Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Corticoid - Con dao hai lưỡi cùng sắc

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Corticoid - Con dao hai lưỡi cùng sắc

    Corticoid - Con dao hai lưỡi cùng sắc



    Trong dân gian, corticoid được biết đến như một loại thuốc rất nguy hiểm, có thể gây "mục xương", sinh mủ, phù thũng... thậm chí việc các bác sĩ kê toa corticoid cũng đôi khi bị lên án một cách không thương tiếc. Nhưng có bao giờ quý độc giả đặt ngược lại vấn đề "thuốc độc tại sao vẫn bào chế, vẫn có người bán và vẫn có người mua?".

    Đối với thầy thuốc, corticoid vẫn luôn có mặt trong danh mục thuốc thiết yếu và hầu như bác sĩ điều trị nào cũng đều đã từng kê đơn corticoid không chỉ một lần trong cuộc đời hành nghề của mình.



    Ngược dòng lịch sử



    Vào năm 1855, Addison đã chứng minh được vai trò quan trọng của corticoid qua thử nghiệm trên chuột. Ông đã phá hủy vỏ thượng thận của chuột và ghi chép lại những ảnh hưởng nặng nề sau đó như sự suy mòn, hạ huyết áp và chết! Chính vì thế mà người ta đã lấy tên ông để đặt cho bệnh suy thượng thận (bệnh Addison) với biểu hiện suy mòn, sạm da, hạ huyết áp...

    Người ta bắt đầu ứng dụng chiết xuất vỏ thượng thận để điều trị một số trường hợp bệnh nặng nguy kịch, một số bệnh nan y, và thu lượm được những kết quả thật bất ngờ vượt cả mong đợi. Và thế là những mẻ thuốc corticoid đầu tiên được ra đời dưới dạng nguyên thủy nhất, mang sứ mệnh cứu nguời, đó là cortisone. Năm 1949, Hench, Richstein và Kendall đã dùng cortisone để điều trị cho một phụ nữ 29 tuổi gần như tàn phế vì chứng thấp khớp. Thành công này đã mở ra cho những người bệnh thấp khớp một niềm hy vọng lớn vì cho đến thời điểm đó, việc giúp cho người bệnh giảm bớt đau đớn và đem họ trở về với công việc thường nhật hầu như là điều bất khả kháng. Những đột phá trong điều trị viêm khớp đã đem lại cho êkíp của Hench giải Nobel y học danh giá vào năm sau đó, năm 1950.

    Corticoid trở thành một thần dược, các labo tìm cách sản xuất các dạng thuốc có thể tiêm, để có tác dụng nhanh hơn, hoặc thay đổi cấu trúc hóa học để kéo dài thời gian tác dụng của thuốc; các nhà lâm sàng học thì tìm các ứng dụng điều trị trong nhiều loại bệnh khác nhau từ thấp khớp, cho đến hen suyễn, dị ứng, phù, mề đay, sốc thuốc, các bệnh lý tại các cơ quan khác nhau như thận, da, mạch máu,... có căn nguyên miễn dịch. Trong một số lớn các trường hợp, corticoid cho thấy những khả năng đa dạng của nó và hứa hẹn cho việc giải quyết một số bệnh lý mạn tính.

    Tuy nhiên, việc sử dụng ồ ạt và đại trà cũng làm cho người ta phát hiện ra những tác dụng phụ của thuốc sớm hơn. Sau những ngây ngất vì tác dụng trên cả tuyệt vời của thuốc, người ta lại phải giật mình vì các tác dụng phụ của corticoid. Những gương mặt sưng phù, những thay đổi đáng kể về hình thể như mọc lông mặt, rạn da, gù lưng, nọng mỡ, những vết thương nhiễm trùng nặng nề, gãy xương, những cơn bộc phát của một số bệnh đi kèm... đã làm cho giới chức ngành y phải đưa ra những cảnh báo khẩn cấp cho việc sử dụng corticoid.

    Các nhà bào chế và các nhà điều trị học lại bắt đầu lao vào một cuộc tìm kiếm mới, nhằm tận dụng hiệu quả và giảm thiểu hết mức các tác dụng có hại của thuốc. Phương pháp tiêm tại chỗ corticoid ra đời vào thời điểm năm 1950, gián tiếp thực hiện việc "xét lại" trong quan điểm của ngành y. Việc tập trung liều tấn công tại một vị trí xác định bằng đường dùng toàn thân (uống hay tiêm mạch) đòi hỏi phải sử dụng corticoid với liều lượng khá cao, và điều này cũng kéo theo tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ của thuốc. Mục tiêu của liệu pháp corticoid tại chỗ là tập trung tại vị trí bệnh một liều điều trị đủ để đánh gục quá trình viêm đang ngoan cố giữ thành mà không gây tác hại đến môi trường chung là các cơ quan khác trong cơ thể.

