Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ðồng tính - phải làm sao?

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ðồng tính - phải làm sao?

    Ðồng tính - phải làm sao?



    Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng



    LTS. Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên báo “Việt Tide.”



    Hỏi:

    -Em thỉnh thoảng vẫn hẹn hò với bạn khác phái, vẫn có bồ khác phái. Tuy nhiên, khi tưởng tượng chuyện ân ái, em vẫn thích tưởng tưởng tượng làm chuyện đó với một người cùng phái.

    Vậy em có phải là “gay” (đồng tính) hay không?

    -Con tôi rất ngoan, chăm chỉ học hành, nhưng gần đây nó có những biểu hiện như là “bê đê.” Tôi nên làm gì để giúp con tôi? Làm sao để biết nó có thật sự là “bê đê” hay không?

    -Con tôi vừa mới thú thật với tôi, dù là tôi cũng đã nghi từ lâu, là nó đang “yêu” một bạn cùng giới tính. Tôi thật là bối rối. Tôi nên làm gì? Có cách gì chữa bệnh này cho nó hay không?



    Ðáp:

    Có nhiều cách được dùng để xếp loại khuynh hướng tính dục của mỗi người.

    Nhiều người tự xếp, và xã hội thường xếp một người, vào một nhóm nào đó tùy theo việc, một cách công khai, họ đang có quan hệ tính dục với người cùng hay khác giới tính.

    Có người tự phân loại dựa vào việc thật sự, một cách thầm kín, họ cảm thấy bị thu hút bởi người cùng hay khác phái.

    Việc xếp loại, dán nhãn, cho một người nào đó, vào nhóm nào, là việc khó khăn, và có thể không chính xác.

    Thường thường, chính tự mỗi người mới là nhân vật có nhiều khả năng để biết (hay đoán, một cách tương đối chính xác nhất), thật sự, mình là ai.

    Nếu trong riêng tư, trong óc tưởng tượng của mình, mình cảm thấy hứng thú trong sinh hoạt tính dục với người cùng phái, thì nhiều khả năng, lúc đó, mình đang thuộc “phe” đồng tính luyến ái.

    Nếu, một thời gian sau, thất vọng với “người tình đồng tính,” lại thấy bị hấp dẫn với người khác phái, thì nhiều khả năng, mình có thể thuộc nhóm lưỡng tính luyến ái.

    Còn nếu chỉ thấy bị hấp dẫn bởi người khác phái, cảm thấy “ớn lạnh xương sống” khi bị/được “ve vãn” bởi người cùng phái, thì chắc, nhiều khả năng, mình thuộc phe (đa số) dị tính luyến ái.

    Yếu tố quyết định ở đây, không phải là ở chỗ mình muốn, hay tự nhận, mình thuộc nhóm nào. Mà là thật sự, cảm giác, (về khía cạnh tính dục), không thể nhầm lẫn được, của mình, với người cùng phái, hay khác phái, như thế nào.

    ***

    Phát hiện, hay được tin, con mình là một người đồng tính hay lưỡng tính luyến ái, hình như thường là một tin “động trời” (hay “trời sập”), cho các cha mẹ Việt Nam.

    Ðể lấy lại bình tĩnh, điều đầu tiên, ta nên nhớ, và tự nhủ, là, dù con mình có “thú nhận,” tâm sự, nói ra sự thật đó với mình hay không, thì nó vẫn là con mình, như nó vẫn như vậy (mà mình đã chưa được biết) từ trước đến lúc này.

    Nó đã “dám” tâm sự với mình, rất có thể là vì nó đang mong đợi được sự nâng đỡ của mình. Vì nó tin tưởng vào mình, cần, và vẫn còn đang tin vào tình thương, sự hướng dẫn, thông cảm của mình.

    Sau rất nhiều nghiên cứu, cho đến nay, tại sao một người là đồng tính, lưỡng tính, hay dị tính luyến ái, vẫn còn là điều chưa được hiểu rõ.

    Tuy nhiên, điều tương đối được đa số các chuyên gia công nhận, là việc một người đồng tính hay không, là điều đã xảy từ trước khi sinh ra, hay từ rất sớm, vài năm đầu sau khi sinh ra. (Chứ không phải vì bị “lây,” hay “hư thân mất nết,” hay vì do cha mẹ đã dạy dỗ không đúng cách). Chỉ tùy theo sự phát triển của từng cá nhân, mà người đó phát hiện ra điều, đã tiềm ẩn từ lâu này, sớm hay trễ.

    Ðiều quan trọng nhất, nếu ta “vẫn còn thương” con, là nhắc nhở con, dù nó như thế nào, ta vẫn thương nó, vẫn tôn trọng nó. Ta vẫn là chỗ mà nó có thể dựa, có thể tâm sự một cách an toàn. Những gì mà nó không dám tâm sự với người khác.

    Bác sĩ gia đình, sách vở trong thư viện, các chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo, là những nơi mà ta có thể tham khảo để biết cách giúp đỡ con tiếp tục phát triển một cách tốt nhất những khả năng, tiềm năng của nó, và có một cuộc sống an lạc, có ích cho mình và cho đời.

    Cần nhắc lại, như đã trình bày kỳ trước, đồng tính luyến ái, lưỡng tính luyến ái, theo y học, tâm lý học, tâm thần học hiện nay, không phải là rối loạn, hay bệnh hoạn. Ðây là khuynh hướng tính dục ít gặp hơn dị tính luyến ái.

    Vì là thiểu số, vì còn nhiều thành kiến trong xã hội về khuynh hướng tính dục này, con em chúng ta có thể sẽ cần phải cố gắng hơn, được nâng đỡ đúng cách, và nhiều hơn.

    Thân mến,

    Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
    nguyentranhoang.com






Working...
X