tiểu bang và đang ở mức báo động.



    Thu và đông, chả năm nào cúm nó thương tình, đi chơi chỗ khác không đến cho chúng ta nhờ! Bị cúm mệt và phiền lắm!

    Cúm gây do siêu vi trùng cúm “Influenza” (Influenza virus), thường hoành hành từ tháng 11, 12 tới khoảng tháng 4, 5 mỗi năm. Ta phân biệt “cúm” (nôm na là “flu”) với “cảm” (cold). Cảm xảy ra quanh năm, so với cúm hiền hơn nhiều, gây bởi những siêu vi ít hung dữ bằng siêu vi cúm.

    Cúm năm nào cũng đến, song mức độ lan tràn và nặng nhẹ mỗi năm mỗi khác. Những trận dịch cúm lớn, khắp toàn thế giới, cứ 10 đến 15 năm lại xảy ra một lần, kể từ trận dịch lớn năm 1918-1919 (làm chết 20-50 triệu người trên toàn thế giới). Con số người chết bởi các trận dịch lẻ tẻ giữa những trận dịch lớn toàn cầu cũng không phải nhỏ. Những năm gần đây ở Mỹ, mỗi mùa Đông, cúm giết hại 36.000 người. 80-90% số người chết vì cúm ở vào tuổi trên 65. Thứ đến là những vị mang các tật bệnh kinh niên.

    Mức độ tấn công của cúm có thể lên đến 20-30% (tức cứ 10 người, đến 2-3 người bị cúm). Có gia đình cả nhà thay nhau bịnh hết.

    Siêu vi trùng cúm gian manh, mỗi năm chúng có thể đổi khác đi cái vỏ bọc bên ngoài của chúng. Vỏ quít dày có móng tay... cố nhọn, mỗi năm người ta lại chế thuốc chích ngừa cúm khác đi, với hy vọng sẽ ngừa được dịch cúm sắp xảy ra trong mùa đông năm đó. Siêu vi cúm có 3 dòng: A, B và C. Dòng cúm A hung dữ nhất, từng gây những trận dịch nổi tiếng thế giới.

    Cảm thì quanh quẩn quanh năm, cúm gần như chỉ xảy ra vào thu và đông. Vậy, những mùa khác, cúm ở đâu? Một giả thuyết cho rằng quanh năm, siêu vi cúm luôn có ở một số người trên khắp thế giới, nhưng… nằm chơi sơi nước, không gây triệu chứng, chờ đến mùa thu, đông mới ra tay hoành hành. Một giả thuyết nữa: vào các mùa khác, siêu vi cúm trốn ở các súc vật, nghỉ dưỡng sức, vào thu, đông mới vươn vai tỉnh giấc, và lây sang người. Phần khác, vào mùa thu, đông lạnh lẽo, chúng ta ít ra ngoài, quanh quẩn trong nhà xum họp (lại thêm tiệc tùng đông người nữa!) nên dễ lây bệnh cho nhau, và rồi bệnh cứ thế lan truyền.

    Siêu vi cúm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Bệnh truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm, bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Bắt tay, ôm nhau cũng có thể truyền bệnh. (Mùa này có lẽ chúng ta nên đổi cách chào mừng nhau, gặp nhau chỉ cần cười thôi, chẳng nên bắt tay, choàng vai bá cổ!) Trong nhà có người đang cúm, bạn khó tránh lây bệnh.

    Triệu chứng

    Thời gian từ lúc mới lây bệnh đến lúc bệnh phát ra ngắn, chỉ khoảng 18-72 tiếng đồng hồ. Khác với cảm, triệu chứng của cúm rất đột ngột, nhiều người có thể nói đích xác mình bắt đầu có triệu chứng vào đúng giờ nào.

    Đang tự dưng, bạn bỗng nhiên nhức đầu, nóng sốt (thường trên 38.3 độ C hay 101 độ F), ớn lạnh, yếu mệt, khó chịu trong người, nhức mỏi các bắp thịt. Đi kèm là các triệu chứng hô hấp: sổ mũi, rát cổ họng, ho khan, tức vùng giữa ngực. Mắt cũng cay nóng (burning), khó chịu lúc nhìn ánh sáng, đau khi đảo mắt. Cúm nặng có thể gây mê sảng. Nóng sốt lên cao nhất trong vòng 24 tiếng đầu (nhiều trường hợp đến 41 độ C), rồi giảm dần trong vòng 2-3 ngày sau. Thỉnh thoảng, cũng có trường hợp nóng sốt kéo dài cả tuần. Nhức đầu thường dữ dội, làm ta khó chịu nhất. Các bắp thịt toàn cơ thể nhức mỏi như dần, nhất là ở lưng dưới và chân. Nhiều người đau cả các khớp xương. Ôi, bị cúm, đời đáng chán! Một số trường hợp cúm nhẹ như cảm, hoặc chỉ nóng sốt, không có các triệu chứng hô hấp đi kèm. Có một số trắc nghiệm giúp chúng ta phân biệt được bệnh là cúm hay cảm, tiếc thay, những trắc nghiệm này còn chưa thực dụng và chính xác lắm.