    Bên cạnh những ích lợi đáng kể của liệu pháp corticoid tại chỗ, một lần nữa người ta lại phải có những cảnh báo. Những điều chúng tôi vừa trình bày có vẻ dông dài và một số độc giả có thể cho rằng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" nhưng thật ra vẫn luôn luôn mới và vẫn thường xuyên bị lãng quên bởi người bệnh và có khi... bởi cả thầy thuốc.




    Và những câu chuyện

    Câu chuyện thứ nhất: Một bệnh nhân nữ, tuổi khoảng lục tuần, vào bệnh viện vì sốt, đau lưng dữ dội, liệt chân. Kết quả chẩn đoán sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm là lao cột sống, lao phổi, Cushing do thuốc. Khi tìm hiểu kỹ về quá trình bệnh, bệnh nhân cho biết đã bị đau khớp nhiều năm, nhưng không theo đuổi lâu dài bất cứ một liệu trình nào cho đến một ngày, tình cờ được người quen mách bảo, bà mua một lọ thuốc trung y nhập từ HongKong(?) qua hàng xách tay. Một năm đầu, bệnh gần như hết hẳn, bà ăn ngon, hết đau, ngủ ngon, mập mạp thấy rõ. Thế là bà cố gắng uống thuốc thật đều mong điều trị tiệt nọc căn bệnh đã hành hạ bà suốt mấy năm trời. Năm sau đó, bà thấy người yếu dần, các khớp vẫn thi thoảng khi trồi khi sụt, đau lưng xuất hiện, bà sút cân dần rồi ho, sốt, liệt giường và vào bệnh viện. Quá trình điều trị cho bà cũng thật gian nan, vì ngoài bệnh lao, còn phải giải quyết những đợt suy thượng thận cấp, những đợt viêm khớp tái phát, nhiễm trùng bệnh viện,... có những lúc tưởng chừng phải bó tay. Cuối cùng, may mắn cho bà, và cho cả thầy thuốc, bà khỏi bệnh, xuất viện sau hai cuộc phẫu thuật nạo mủ xương sống, 4 tháng nằm viện và 1 năm uống thuốc.

    Câu chuyện thứ hai: Nhân vật chính là một kỹ thuật viên xét nghiệm làm tại bệnh viện N. Sau gần 20 năm làm việc, anh đột ngột phát bệnh, một căn bệnh tự miễn có biểu hiện nhiều cơ quan, da toàn thân tróc lở, anh đau đớn gào khóc cả đêm. Anh được tư vấn phải điều trị lâu dài bằng corticoid và có thể phải kèm thêm một loại thuốc điều trị ung thư nhằm kiềm chế tình trạng miễn dịch vì bệnh có diễn biến không tốt. Mặc cho mọi lời giải thích thậm chí gần như năn nỉ của thầy thuốc, anh cương quyết không đồng ý sử dụng corticoid, vì anh cho rằng dùng corticoid là cực kỳ nguy hiểm. Anh cương quyết đến độ bỏ viện về quê tự điều trị và... chết!

    Câu chuyện thứ ba: Lần này người bệnh là một bác cựu chiến binh khoảng 65 tuổi, bác bị viêm khớp dạng thấp từ hơn 10 năm trước. Sau hơn 6 năm dùng nhiều loại thuốc, bác được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng corticoid, kết quả sau một hai tháng rất tốt. Vì kết quả tốt nên bác quyết định dừng thuốc nhưng chỉ sau một vài tuần, bệnh tái phát. Thế là bác đem toa thuốc cũ ra dùng trở lại, bệnh thuyên giảm hẳn. Bác yên tâm là đã có được một toa thuốc "thần diệu". Nhà xa bệnh viện, lại lớn tuổi, các con đều bận rộn với công việc, bác cứ đều đặn uống thuốc theo toa mà cảm thấy không cần gặp lại bác sĩ. Cho đến một ngày, chỉ sau cú trượt chân nhẹ, bác bị gãy xương hông, phải nằm một chỗ, nằm nhiều, da lưng trầy xước, lở loét không lành, các con phải đưa bác vào viện. Ở đây, bác được biết mình bị loãng xương nặng, với bộ xương của một ông lão 90 tuổi, mặc dù mới ngoài 60.

