Tăng huyết áp, phải uống thuốc suốt đời?
Tôi 53 tuổi, bị tăng huyết áp (THA), sau khi uống thuốc vài tháng thì huyết áp (HA) của tôi khá ổn. Tôi có anh bạn cũng bị THA, khuyên tôi mới bị THA thì chỉ cần uống thuốc đến khi HA ổn là dừng được. Nhưng cũng có người lại bảo tôi phải uống thuốc cả đời. Tôi nghe nói uống rượu cũng bị ảnh hưởng đến huyết áp. Xin quý báo cho tôi biết rõ hơn về những vấn đề này. Tôi xin cảm ơn!
Hoàng Xuân Minh (Hà Nội)
Bệnh THA rất nguy hiểm vì gây nên rất nhiều các biến chứng như: nhồi máu cơ tim, suy tim; chảy máu não hay tắc mạch máu não; suy thận; giảm thị lực dẫn tới mù loà… Mặc dù gây ra các biến chứng nặng nề như vậy nhưng các biểu hiện của bệnh khi chưa có biến chứng lại rất nghèo nàn, do vậy hầu hết các bệnh nhân đều rất chủ quan, không tuân thủ điều trị một cách đầy đủ nên tỷ lệ gặp các biến chứng còn rất cao.
Điều trị tốt HA để nhằm mục đích ngăn chặn và phòng ngừa các biến chứng mà bệnh gây ra và khi đã có biến chứng thì phải điều trị tích cực để chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
Do đó, xin khẳng định rằng: điều trị THA là điều trị suốt đời, nghĩa là bệnh nhân phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cho đến hết đời; phải đi kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi và có những điều chỉnh thuốc kịp thời. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều bệnh nhân sau khi uống thuốc một đợt thấy HA ổn định và sức khỏe bình thường thì lại hay bỏ thuốc (có thể do tự ý bỏ, có thể quên uống thuốc), chỉ đến khi đo HA thấy tăng hoặc có dấu hiệu bất thường thì mới uống thuốc. Việc uống thuốc như vậy rất nguy hiểm, bởi chẳng những không phòng ngừa được biến chứng của bệnh mà còn gây khó khăn cho việc điều trị bệnh. Do đó, dù HA có bình thường, dù cảm thấy khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường, thì người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị như đã nêu trên.
Uống nhiều rượu, bia cũng là một trong những yếu tố thuận lợi gây ra các biến chứng của bệnh THA. Rượu, bia không những làm tăng thể tích máu lưu hành, gây nên mức HA tăng cao hơn mà nó còn làm cho người uống bị giảm mất các cảm giác nhất là cảm giác lạnh, do vậy dễ dẫn đến chủ quan bị nhiễm lạnh, dẫn tới co mạch đột ngột làm cho HA tăng cao hơn nữa. Đặc biệt nếu HA bệnh nhân chưa được kiểm soát tốt, tuổi cao thì mức độ nguy hiểm càng tăng lên gấp bội.
Vì vậy, bác cần tuân thủ theo chế độ điều trị, luyện tập và dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
TS. Nguyễn Ngọc Tú (Theo SK&ĐS)
Comment