Say rượu ngủ luôn, coi chừng chết người
Đừng lăn đùng ra ngủ ngay sau khi ngà ngà hơi men. Thói quen thường thấy này ảnh hưởng rất xấu tới gan, thậm chí gây tử vong ở một số người.
Hằng năm trên thế giới có khoảng 1,8 triệu người tử vong do uống rượu. Ngoài nguyên nhân tai nạn xe cộ khi say xỉn, phần lớn là liên quan tới những thói quen sai lầm sau khi uống rượu. Sau đây là 7 sai lầm gây nguy hại tới sức khỏe mà các quý ông nên thận trọng.
Ngủ luôn sau khi uống rượu
Sau khi uống rượu say mềm, nhiều quý ông lăn đùng ra ngủ ngay, thậm chí còn không kịp cởi giày, thay quần áo. Điều này khiến các bà vợ cũng hài lòng vì không phải chứng kiến cảnh chồng quậy phá hay nói linh tinh. Nhưng thực ra, đây là thói quen rất nguy hiểm.
Rượu tiêu hóa được trong cơ thể là nhờ gan. Nếu có thói quen ngủ luôn sau khi uống rượu, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại, ảnh hưởng xấu tới gan. Sau khi “no nê rượu thịt”, nên dùng nước lạnh rửa qua mặt, sau đó ngồi nghỉ ngơi đôi chút. Nếu uống quá nhiều rượu, càng không nên lên giường ngay, bởi đã có trường hợp bị ngộ độc rượu, tử vong ngay khi đang ngủ. Để tránh rủi ro, cứ cách hai tiếng đồng hồ, người nhà nên lay gọi người say rượu, cho họ uống chút nước trắng hoặc nước pha mật ong, cho tới khi tỉnh hẳn rượu.
Uống thuốc giải rượu
Hiện có rất nhiều sản phẩm giải rượu được quảng cáo, coi như vị cứu tinh của những quý ông mê rượu không thể bỏ. Thuốc giải rượu có thể giúp người uống tạm thời thoát khỏi tình trạng say xỉn, nhưng trên thực tế lại khiến sự chuếnh choáng kéo dài. Nên uống nhiều nước trắng, các nước uống thể thao để bổ sung thêm chất điện giải, hoặc uống nước cam ép để bổ sung vitamin C, duy trì lượng đường huyết ổn định trong cơ thể.
Nằm thảm điện sưởi ấm
Khi uống quá nhiều, cơ thể sẽ tỏa nhiều nhiệt, dễ khiến toàn thân lạnh toát. Nếu muốn giữ ấm, không nên nằm thảm điện, đặc biệt là những người bị cao huyết áp hoặc bệnh mạch vành. Sau khi uống rượu, mạch máu giãn nở, tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, dễ khiến quý ông mắc chứng nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực. Nếu cảm thấy lạnh, có thể trùm chăn lông vũ, uống nước ấm hoặc dùng túi sưởi để giữ nhiệt cho cơ thể; nhưng không nên để nhiệt độ túi quá cao, tránh trường hợp bị bỏng da.
Không nên ngủ ngay khi say rượu.
Uống nhiều cà phê
Bác sĩ Vương Tú Cúc cho rằng, quý ông không nên nạp một lượng lớn cà phê vào cơ thể sau khi uống rượu, khiến tình trạng thiếu nước càng trở nên trầm trọng. Trà đặc cũng là kẻ thù của những chàng say xỉn, bởi nó khiến tim trở nên hưng phấn cực độ và gây hại cho thận. Riêng nước có ga càng khiến cơ thể hấp thụ rượu nhanh hơn, nhạy hơn, rất có hại tới gan, thậm chí gây chứng viêm dạ dày cấp.
Uống thuốc hạ sốt
Mê rượu quá, không ít quý ông cho dù đang ốm sốt vẫn nhậu, nhậu xong về nhà lại nhớ tới nhiệm vụ uống thuốc của mình nên thực hiện cho đầy đủ, nhất là khi bị vợ con giục giã. Nếu lo cho sức khỏe, không nên làm thế.
Rượu thường có phản ứng hóa học với phần lớn các loại thuốc, thậm chí khiến thuốc sản sinh độc tố. Đặc biệt, việc dùng thuốc hạ sốt sau khi uống rượu sẽ khiến chất tylenol trong thuốc sinh độc tố, gây viêm gan. Ngoài ra, nhóm thuốc kháng sinh Cephalosporin, thuốc hạ đường huyết, thuốc hạ huyết áp cũng không nên sử dụng sau khi uống rượu.
Tắm ngay sau khi uống rượu
Dù tắm nước nóng hay nước lạnh cũng là điều cấm kỵ trong trường hợp đã nồng nặc hơi men. Khi tắm nước nóng hoặc xông hơi, cơ thể không thể thoát nhiệt, tình trạng say xỉn vì thế càng thêm trầm trọng, thậm chí gây nôn mửa, choáng váng.
Tắm nước lạnh cũng rất phản khoa học, chẳng những không giúp người uống tỉnh rượu mà còn khiến gan không bổ sung kịp lượng glucose tiêu hao trong máu. Ngoài ra, nước lạnh cũng gây ra hiện tượng co mạch, thậm chí vỡ mạch máu hoặc cảm lạnh đột ngột.
Vận động liên tục
Rượu có tác dụng lợi tiểu, do vậy, sau khi uống rượu, lượng nước bài tiết khỏi cơ thể sẽ nhiều hơn, dễ có tình trạng mất nước. Nếu lúc này liên tục vận động, tình trạng mất nước càng trở nên trầm trọng. Đặc biệt là bơi sau khi uống rượu sẽ làm cho cơ thể tỏa nhiệt nhanh hơn, gây đau đầu, choáng váng do hạ đường huyết và chuột rút ở chân khi bơi.
Theo ĐVO
Comment