Đừng “vắt chanh bỏ vỏ”
Nhiều nghiên cứu cho thấy các bioflavonoids có trong chanh, cam, quýt, bưởi… có tác dụng ổn định và củng cố độ bền của thành mạch cũng như ổn định lưu lượng máu nhờ vào khả năng kháng viêm của những chất dinh dưỡng thực vật này.
Những loại trái cây thuộc họ Cam quýt (Rutacea) rất đa dạng và phong phú. Trong đó có chi Cam (hay còn gọi là chi Citrus) bao gồm những loại trái cây “ăn tiền” như: cam, chanh, quất, quít, bưởi và bưởi chùm...
Những loại trái cây thuộc chi Citrus kể trên là một kho chứa các chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrients). Gần đây, các nhà khoa học và dinh dưỡng học đã khám phá một nhóm hóa chất có hoạt tính sinh học cao là flavonoids. Chính flavonoids sẽ làm thành “cặp bài trùng” với vitamin C và càng làm tăng vai trò của vitamin C trong cơ thể, chống chọi trước cơn bão “oxy hóa”. Các hợp chất flavonoids này còn được gọi bằng một cái tên mỹ miều khác là vitamin P vốn rất dồi dào ở rau cải và trái cây. Những loại vitamin P được tìm thấy nhiều nhất trong các loại trái cây thuộc chi Citrus bao gồm hesperidin, quercetin, diosmin, naringin, rutin...
Hiện trên thị trường có bán rất nhiều chế phẩm gọi là bổ sung vitamin C. Thực ra đây là loại vitamin C tổng hợp (ascorbic acid) và hầu như chẳng có tác dụng gì mấy trên cơ thể. Thiếu các chất flavonoids trong các trái cây Citrus thì ascorbic acid được bổ sung sẽ rất dễ dàng bị oxy hóa và sẽ sinh ra những sản phẩm có thể gây nguy hại cho cơ thể. Đây cũng là lý do vì sao mà ăn thực phẩm trái cây, rau cải sẽ được cung cấp nguồn vitamin tốt hơn là từ các chế phẩm bổ sung vitamin.
Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm cung cấp oxygen cho các mô của cơ thể đồng thời giúp cơ thể ổn định huyết áp. Những chất flavonoids trong chi Citrus cũng có tác dụng làm giảm sưng đau, giảm phù thũng và có tác dụng hỗ trợ hô hấp khi gặp các vấn đề về phổi...
Hesperidin là một loại flavonoids được tìm thấy nhiều nhất ở phần vỏ và màng trắng bám ở các múi của các trái cây thuộc chi Citrus. Hesperidin thường được dùng để điều trị các trường hợp suy giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ... Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu hesperidin sẽ làm giảm chức năng của các mao mạch gây ra các chứng đau chân.
Rutin và quercetin là 2 loại flavonoids có tính kháng oxy hóa mạnh nhất có trong trái cây thuộc chi Citrus, nhiều nhất là cam, quýt, chanh, bưởi... 2 chất này cũng là 2 chất có tính kháng viêm mạnh, giúp làm khỏe các mao mạch. Có tác dụng ngăn ngừa các bệnh suy tĩnh mạch.
Năm 1995, TS. Biskind nghiên cứu 69 trường hợp nhiễm trùng hệ hô hấp cấp tính được điều trị với các hợp chất flavonoids. Các bệnh về hệ hô hấp bao gồm cảm mạo, cúm, viêm cuống họng... chỉ trong vòng từ 4 – 48 giờ, đã có 66 trường hợp hồi phục nhanh chóng. Theo TS. Biskind, do flavonoids đã hỗ trợ vitamin C trong việc gia tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Vào năm 1962, BS. Robert Cragin đã “âm thầm” sử dụng các chất flavonoids trên các lực sĩ, vận động viên và nhận thấy những nhóm vận động viên được cung cấp flavonoid có tần suất tổn thương cơ, khớp thấp hơn nhóm vận động viên không được cung cấp flavonoids. Khi có chấn thương xảy ra, nhóm được cung cấp flavonoids cũng sẽ nhanh chóng bình phục hơn nhóm không được cung cấp flavonoids. Và khi được cung cấp vitamin C và flavonoids thì tác động hồi phục càng gia tăng thêm.
Nguồn cung cấp các chất flavonoids kèm với vitamin C nhiều nhất là ở chanh, chanh giấy, bưởi, cam, tắt... và đạt ở hàm lượng cao nhất khi trái cây chín trên cây. Khi đã hái khỏi cây thì càng để lâu, hàm lượng flavonoids và vitamin C sẽ bị giảm dần. Khi gọt một quả Citrus, nếu ăn không hết trong ngày thì sang ngày hôm sau, hàm lượng vitamin C suy giảm đáng kể.
Để tận dụng nguồn flavonoids thì đừng... vắt chanh bỏ vỏ. Hãy dùng vỏ này cắt sợi mỏng bỏ vào thức ăn (với điều kiện vỏ chanh sạch, được trồng ngay trong vườn nhà, chứ không phải chanh “trôi nổi” ở chợ). Vỏ cam, vỏ quýt, vỏ bưởi... cũng có nhiều flavonoids. Có thể thêm vào từng loại món ăn nhờ vào đôi tay của các bà nội trợ. Khi ăn cam quýt thì chớ nên... phí của trời, nên ăn luôn những màng trắng bám vào múi.
Theo SKĐS