Bệnh khớp: Giảm đau vẫn chưa đủ!
Trong tất cả bệnh khớp, từ viêm khớp dạng thấp cho đến bệnh gout, vấn đề cốt lõi là làm sao giảm đau để trả lại cho bệnh nhân chất lượng của cuộc sống. Nhưng làm thế nào để giảm đau an toàn?
Thừa thuốc nhưng vẫn bệnh!
Có một điều rõ ràng nghịch lý khi bàn về bệnh khớp. Đó là hiện nay không thiếu thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. Thuốc thậm chí hiệu quả hơn xưa rất nhiều nhờ tác dụng vừa nhanh, vừa mạnh. Nhưng số bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị vẫn là thiểu số!
Đáng nói hơn nữa là số trường hợp cứng khớp, thoái hóa khớp lại tăng! Điều đó cho thấy giải pháp không thể chỉ khu trú với thuốc giảm đau cấp kỳ, thuốc kháng viêm đời mới.
Trong tất cả bệnh khớp, vấn đề cốt lõi là làm sao giảm đau, để người bệnh đừng bị giới hạn vận động trong sinh hoạt đời thường. Nhưng quan trọng không kém là tác dụng giảm đau phải đồng thời an toàn, thay vì phải đánh đổi bằng phản ứng phụ trên đường tiêu hóa như với thuốc trị bệnh khớp bằng hóa chất tổng hợp, nhất là với đối tượng đã có tiền căn viêm loét dạ dày.
Trong tất cả bệnh khớp, vấn đề cốt lõi là làm sao giảm đau, để người bệnh đừng bị giới hạn vận động trong sinh hoạt đời thường
Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, thầy thuốc đang có trong tay nhiều hoạt chất sinh học tuy tác dụng có thể hòa hoãn hơn hóa chất tổng hợp nhưng mặt khác an toàn hơn khi dùng dài lâu.
Một ví dụ cụ thể là curcumin - hoạt chất chủ yếu trong nghệ, ở hàm lượng cao có tác dụng vừa giảm đau thông qua tác dụng ức chế các tác chất sinh đau như prostaglandin, arachidon… vừa kháng viêm bằng cách hưng phấn hoạt động của tuyến thượng thận, đồng thời bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Thầy thuốc y học cổ truyền đã không vô cớ đặt tên cho nghệ là uất kim, là thuốc trị đau quý như vàng!
Kháng viêm không cần hóa chất
Không dễ chữa bệnh khớp nhưng giải pháp hoàn toàn trong tầm tay nếu đừng quên trở về với thiên nhiên để áp dụng hoạt chất sinh học trong dược thảo chọn lọc cho mục tiêu toàn diện, vừa trị bệnh khớp, vừa bảo vệ khớp, vừa giải độc cho cơ thể.
Kế đến, phản ứng viêm tấy xuất hiện trong bệnh khớp sở dĩ nghiêm trọng chính vì sự hiện diện của các chất sinh viêm được phóng thích ngay từ ổ viêm với tác dụng xói mòn mặt khớp, gây cục máu đông trong khớp, thúc đẩy hiện tượng dị ứng quanh khớp…
Nếu có cách nào phân giải các thành phần này trước khi khớp bị tổn hại thì đó không chỉ là giải pháp kháng viêm hiệu quả mà đồng thời là biện pháp phòng ngừa di chứng như cứng khớp, thoái hóa, biến dạng khớp…
Giải pháp đã được phát hiện là áp dụng các men phân giải chất đạm, như bromalin trong trái thơm, papain trong đu đủ... với tác dụng vừa kháng viêm vừa hỗ trợ hệ miễn dịch qua tác động tổng hợp kháng thể chống viêm khớp, vừa góp phần giải độc cho cơ thể bằng cách tăng đầu ra của các phế phẩm hại khớp như acid uric, acid lactic…
Thầy thuốc ở nhiều nước châu Âu ắt hẳn có lý do chính đáng khi kết hợp bromalin và papain trong chế độ dinh dưỡng của vận động viên chuyên nghiệp, người cao tuổi, đối tượng lao động nặng, nhân viên văn phòng ngồi nhiều giờ trước máy vi tính…
Bên cạnh đó, đừng quên nguyên tắc “Phù chính khu tà” của Đông y vì đặc biệt có giá trị trong điều trị bệnh khớp. Kháng viêm, giảm đau, chống thoái hóa là mục tiêu tất nhiên trong điều trị bệnh khớp, nhưng cho dù có được như thế, vẫn chưa toàn diện. Khớp muốn khỏe mạnh, muốn dẻo dai, bên cạnh dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc của khớp, cần được tăng cường sức đề kháng trước độc chất của môi trường ô nhiễm, hóa chất công nghệ, vi khuẩn, nấm mốc… thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu giảm đau kháng viêm.
Bên cạnh thành phần dồi dào chất đạm, sinh tố và khoáng tố, các sản phẩm của loài ong bao gồm mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa là dược liệu lâu đời trong tất cả nền y học dân gian đã có mặt trong phác đồ điều trị bệnh lý hệ vận động.
Kinh nghiệm đó đã được xác minh tính hữu dụng dưới lăng kính y học từ khi các nhà nghiên cứu phát hiện các hoạt chất kháng khuẩn diện rộng, gia tốc tiến trình làm lành vết thương, nuôi dưỡng đầu xương và bảo vệ mặt khớp của các thành phần này.
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Dân Việt
Dân Việt