Tàn nhang, đồi mồi ở tuổi trung niên
Bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, da mặt nhiều phụ nữ bắt đầu thay đổi. Tàn nhang và đồi mồi là tình trạng thường thấy ở phụ nữ độ tuổi này. Chế độ ăn uống với thực đơn nhiều rau củ, không thức khuya, hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời… sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.
Ở tuổi 46, chị Minh Lan (Q.5, TP.HCM) luôn mất tự tin với làn da quá nhiều tàn nhang và đồi mồi của mình. Điều này ít nhiều làm chị ngại tiếp xúc với mọi người, do mặc cảm với "chỉ báo tuổi tác" trên mặt mình.
Thạc sĩ- bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, các tổn thương tăng sắc tố trên da mặt ở người trung niên thường gặp là tàn nhang, đốm nâu và nám da.
1. Tàn nhang: đốm nhỏ như đầu kim gút, sậm màu, phẳng ngang mặt da; rải rác ở mặt, nhiều nhất là ngang sống mũi và hai gò má. Tổn thương thường xuất hiện rất sớm, có thể từ khi còn bé. Tổn thương sẽ nhiều và sậm màu hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sẽ giảm đi khi da được bảo vệ chống nắng tốt.
2. Đốm nâu: là dấu hiệu của lão hóa da ngoại sinh (do ánh nắng mặt trời). Tổn thương này có kích thước lớn hơn, số lượng ít, rải rác; có thể hơi gờ lên khỏi mặt da. Không bị thay đổi màu sắc khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
3. Nám da: do rất nhiều nguyên nhân như lão hóa da, nội tiết, thuốc uống hoặc bôi… Tổn thương này có thể thành đám, ngang bề mặt da. Tình trạng này thường thấy xuất hiện sau 30 tuổi.
Trường hợp của chị Minh Lan có thể bị một trong ba loại tổn thương trên hoặc hỗn hợp. Các tổn thương này đều là tổn thương tăng sắc tố da và sẽ nặng hơn khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc do tiến trình lão hóa. Do đó, cách chăm sóc tốt nhất hiện nay là:
Chống nắng đúng cách: hạn chế tiếp xúc ánh nắng. Trong trường hợp phải ra ngoài khi trời đang nắng, nên dùng khẩu trang, nón, kem chống nắng, thuốc uống chống nắng....
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hạn chế lão hóa: gồm bổ sung các vitamin và yếu tố vi lượng chống lão hóa, ăn ngủ điều độ...
Theo PNO