Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Đau thần kinh tọa (Sciatica)

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đau thần kinh tọa (Sciatica)

    Đau thần kinh tọa (Sciatica)




    BS. Nguyễn Thị Nhuận/Viễn Đông



    Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe đến chữ “thần kinh tọa” hoặc biết một người nào đó bị khổ sở vì “đau thần kinh tọa”. Thần kinh tọa là sợi dây thần kinh dài nhất trong cơ thể chúng ta, bắt đầu từ cột sống đi ngang mông xuống phía sau nguyên chiều dài chân. Và “đau thần kinh tọa” là chứng đau nhức – nhiều khi đau khủng khiếp – dọc theo chiều dài của sợi dây thần kinh này.


    “Đau thần kinh tọa” thật ra không phải là một “bệnh” mà là một triệu chứng gây ra khi sợi thần kinh tọa bị một vấn đề nào đó, thí dụ như “thoát vị dĩa sống” chẳng hạn.


    * Triệu chứng


    - Đau từ lưng dưới xuống mông và xuống phía sau chân.

    - Cảm giác đau có thể từ chỉ nhức một chút tới đau dữ dội, nóng rát rất khó chịu. Đôi lúc cái đau giống như một luồng điện giựt. Mỗi lần bệnh nhân ho hay hắt hơi hoặc ngồi lâu sẽ thấy đau nhiều hơn.

    - Thường chỉ một bên chân bị đau.

    - Tê hay yếu bắp thịt dọc theo đường thần kinh nơi chân và bàn chân. Đôi khi bệnh nhân có thể bị đau ở một chỗ và tê ở một chỗ khác.

    - Cảm giác kiến bò hay kim châm thường xảy ra ở ngón chân hay một phần bàn chân.

    - Không kiểm soát được bọng đái hay ruột già. Đây là một triệu chứng ít thấy nhưng là khẩn cấp, cần phải được khám nghiệm ngay.

    - Tùy theo nguyên nhân, bệnh nhân đau thần kinh tọa có thể bị hủy hoại dây thần kinh vĩnh viễn đưa tới mất cảm giác và cử động ở chân cũng như mất kiểm soát bọng đái và ruột.


    * Nguyên nhân


    Thần kinh tọa điều khiển nhiều bắp thịt của phần chân dưới và truyền những cảm giác từ đùi, chân và bàn chân.
    Đau thần kinh tọa xẩy ra khi gốc thần kinh này bị kẹt nơi phần xương sống dưới, thường là do một đĩa sống bị thoát vị đè lên. Đĩa sống là những dĩa sụn nằm giữa các đốt xương sống, giúp cho xương sống linh động, và hấp thu chấn động vào xương sống khi chúng ta di chuyển.

    Khi chúng ta có tuổi, những dĩa sụn này bị thoái hóa, trở thành khô hơn, hẹp lại và mỏng manh hơn. Cuối cùng, màng bao bằng chất sợi chắc chắn bên ngoài đĩa sụn bị rách những chỗ nhỏ li ti, khiến chất sụn giống như chất keo rỉ ra, gọi là thoát vị (herniation) hay vỡ ra (rupture). Đĩa sụn vỡ này sẽ đè lên gốc các dây thần kinh, gây ra đau đớn ở lưng, chân. Nếu đĩa sụn này nằm ở lưng giữa hay dưới, bệnh nhân có thể bị tê, cảm giác kiến bò hay yếu phần mông, chân hay bàn chân.


    Những nguyên nhân khác gồm có:

    - Phần rỗng bên trong cột xương sống chứa tủy sống là hệ thần kinh nối liền óc và cơ thể qua những dây thần kinh phát xuất từ tủy sống. Khi ống tủy bị hẹp lại ở một chỗ nào đó, tủy sống và các sợi dây thần kinh bị đè lên, gây ra triệu chứng đau nhức và tê kể trên.

    - Khi dĩa sống bị thoái hóa, đốt xương sống bị trượt ra trước đè lên dây thần kinh tọa.

    - Bắp thịt piriformis bắt nguồn từ cột sống phía dưới và chạy ngay phía trên dây thần kinh tọa, nối với xương đùi. Khi bắp thịt này bị co thắt quá chặt, nó sẽ đè lên thần kinh tọa gây ra đau. Cái đau này sẽ không đi tới dưới đầu gối. Ngồi lâu, bị tai nạn xe hơi hay té ngã cũng có thể gây ra chứng này.