    Nếu không có biến chứng, các triệu chứng của bạn giảm dần trong vòng 3 đến 5 ngày, nhưng thời gian hồi phục để có thể trở lại làm việc như trước thường chậm hơn khi bị cảm, mất nhiều ngày hay nhiều tuần, nhất là ở người lớn tuổi.
    Vị nào đã chích ngừa cúm, nếu không may... vẫn bị cúm, triệu chứng thường nhẹ hơn so với người không chích ngừa.

    Biến chứng

    Triệu chứng cúm tuy khó chịu thực, song cúm không nguy hiểm vì các triệu chứng của nó. Những biến chứng (complications) của nó mới nguy hiểm. Biến chứng xảy ra nhiều nhất là sưng phổi (pneumonia). Siêu vi cúm, dữ hơn các siêu vi cảm, làm tổn thương niêm mạc (mucosa) lót lòng các ống phổi. Sưng phổi do chính siêu vi cúm gây ra, hoặc do các vi trùng (bacteria) luôn có sẵn trong đường hô hấp. Các vi trùng này thường ngày vẫn sống chung hòa bình với ta không sao, nay nước đục thả câu, bám vào những chỗ niêm mạc bị siêu vi cúm làm tổn thương, tấn công luôn, gây sưng phổi. Biến chứng sưng phổi hay xẩy ra ở các vị lớn tuổi, hoặc những người có bệnh tim, bệnh phổi kinh niên.

    Biến chứng nguy hiểm khác là hội chứng Reye (Reye syndrome) ở trẻ em. Hội chứng Reye hay xảy ra nhất trong khoảng tuổi 2 đến 16, vài ngày sau khi bị cúm. Lúc các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và ói mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng, giật kinh phong (seizure), rồi đi dần vào hôn mê và có thể chết. Trước kia, khi người ta chưa biết nhiều về hội chứng Reye, tử vong lên đến hơn 40% (cứ 10 trẻ có hội chứng Reye, hơn 4 trẻ chết). Ngày nay, dù với sự định bệnh mau chóng và với các cách chữa trị thích ứng, tử vong vẫn còn khoảng 10% (10 trẻ bị, 1 trẻ chết). Cơ chế gây ra hội chứng Reye ở trẻ em bị cúm hiện chưa được biết rõ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy các trẻ em nhiễm cúm, nếu dùng Aspirin, sẽ dễ bị hội chứng Reye hơn các trẻ không dùng Aspirin. Hội chứng Reye nay đã giảm đi nhiều, kể từ khi các bậc phụ huynh được báo động, không còn dùng A spirin cho các trẻ em cảm hay cúm như trước.

    Các biến chứng khác của cúm: viêm ống phổi, viêm xoang quanh mũi, viêm các bắp thịt, cơ tim, viêm óc, ... Ngoài ra, ở những vị đang mang bệnh tim, phổi hoặc thận kinh niên, cúm có thể làm các cơ quan này, vốn đã yếu sẵn, thành suy yếu hơn, đe dọa tánh mạng người bệnh.

    Chữa trị

    Sự chữa trị cúm, trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp người bệnh đỡ khổ sở vì các triệu chứng, trong lúc chờ cho cơn cúm đi qua.

    Trụ sinh (antibiotics) vừa tốn kém, lại chẳng ăn thua, không làm cúm sợ và đi mau hơn. Trụ sinh chỉ diệt được vi trùng (bacteria), không có kết quả trong những bệnh gây do siêu vi trùng (virus) như bệnh cúm. Chúng “siêu” hơn vi trùng, nên không sợ trụ sinh. (Các tài liệu y học, vẫn luôn đưa ra lời kêu gọi, yêu cầu các bác sĩ không nên dùng trụ sinh để chữa cảm, cúm). Việc sử dụng trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng (complications) do vi trùng, như sưng phổi, viêm tai giữa (otitis media), hoặc viêm các xoang quanh mũi (sinusitis). Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, than ôi, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng. Dĩ nhiên cần đổi trụ sinh, có khi phải dùng một loại khác độc hại hơn, đắt tiền hơn, làm thủng túi tiền bạn.
    Ta nên nghỉ ngơi và uống thêm các thức uống để cơ thể khỏi thiếu nước, nếu có sốt cao. Ta dùng Tylenol hay các thuốc như Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve (mua không cần toa bác sĩ) để hạ sốt, bớt nhức đầu, đau mỏi các bắp thịt. Nên tránh dùng Aspirin cho các trẻ em dưới 18 tuổi, để tránh hội chứng Reye. Thuốc nghẹt mũi, như thuốc uống Sudafed, thuốc xịt Afrin, hữu dụng trong trường hợp có nghẹt mũi. Các thuốc xịt Ipratropium, Cromolyn giúp chúng ta đỡ chảy mũi. Còn thuốc ho, khi ta cúm hay cảm, chúng không giúp nhiều đâu, uống vào thêm mệt, khô môi, khô miệng, khó tiểu, …, và thực ra, khi ta cúm hay cảm, có nhiều đàm nhớt trong ống phổi, ta nên ho để tống xuất bớt nhữngđàm nhớt này ra kẻo chúng ứ đọng gây sưng phổi. Thuốc ho không phải là lành, chúng ta nên thận trọng, nhất là với trẻ em và các vị cao niên.

