Tiểu đêm mới biết… bệnh nhiều!
Thật là phiền toái khi buổi tối không ngủ được, lại phải thức trắng để… đi tiểu. Chuyện trục trặc này, khiến nhiều người khổ sở vì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nhưng đồng thời, chứng tiểu đêm cũng dễ dàng bị nhiều người bỏ qua vì cho là “chuyện nhỏ” hoặc xem đây là chuyện ngại nói. Mấy ai biết, tiểu đêm là triệu chứng của nhiều bệnh lý, và do cả những nguyên nhân hết sức đơn giản.
Nguyên nhân từ bệnh lý...
Trục trặc của tuyến tiền liệt: thường gặp nhất là bướu lành tiền liệt tuyến. Đây là bệnh hay gặp ở nam giới, chỉ đứng thứ hai trong các bệnh liên quan đến niệu khoa, nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Vấn đề ở đây là: khi tuyến tiền liệt to, sẽ dẫn đến ngăn cản dòng nước tiểu và kích thích bàng quang, và triệu chứng thường gặp là đi tiểu nhiều lần, kể cả vào ban đêm. Có bệnh nhân đi 4 – 5 lần, có người “thê thảm” hơn khi thức trắng đêm bởi cả chục lần đi tiểu.
Viêm bàng quang: ai cũng biết bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu, sau khi đã được thận lọc qua. Viêm bàng quang có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng dù là viêm bàng quang mãn tính hay cấp tính, bao giờ cũng khiến người bệnh cứ mắc tiểu dù vừa tiểu xong, đi tiểu nhiều lần, không ngoại trừ cả ban đêm và tiểu són.
Sỏi thận: biểu hiện lâm sàng của sỏi thận rất đa dạng do tuỳ thuộc vào vị trí, độ to nhỏ của sỏi, vào các biến chứng do sỏi gây ra. Trong số các triệu chứng lâm sàng thường kèm theo bao giờ cũng có các biểu hiện như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục… cả ban ngày lẫn ban đêm. Cần lưu ý trong nhiều trường hợp hòn sỏi cỡ 4 – 5 mm ở thận vẫn có thể chung sống hoà bình trong nhiều chục năm.
Viêm đường tiết niệu: biểu hiện rất rõ ràng: đi tiểu liên tục dù là ngày hay đêm, đau rát, khó chịu và sẽ tiến triển nhanh đối với những người tái phát. Nguyên nhân là nhiễm trùng dẫn đến kích thích bàng quang, đưa đến tình trạng đi tiểu liên tục.
Đái tháo đường týp 2: đi tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm, được xem là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh đái tháo đường (ăn nhiều – uống nhiều – tiểu nhiều – sụt cân).
Tiểu đêm là triệu chứng của nhiều bệnh lý, và do cả những nguyên nhân hết sức đơn giản. (Ảnh minh họa).
... và không do bệnh lý
Uống nhiều nước: nhiều người có thói quen uống nhiều nước vào buổi tối, vì nghĩ sẽ giúp thận dễ dàng làm việc, loại bỏ những chất độc hại khi ngủ. Rõ ràng, “có vào” thì phải “có ra”, uống nhiều nước như thế, nửa đêm thức giấc giải quyết cái chuyện “đầu ra”, là điều tất nhiên! Đó là chưa kể uống nhiều nước còn có thể dẫn đến tình trạng đa niệu, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Do các chất kích thích: nếu ban ngày khổ chủ đã dùng các chất kích thích như rượu, trà, càphê thì đêm tiểu nhiều là tất nhiên, vì đây là những thứ có tác dụng lợi tiểu, kích thích bàng quang gây tiểu thường hơn.
Do lớn tuổi: khả năng tái hấp thu kém, bài tiết từ tiết niệu giảm, dẫn đến tình trạng phải đi tiểu nhiều lần hơn, kể cả vào ban đêm.
Do mang thai: với rất nhiều thai phụ, tình trạng tiểu đêm xảy ra do các nội tiết tố từ nhau thai tiết ra và do tử cung to ép lên bàng quang. Ngoài ra, chấn thương do sinh nở gây tổn thương niệu đạo cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu nhiều, tiểu đêm.
Do thuốc: khi phải dùng những thuốc lợi tiểu theo chỉ định để chữa bệnh tăng huyết áp và bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan, bệnh nhân phải chấp nhận những phản ứng phụ kèm theo như tiểu nhiều, trong đó có tiểu đêm. Ngoài ra nhóm chẹn kênh canxi dùng buổi tối cũng có thể gây tiểu đêm.
Giải pháp nào cho chuyện tiểu đêm?
Vấn đề điều trị đối với chứng tiểu đêm là rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, sức khoẻ. Tuỳ theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý là với gần 20 nguyên nhân khác nhau của chứng tiểu đêm, chắc chắn không một loại thuốc nào có thể trị chung cho ngần ấy bệnh lý, như nhiều mẫu quảng cáo thuốc đường mật! Ông bà ta có câu “đúng thầy, đúng thuốc”. Hãy để công việc chẩn đoán, điều trị cho các bác sĩ, đừng tự mình làm theo lời đồn thổi của quảng cáo, hay tự mình bắt bệnh, tự điều trị. Nguy hiểm hơn, là nghe theo lời hướng dẫn từ người quen, để rồi tiền mất, mà bệnh thì ở lại!
Theo ThS.BS Phan Hữu Phước (Sức khỏe & Đời sống)
Comment