    - Bướu tủy sống: bướu có thể mọc bên trong tủy sống, phía trong màng bao hoặc có thể mọc giữa tủy sống và thành ống tủy, đè lên tủy sống hay các dây thần kinh.

    - Chấn thương vào cột sống cũng có thể gây ra đau thần kinh tọa.

    - Bác sĩ có thể không tìm ra nguyên nhân nào cả.


    * Yếu tố dễ gây bệnh


    - Tuổi càng cao càng dễ bị bệnh do sự thoái hóa kể trên. Chúng ta thường bắt đầu có những thay đổi nơi đĩa sụn vào tuổi 30 và đa số bệnh nhân bắt đầu bị thoát vị đĩa sống vào tuổi 30 tới 40.

    - Việc làm nào đòi hỏi chúng ta phải vặn lưng, khiêng nặng hay lái xe quá lâu đều dễ làm ta bị bệnh.

    - Thường ngồi quá lâu hay ít hoạt động cũng dễ bị bệnh.

    - Bệnh tiểu đường làm dây thần kinh dễ bị hư hoại, gây bệnh.


    * Khi nào nên đi khám bệnh?


    - Đau thần kinh tọa nhẹ thường tự hết sau một thời gian ngắn. Nếu kéo dài quá 4 tuần hay nặng hơn lên, nên đi khám bệnh.

    Gọi bác sĩ hay đi khám ngay lập tức nếu có những triệu chứng sau:

    - Bất thình lình bị đau dữ dội nơi lưng dưới hay chân, và tê, yếu chân.

    - Bị đau sau một tai nạn nặng.

    - Không kiểm soát được bọng đái hay ruột.


    * Định bệnh


    Bác sĩ thường dùng những cách sau để định bệnh đau thần kinh tọa và tìm nguyên nhân:

    - Bệnh sử và khám nghiệm thần kinh lâm sàng

    - Chụp quang tuyến X

    - MRI hay CT scan


    * Chữa trị


    - Sơ khởi là những chữa trị bệnh nhân có thể tự làm như đắp lạnh (24 giờ đầu) hay nóng (sau 24 giờ đầu), tập làm giãn gân và bắp thịt (stretching), vận động thân thể, uống thuốc giảm đau mua tự do.

    - Bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ cho đi tập thể lý trị liệu (physical therapy) hay cho toa mua thuốc giảm đau mạnh hơn.

    Nếu vẫn không hết bệnh, bác sĩ có thể dùng những cách khác như:

    - Chích thuốc steroid vào vùng tủy sống để làm giảm viêm (inflammation), có thể làm bớt đau nhiều nhưng cũng chỉ ngắn hạn. Chất steroid có thể gây ra vài tác dụng phụ nguy hiểm nên thuốc chỉ được dùng không quá 3 lần mỗi năm.

    - Giải phẫu cắt bớt phần dĩa sống bị thoát vị.

    - Bệnh nhân có thể muốn thử những phương pháp trị liệu khác như châm cứu, nắn xương (chiropratic), xoa bóp, thôi miên...


    * Phòng ngừa


    - Vận động thân thể thường xuyên, nhất là tập những bắp thịt vùng bụng và lưng dưới.

    - Giữ vị trí thân thể thẳng khi ngồi và ngồi trên ghế có chỗ dựa nâng đỡ xương hông và chỗ cong của xương sống. Chỗ ghế ngồi không đè lên đằng sau bắp đùi hay đầu gối.

    - Khi ngồi làm việc với máy điện toán, nên ngồi sao cho hai bàn chân nằm thẳng trên sàn, hai cánh tay để thoải mái trên bàn hay cánh tay ghế, khuỷu tay gập đúng góc. Nên thỉnh thoảng ngưng làm việc để đứng lên vận động.

    - Khi ngồi lái xe nên điều chỉnh ghế sao cho hông và đầu gối ngay hàng, tránh ngồi xa và với chân đạp lên chân gas.

    - Tránh khiêng vật nặng quá sức mình. Khi nhấc vật nặng, nên gập đầu gối thay vì cúi lưng và mang vật đó ngang phần thắt lưng, gần với thân mình. Đừng nhấc lên khỏi đầu hay cúi quá xa. Đừng quay người ngay thắt lưng mà quay ở bàn chân.



    ViễnĐôngDailynews






Working...
X