Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Truyền bí phương thuốc 'thổi' của người Vân Kiều

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyền bí phương thuốc 'thổi' của người Vân Kiều

    Quanh các bản làng của người Vân Kiều vùng cao Quảng Trị, các “thầy” vẫn âm thầm lưu truyền phương thuốc bí ẩn thổi giải độc, thổi gẫy tay, cầm máu...
    Trời tối mịt, bà Chơn (tên thật Hồ Ta Pưng, 60 tuổi, ở bản Kớp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa - Quảng Trị) mới cắt rừng trở về nhà, trên tay cầm nắm lá cây để chuẩn bị “thổi” giải độc cho một thanh niên chờ sẵn. Anh Hồ Cất (25 tuổi), người cùng bản, 3 ngày trước không may bị rắn cắn vào bàn tay khiến toàn thân đau nhức, cánh tay sưng rộp, chữa miết không khỏi...

    Bà Chơn đang thổi độc cho anh Hồ Cất. Ảnh: Xuân Trường.

    Bà Chơn không nói nhiều, chăm chú nhìn anh trai bản, rồi vào nhà lấy ra khay đựng một chai rượu, một tấm vải, hai cái bát, một cây đăng làm bằng sáp ong rừng và tháo chiếc vòng bạc ở cánh tay phải đặt xuống dưới khay... Sau đó, bà lầm rầm niệm chú, ngấp ngụm rượu, lấy cây đăng bỏ vào miệng, hơ hơ vào chiếc lá rồi cứ thế vừa xoa lá, vừa phun rượu vào vết thương của chàng trai.

    Buổi trị độc kéo dài gần nửa tiếng. Bà Chơn hết niệm chú lại phun rượu, hơ lửa, tổng cộng cả chục lần. “Mai mày phải đến tiếp nhé, một ngày ba lần. Độ hai ba ngày nữa là mày khỏi thôi” - bà dặn anh thanh niên.

    Nếu khách không phải là người trực tiếp chứng kiến cảnh “thổi” độc này, thì có cạy răng bà cũng không tiết lộ với người ngoài chuyện trong nghề. Bà Chơn bảo: "Cái lá đó tác dụng làm tan máu, cầm vết thương, còn lành hay không là ở câu chú niệm trong miệng. Trước và sau mỗi lần niệm đó phải làm lễ, mời ông bà tổ tiên về phù giúp, để lời chú đó công năng mạnh nhất".

    Bà nói tiếp, khẽ khọt như sợ ai nghe thấy “Cái lá này cũng dễ kiếm thôi. Nó là lá từ bi có mùi hơi hôi. Mỗi thầy có lá khác nhau nhưng lá từ bi vẫn được dùng phổ biến”. Mỗi lần lấy lá từ bi, bà Chơn phải cắt rừng từ sớm có khi đến tối mịt mới về.



    Lá cây từ bi, vật không thể thiếu khi "thổi" độc, thổi gẫy tay, đình sản... của người Vân Kiều. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Gần 60 mùa rẫy qua, bà Chơn được dân bản nhắc đến như “nữ chúa”, người kỳ cựu nhất còn sót lại của phương cách thổi giải độc bí truyền. Chẳng ai nhớ nổi đã có bao nhiêu người đến gặp bà để được “thổi” giải độc, cứu sống. Nhưng có điều ngay cả người Kinh lên trồng cao su, làm kinh tế khi bị độc, gẫy tay cũng tìm đến.

    “Thổi giải độc chỉ những người trong nhà mới truyền được cho nhau. Một người chỉ truyền lại cho hai người mà thôi. 10 tuổi, tau được học rồi, phải kiêng kị nhiều năm. Ít là 3 năm, nhưng muốn hiệu nghiệm thì phải kiêng đến suốt đời”, bà Chơn bật mí.

    Xuôi theo quốc lộ 9 đến những bản làng huyện Đăkrông (Quảng Trị), chuyện về thầy thổi độc, thổi gẫy tay... không quá xa lạ với người dân nhưng đó chỉ là phương thuốc dân gian.

    Ông Hồ Văn Thương (47 tuổi), Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Mò Ó (Đăkrông) quả quyết: “Mình là cán bộ không tin những chuyện mê hoặc nhưng đúng là nếu không có các thầy 'thổi gẫy tay' (gọi chung về gẫy tay chân, xương khớp) thì đến giờ chắc mình không đi lại bình thường được”.

