'Tống khứ' mùi hôi chân
Đôi chân xinh có thể trở thành môi trường sống lý tưởng cho vi khuẩn. Những sản phẩm do lũ vi khuẩn đáng ghét này thải ra chính là đôi chân “bốc mùi” của mình. Khi mang giày, chân đổ mồ hôi nhiều hơn, kết quả là vi khuẩn càng được “chiêu đãi” lượng thức ăn dồi dào.
Mùi hôi ở chân còn có thể xuất phát từ việc chân bị nhiễm nấm mà không được chữa trị đúng cách. Những người bị tiểu đường hay mắc bệnh tim và những người lớn tuổi thường có xu hướng bị nhiễm trùng ở chân và khiến cho đôi bàn chân “có mùi” vì khả năng lưu thông máu ở chân kém.
Làm gì khi chân “bốc mùi”?
Bạn nên thử áp dụng một số biện pháp sau để khử mùi hôi chân:
- Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm cùng với xà phòng khử mùi hoặc diệt khuẩn.
- Nếu bị bệnh nấm chân hay nấm móng, nên dùng máy sấy tóc để sấy khô đôi chân sau mỗi lần rửa hoặc khi chúng bị ẩm ướt. Điều này giúp phòng tránh được nguy cơ nhiễm trùng cũng như hạn chế độ ẩm ở chân.
- Rắc phấn bột lên chân trước khi mang vớ hoặc giày. Phấn bột sẽ hấp thu mồ hôi, vốn là nguyên nhân gây mùi hôi.
- Thay vớ hàng ngày và luôn sử dụng vớ sạch. Vớ sau khi thay ra phải được giặt sạch, phơi nắng và để nơi thoáng khí trước khi mang trở lại. Loại vớ làm bằng chất liệu cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt hơn, giúp chân được thoáng, không bị bí hơi và “tỏa” mùi.
- Chọn những đôi giày có lưới, thoáng hoặc sandal để chân được “thở”.
- Giặt sạch những đôi giày thể thao (ít nhất mỗi tháng một lần).
- Để giày ở những nơi có ánh sáng và thông thoáng. Không đặt chúng trong tủ tối, kín bởi vì đây chính là những khu vực mà vi khuẩn rất yêu thích.
- Đặt những chiếc túi thơm có tác dụng khử mùi vào những chiếc giày sạch. Bạn có thể sử dụng loại túi thơm có chứa thảo dược như cây tuyết tùng hoặc chứa hỗn hợp khoáng chất zeolite. Đây là khoáng chất tự nhiên của núi lửa có khả năng hút mùi. Sau khi đặt vào giày, hãy mang những chiếc túi thơm ra phơi nắng trong khoảng 6 giờ để khử hết mùi hôi đã bám vào túi.
- Mua những miếng lót giày có công dụng khử mùi. Thay chúng thường xuyên sau khoảng 3 đến 6 tháng.
- Giặt sạch miếng lót có thể tháo rời ra được của giày sau mỗi lần mang. Điều này cũng giúp cho phần đế bên dưới được khô ráo hơn, không bị đọng mồ hôi.
Mùi hôi ở chân còn có thể xuất phát từ việc chân bị nhiễm nấm mà không được chữa trị đúng cách. (Ảnh minh họa).
Một số phương pháp đơn giản để giữ sạch đôi chân:
- Ngâm chân bằng nước trà đen. Hãm một ít trà đen vào trong nước sôi, để khoảng 15 phút rồi pha thêm nước sạch vào. Dùng nước này để ngâm chân trong vòng 30 phút. Lượng a-xít tanic dồi dào trong trà đen sẽ giết chết vi khuẩn và làm se khít lỗ chân lông, giúp chân ít đổ mồ hôi hơn.
- Tạo khả năng khử mùi cho chân bằng cách ngâm đôi chân của bạn vào trong chậu nước ấm có pha thêm giấm. Để tăng thêm hiệu quả, bạn nên cho thêm vài giọt tinh dầu cỏ xạ hương vào chậu nước. Loại tinh dầu này có khả năng khử trùng mạnh mẽ nên sẽ tiêu diệt tận gốc những vi khuẩn gây mùi. Hãy dùng loại nước này ngâm chân từ 15 đến 20 phút, mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, nếu chân có vết thương hở hoặc vùng da bị tổn thương thì bạn không được áp dụng phương pháp này.
- Tinh dầu hoa oải hương không chỉ mang lại mùi thơm dễ chịu mà còn có tác dụng diệt khuẩn. Trước khi đi ngủ, bạn chỉ cần xoa vài giọt lên chân và mát-xa nhẹ nhàng để tinh dầu thấm vào da. Trước khi áp dụng phương pháp này, nên kiểm tra mức độ kích ứng của da bằng cách thử thoa tinh dầu lên một vùng da nhỏ.
- Hòa 2 tách muối sunfat magierium vào nửa chậu nước ấm. Mỗi ngày hai lần, bạn dùng nước muối này để ngâm chân. Muối sunfat magierium hoạt động như một chất làm se giúp hạn chế việc đổ mồ hôi chân và còn tiêu diệt được vi khuẩn.
- Bột soda cũng có tác dụng trung hòa mùi hôi. Trong khi đó, bột bắp sẽ giúp hấp thu lượng hơi ẩm ở chân.
Theo PNO