    Hiện hai thuốc được Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) xem là tốt để chữa bệnh cúm mùa đông ở Mỹ là Relenza và Tamiflu. Relenza (hít vào phổi) và Tamiflu (thuốc uống) trị được cả cúm A lẫn cúm B. Nếu dùng ngay trong vòng 48 tiếng (hai ngày) kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, thuốc khiến các triệu chứng cúm mau thuyên giảm (rút ngắn thời gian đau khổ vì cúm khoảng 1 đến 3 ngày). Thuốc không có tác dụng sau 48 tiếng.

    Nhưng không phải ai bị cúm cũng cần dùng thuốc chữa cúm Relenza hoặc Tamiflu. Thuốc khá đắt tiền, có thể gây phản ứng phụ (side effects) và nhiều khi khó kiếm. Dùng thuốc nhiều quá cũng sẽ khiến các siêu vi cúm trở thành kháng thuốc; một số trường hợp siêu vi cúm A đã kháng thuốc Tamiflu. Người bệnh nhẹ hoặc đang mau chóng thuyên giảm không cần đến thuốc chữa cúm; bạn đến khám bác sĩ sau 48 tiếng đồng hồ kể từ khi bạn bắt đầu có triệu chứng, thuốc chữa cúm không giúp gì, chúng ta cũng không cần đến chúng.

    Những trường hợp cúm sau cần đến thuốc:

    - Người có triệu chứng nặng, nhất là những vị phải vào nhà thương.
    - Người 65 tuổi trở lên.
    - Người đang mang những bệnh kinh niên, cơ thể yếu sẵn, dễ có các biến chứng nguy hiểm của cúm.
    - Phụ nữ mang thai.

    Hai thuốc cũ Amantadine và Rimantadine trước thường được sử dụng để chữa cúm A (không chữa được cúm B), nay đã bị nhiều siêu vi cúm A ở Mỹ kháng lại, vì thế, ở Mỹ, không còn nên dùng hai thuốc này để chữa cúm.

    Bạn đang bị cúm (hay lúc bị cảm), nóng lòng muốn “chích thuốc” để cúm mau hết. Muốn chiều lòng bạn lắm, nhưng chích thuốc gì bây giờ? Đúng theo sách vở, các siêu vi trùng cúm, cảm đâu có sợ kim chích, làm gì có thuốc chích để cúm (hay cảm) cuốn gói đi nhanh hơn.

    Ngừa cúm

    Phương pháp trị cúm hữu hiệu nhất hiện vẫn là chích ngừa cúm hàng năm, nhất là cho các vị tuổi 65 trở lên, và những người mang các tật bệnh kinh niên. Chích ngừa xong, ta không được bảo vệ 100%, nhưng ít ra cũng được 50 đến 80%. Những người trẻ khỏe trong hạn tuổi 2 đến 49 có thể ngừa cúm bằng thuốc xịt Flumist.
    Thời điểm tốt nhất để ngừa cúm, là khoảng tháng 9, 10 và tháng 11, trước khi cúm đến. Tuy nhiên, đang trong mùa cúm, từ giờ đến tháng 4, rủi chưa chích ngừa, những vị cần được chích ngừa vẫn nên chích, hy vọng còn tránh được cúm.
    Bị cúm, để tránh lây bệnh cho người khác, chúng ta nên ở nhà vài ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm. Một khảo cứu cho thấy, nếu rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ngay trong vòng 36 tiếng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, chúng ta sẽ ít lây bệnh cho những người trong nhà.

    Cúm là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong, mỗi năm nó lại mỗi khác, nên chiến thuật ngừa, chữa cúm mỗi năm cũng khác. Chúng ta tiếp tục theo dõi những tin tức mới nhất về nó để còn đề phòng, chữa trị.




    Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Working...
X