    Loãng xương do lạm dụng corticoid

    Qua ba câu chuyện trên, có lẽ chúng ta thấy corticoid được sử dụng rất đa dạng và nó thực sự như một con dao hai lưỡi mà lưỡi nào cũng sắc, có thể điều trị một số bệnh hiểm nghèo, nhưng có thể cũng gây bệnh hiểm nghèo không kém. Có những trường hợp bệnh nhân sử dụng corticoid một cách bừa bãi, vô tội vạ như trường hợp số một, hoàn toàn không hay biết trong những viên thuốc gia truyền đó có chứa một lượng corticoid không nhỏ. Cũng có những trường hợp do sự chủ quan, không được hướng dẫn cẩn thận của thầy thuốc mà người bệnh mắc phải những biến chứng do dùng thuốc lâu ngày.

    Câu chuyện thứ hai lại là một vấn đề của người có hiểu biết, biết và sợ những tác dụng phụ của thuốc nhưng lại đi đến chỗ quá mức và cũng gây ra những hậu quả đáng tiếc.

    Như vậy chúng tôi xin trở lại với vấn đề: khi nào thì nên sử dụng corticoid và phải sử dụng như thế nào để corticoid luôn giữ được vai trò là một vũ khí sắc bén của người thầy thuốc trong sứ mệnh cứu người.

    Sử dụng corticoid thế nào?

    Thông thường người ta chia thành 2 nhóm điều trị: ngắn ngày (dưới 2 tuần) và dài ngày (vài tháng thậm chí có thể nhiều năm).

    Corticoid thường chỉ được dùng trong một số bệnh lý nhất định như: viêm khớp nặng không đáp ứng với các thuốc thông thường, một số bệnh tự miễn như Lupus, viêm mạch máu, hen suyễn nặng, thận hư biến, viêm da cơ, sốc phản vệ, dị ứng nặng...

    Đối với các liệu trình ngắn, thông thường corticoid không nhiều biến chứng, ngoại trừ khi người bệnh có một số yếu tố nguy cơ như: lớn tuổi, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đái tháo đường. Thầy thuốc luôn phải chú ý tìm hiểu bệnh sử cũng như thăm khám kỹ và cân nhắc trước khi cho thuốc.

    Trong trường hợp phải sử dụng thuốc lâu dài, bác sĩ cần thận trọng khi quyết định, bên cạnh đó, cần phải tư vấn và dặn dò người bệnh thật kỹ lưỡng. Vấn đề liều lượng và thời gian uống thuốc cũng là điều bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ. Như đã trình bày ở phần đầu, cortisone là một loại hormon do tuyến thượng thận sản xuất nhằm phục vụ một loạt các hoạt động của cơ thể, và các tuyến được điều khiển từ một trục tuyến từ trên xuống (tuyến yên - hạ đồi - thượng thận). Khi lượng cortisone trong cơ thể thấp, các tuyến điều khiển phía trên não sẽ truyền tín hiệu để tuyến dưới (vỏ thượng thận) tăng tiết cortisone. Ngược lại, khi cơ thể có lượng cortisone máu cao (do bài tiết nhiều hay do uống thuốc), vỏ thượng thận sẽ ngưng không sản xuất, việc ngưng hoạt động này sẽ có thể hồi phục nếu thời gian ngắn, và có thể mất chức năng vĩnh viễn nếu kéo dài. Đó là lý do các bác sĩ phải giảm liều thuốc trong trường hợp sử dụng corticoid dài ngày, tránh tối đa việc ngưng đột ngột, vì có khả năng gây hội chứng suy thượng thận cấp rất nguy hiểm.

    Việc sản xuất cortisone cũng theo một nhịp sinh học nhất định, lượng cortisone được sản xuất cao nhất vào buổi sáng sớm khoảng 6-8 giờ, do đó ta nên sử dụng thuốc chủ yếu vào buổi sáng.

    Người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, đặc biệt khi phải dùng corticoid, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ, cũng không nên tự ý ngưng thuốc đột ngột. Khi có bệnh, nên đến điều trị tại các cơ sở y tế chính thống, nếu cần, có thể tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị một cách bài bản và hợp lý.

    Chúng tôi viết những dòng này với mục đích trả lại cho corticoid vị trí thật sự của nó là "Thuốc chữa bệnh", đồng thời một lần nữa đánh động quý độc giả về những nguy hại của việc lạm dụng thuốc.

    Đừng coi thường và cũng đừng quá sợ hãi corticoid, nó có thể là một thần dược khi ta biết sử dụng một cách khéo léo và hợp lý, nó cũng có thể là một độc dược khi ta sử dụng bừa bãi và thiếu hiểu biết.






    BS. Thái Thị Hồng Ánh
Working...
X