    Hơn 13 năm trước, ông Thương về bản công tác gặp tai nạn, cả người và xe rớt từ trên cầu ở độ cao hơn 15m xuống khiến chân bị gẫy nặng. Gần nửa năm điều trị tại bệnh viện Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, bệnh tình thuyên giảm nhưng các cơ hầu hết bị tong teo, không thể đi lại được. May mắn, ông được “thầy” Dã Hoa (bản Phú Thiền, Mò Ó), người trong họ hàng đến dùng lá từ bi, rượu “thổi” sau chừng nửa tháng thì lành hẳn, đi lại bình thường.



    Ông Hồ Văn Thương và vết thương ở chân được chữa khỏi nhờ thầy “thổi”. Ảnh: Nguyễn Đông.
    Mới đây, con trai của ông Thương là Hồ Văn Linh (23 tuổi) trong lần đi chặt cây rừng vô tình bị rựa phang làm đứt gân chân. Chạy chữa đủ nơi không lành, ông Thương mới nhớ lại “thầy” Dã Hoa đợt trước liền tức tốc đưa con đến nhờ “thổi”. Cũng chỉ hơn 2 tuần, Linh lành gân, tiếp tục công việc rừng rẫy của mình. “Dù là người bản địa nhưng phải hai lần trực tiếp chứng kiến như thế mình mới tin vào tác dụng của “thổi gẫy tay” - ông Thương nói.

    Trên bản Phú Thiền hiện chỉ còn 2 - 3 “thầy” có tiếng tăm như Hồ Văn Tiên, Hồ Văn Lai... Thầy Lai tâm sự: “Đã là người Vân Kiều thì chỉ có cách 'thổi' chung như thế, nhưng linh nghiệm, nhanh lâu thế nào thì tùy thuộc vào phép của các 'thầy'".

    Chẳng hạn, người muốn truyền “thổi” phải ăn các loại con còn sống và có đầu nhưng phải kiêng ăn các loại cá chìm (sống dưới bùn đất: chình, lươn, trê...); đồng thời kiêng ăn thịt cầy, mè, gà rừng và các loại thú, bò sát dữ...; không được dùng tay bẻ cây rừng mà chỉ được dùng rựa, dao chặt cành...

    Theo bà Chơn: “Khó nhất là học các câu thần chú. Mỗi câu phải mất ít nhất gần nửa năm mới học được. Đúng ngày rằm các tháng phải ôn luyện. Vừa kiêng vừa học, nếu vi phạm chỉ một điều cấm kỵ thì mọi phép thổi sẽ mất hết, không học lại được nữa”. Khóa học đặc biệt này kéo dài đến tận 3 năm.

    Ông Phan Văn Lực - Chủ tịch UBND xã Mò Ó, cho biết: “Chuyện người được 'thổi' khỏi bệnh là có thật nhưng vẫn chưa có cơ sở nào nghiên cứu một cách khoa học. Trước đây do y học chưa được phổ biến ở bản làng, người dân dùng các cách dân gian để chữa trị. Giờ phát triển rồi, nên họ cũng đến các cơ sở y tế để điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng".

    Còn ông Lâm Trí Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, nhận xét: "Trước đây, ở những bản làng xa, điều kiện y tế khó khăn, người dân vẫn tìm đến với các phương thuốc dân gian như thổi gẫy tay, cầm độc, đình sản... Nhưng giờ không phổ biến nữa rồi. Một số trường hợp gẫy tay, chân không nghiêm trọng, họ vẫn để ở nhà, nhờ các thầy 'thổi' và khỏi đau là có thật. Nhưng với bệnh nặng như gẫy xương đùi, chấn thương sọ não thì không chữa được, phải mang đến các cơ sở y tế điều trị. Chúng tôi thường xuyên phổ biến, vận động để người dân đến với các cơ sở y tế này, phòng những trường hợp bất trắc”, ông nói.

    Nguyễn Đông – Xuân Trường
    .......Thiện căn ở tại lòng ta......
    Chữ tâm kia mới băng ba chữ tài
Working...
X