Tìm hiểu những con số huyết áp
Bệnh cao huyết áp được định nghĩa bằng con số đo huyết áp. Những con số này rơi vào 4 loại từ bình thường cho đến cao huyết áp độ 2, mỗi độ cao có cách chữa khác nhau. Do đó, bạn nên tìm biết về ý nghĩa những con số đo hiện lên màn ảnh máy đo huyết áp của bạn.
Số đo huyết áp thường có 2 số: số trên hay số thu tâm tương đương với thời kỳ co bóp (thu tâm) và số dưới hay số trương tâm tương đương với thời kỳ nghỉ (trương tâm) của trái tim. Thí dụ: 120/80: số trên hay thu tâm là 120 và số dưới hay trương tâm là 80. Cả hai con số này đều quan trọng như nhau.
Vì huyết áp dễ bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố tâm lý cũng như thể lý, muốn có con số đo đúng, bác sĩ thường lấy con số trung bình của hai hay nhiều số đo khác nhau khi bạn đang ngồi yên.
Sau đây là ý nghĩa những con số đo huyết áp:
1. Số trên (số thu tâm) dưới 120 và số dưới (số trương tâm) dưới 80: Bình thường. Bạn nên tiếp tục giữ nếp sống lành mạnh.
2. Số trên 120-139 hay số dưới 80-89: Tình trạng tiền cao huyết áp. Bạn nên giữ nếp sống lành mạnh.
3. Số trên 140-159 hay số dưới 90-99: Cao huyết áp độ 1. Bạn nên giữ hay tập cho có lối sống lành mạnh. Nếu huyết áp không trở lại bình thường trong vòng 6 tháng, bác sĩ có thể phải cho bạn uống một loại thuốc.
4. Số trên 160 hay hơn hoặc số dưới 100 hay hơn: Cao huyết áp độ 2. Bạn cần giữ hay tập lối sống lành mạnh. Bác sĩ có thể cho bạn uống nhiều hơn một thứ thuốc.
Ghi chú: Trên đây nói về tình trạng cao huyết áp không kèm theo một bệnh khác. Nếu bạn bị thêm bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận hay một số bệnh khác, bạn cần được chữa cao huyết áp sớm hơn.
Nếu huyết áp của bạn bình thường, thực tập một nếp sống lành mạnh (ăn ít chất mỡ bão hòa, nhiều rau và cá; không hút thuốc; uống rượu vừa phải; tập thể dục đều đặn...) sẽ giúp bạn tránh được cao huyết áp lâu dài hơn. Nếu bạn bị cao huyết áp, lối sống lành mạnh cùng với thuốc trị bệnh sẽ giúp bạn giữ huyết áp ở mực bình thường để tránh những hậu quả nguy hại chết người.
Có cần uống thêm thuốc bổ không?
Hỏi: Con tôi 4 tuổi, ăn rất ít, rất kén ăn. Vậy tôi có nên cho cháu uống thuốc bổ không? Thuốc bổ có làm cháu ăn nhiều hơn lên không?
Đáp: Câu này thường được các bậc cha mẹ hỏi luôn. Ai cũng muốn thấy con mình ăn vèo hết chén cơm và lúc nào cũng tròn trịa, bụ bẫm. Tuy nhiên, mỗi em đều có sức ăn, sức lớn khác nhau, ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền rất nhiều. Nói chung, vào tuổi 1 tới 5, trẻ em thường kén ăn. Nếu em bé có vẻ ăn ít nhưng lên ký đều và cao lên đều, thường là không có gì đáng ngại.
Về chuyện thuốc bổ, hay gọi là vitamins, các nhà nghiên cứu chưa đồng ý với nhau là trẻ em có cần uống thêm viatmins ngoài số lượng lấy vô người bằng thức ăn không. Nhiều trẻ em ăn ít nhưng điều này không có nghĩa là trẻ sẽ không lấy đủ vitamins vô người. Ngoài ra, cha mẹ Việt Nam thường nghĩ rằng vitamins giúp các em ăn nhiều hơn để tròn trịa hơn lên. Điều này không đúng. Nếu bác sĩ có cho các em uống thêm vitamins cũng chỉ để chắc chắn là các em không bị thiếu vitamins. Vitamins không làm các em ăn nhiều thêm, cũng không có năng lượng giúp các em mập thêm.
Trẻ em thường không cần đến một số lượng vitamin lớn. Ngoài ra, đa số các thức ăn của các em thí dụ như cereal, bánh mì, sữa... đều được cho thêm vitamins. Do đó, ít khi nào các em cần phải uống thêm vitamins. Nếu bạn nghĩ rằng cháu cần uống thêm vitamins, nên nói chuyện với bác sĩ của cháu.
Nên nhớ rằng có một vài loại vitamins khi uống quá liều có thể gây ra tai hại, thí dụ như vitamin A hay D. Khi cho các em uống thuốc bổ, chỉ nên mua loại dành riêng cho trẻ em và không uống quá liều căn dặn trên nhãn. Nên cất kỹ vitamins đừng để các em lấy uống vì tưởng là kẹo.
Vitamin D là một loại vitamin thường được nhắc đến gần đây. Lý do là nhiều nghiên cứu cho rằng trẻ em ở Mỹ có thể bị thiếu viatamin D khiến xương không được phát triển tốt.
Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyên nên cho uống ít nhất là 200 đơn vị IU vitamin D nếu đứa nhỏ:
- Không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên.
- Không uống ít nhất là 17 oz sữa hay nước juice có cho thêm vitamin D mỗi ngày.
- Ăn chay.
Theo viendongdaily
Comment