Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Gout - Bệnh Thống Phong (Kỳ 2)

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gout - Bệnh Thống Phong (Kỳ 2)

    Gout - Bệnh Thống Phong (Kỳ 2)


    Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.


    Hỏi:

    -Làm sao để biết là bệnh gao hay bệnh mòn xương?

    -Tôi bị bệnh gút đã lâu, bệnh cứ tái đi tái lại hoài, có cách nào để bớt các cơn này hay không? Nên ăn uống như thế nào để bớt bị lên cơn đau?



    Ðáp:



    Làm sao để chẩn đoán gout?



    Các triệu chứng như đã kể trong kỳ trước, với bệnh sử của một cơn đau cấp tính ở một khớp, sau đó với một giai đoạn không bị đau gì cả, là một tính chất đặc hiệu giúp chẩn đoán gout.

    Bác sĩ có thể hút dịch khớp đang bị đau để coi trên kính hiển vi. Nếu nhìn thấy hình ảnh của tinh thể urate, đây là điều giúp khẳng định chẩn đoán. Tinh thể muối urate trong các cục sạn khớp cũng là một yếu tố khẳng định cho bệnh gout. Trong cơn đau cấp tính, các tinh thể sạn urate thường hiện diện bên trong tế bào bạch cầu. Tuy nhiên, các tinh thể này có thể xuất hiện ngay cả khi khớp không có dấu hiệu của cơn viêm khớp cấp tính.



    Các phương cách điều trị gout



    Việc điều trị cần được quyết định bởi bác sĩ sau khi thăm khám bệnh nhân cẩn thận để có cách trị hiệu quả nhất mà ít bị biến chứng hoặc các phản ứng phụ nhất.

    Nói chung có hai việc chính trong việc trị gout: trị các cơn viêm cấp tính và phòng các cơn đau này. Ðiều quan trọng là phải biết phân biệt thuốc nào dùng để làm gì, vì nếu dùng không đúng chỗ, nó sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn, mà có khi còn có hại.



    Trị các cơn viêm cấp tính



    Các cơn viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) rất kinh khủng của bệnh gout có thể được trị một cách hiệu quả với một hay nhiều loại thuốc cùng lúc. Dùng thuốc càng sớm thì tác dụng giảm viêm đau sẽ xảy càng nhanh chóng. Việc lựa chọn thuốc men thường phụ thuộc vào tình trạng riêng của từng bệnh nhân để tránh các tác dụng phụ có thể nguy hiểm của thuốc, ví dụ như tình trạng của thận, của bao tử...

    Các thuốc thường dùng cho mục đích này là các thuốc chống viêm không có steroid (NSAIDs), thuốc colchicines và các thuốc chống viêm nhóm steroid.



    Các thuốc chống viêm không có steroid (NSAIDs)



    Ðây là các thuốc như Ibuprofen (Motrin, Advil, Exedrin IB, Dolgesic, Genpril...), Indomethacin (Indocin, Indochron...), Naproxen, vân vân. Các thuốc này thường được dùng ở bệnh nhân không có tiền sử bị bệnh thận, gan, các bệnh loét đường ruột, các rối loạn về chảy máu, hoặc không đang dùng các thuốc chống đông máu như là Warfarin (Coumadin).

    Ở các bệnh nhân không bị bệnh bao tử nhẹ, có thể thử dùng loại NSAIDs ít ảnh hưởng bao tử như là Celebrex. Ngoài ra, ở các trường hợp này, bác sĩ có thể cho kèm các thuốc giúp bảo vệ bao tử (như Prilosec, Misoprostol).



    Colchicine



    Colchicine (Colcrys) là thuốc đã được dùng lâu năm trong việc điều trị gout, tương đối rất hiệu nghiệm và an toàn (nếu dùng đúng chỉ định và đúng cách).

    Thuốc này, không làm gia tăng nguy cơ bị loét bao tử, không ảnh hưởng đến thận (nếu dùng đúng liều), không tương tác với các thuốc chống đông máu. Tác dụng phụ hơi khó chịu (nhưng thường không nguy hiểm) của nó là gây ra tiêu chảy (do đó ta có thể cứ dùng, nếu bị tiêu chảy thì tạm ngưng). Ðôi khi, nó có thể làm đau quặn bụng (crampy abdominal pain), buồn nôn, ói mửa (các tác dụng phụ này ít gặp hơn).

    Các dùng an toàn của thuốc này là qua đường uống. Truyền tĩnh mạch thuốc này nó nhiều tác dụng phụ có thể nguy hiểm hơn nhiều.

    Như các loại thuốc khác, khi dùng thuốc, cần nghe kỹ và làm theo các căn dặn của bác sĩ. Sợ quá, không uống thuốc đúng liều để chịu đau không cần thiết cũng không tốt. Ðau quá, thành ẩu, uống quá liều lại càng nguy hiểm.



    Cortisone



    Các thuốc trong nhóm này rất hiệu quả trong việc chống viêm. Tuy nhiên, nó có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm (gây loãng xương, gây tiểu đường, cao huyết áp, cườm mắt, rối loạn tâm thần...) nếu bị lạm dụng. Vì vậy, nó chỉ được dùng khi các thuốc nói trên không đủ hiệu quả hay không thể dùng được cho các bệnh nhân với các tình trạng đặc biệt. Một điểm yếu nữa của thuốc này là khi ngưng dùng hoặc giảm liều các thuốc này, các cơn tấn công cấp tính thường tái phát.

    Thuốc này có thể dùng bằng đường uống hay chích vào bắp thịt hay chích thẳng vào khớp đang bị đau. Cách dùng tương đối có tác dụng nhanh và ít bị tác dụng phụ hơn, là chích thẳng vào khớp. Nếu không bị lạm dụng, chỉ dùng khi cần thiết, với liều vừa đủ và ngắn ngày, thuốc tương đối an toàn. Dùng quanh năm suốt tháng mỗi khi bị đau là điều không nên, vì có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như vừa kể trên.



    Phòng các cơn viêm cấp tính xảy ra thường xuyên



    Ðể phòng các cơn đau cấp tính tái phát hoặc xảy ra quá thường xuyên, cần phải dùng các loại thuốc nhằm mục đích này, như bác sĩ dặn. Không nên thấy hết đau (là “khỏe rồi”), lại ngưng thuốc. Các cơn đau sẽ mau tái phát hơn, và sau một thời gian sẽ trở thành liên tục, với các biến chứng ở thận, và đóng sạn (như đã kể kỳ trước), khó chữa hơn rất nhiều, hoặc không thể chữa khỏi hẳn được.

    Thuốc đầu tiên được dùng trong mục đích này, cũng có thể là thuốc Colchicin kể trên, liều thấp hơn, dùng đều đặn hàng ngày. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức uric acid trong máu, khi mức này giảm đến độ an toàn cần thiết sau vài tháng, bác sĩ sẽ khuyên ta tạm ngưng thuốc.

    Ngoài ra, ta cũng cần dùng các thuốc để làm giảm mức acid uric trong máu (như Probenecid, Sulfinpyrazone, Allopurinol...). Thời gian dùng các thuốc này thường cần phải kéo dài, bác sĩ sẽ theo dõi mức uric acid trong máu để điều chỉnh liều. Nếu tự động ngừng, các cơn đau cấp tính có thể sẽ tái phát.

    Một số cách ăn uống, tránh những chất có thể làm cơ thể sản sinh ra nhiều urate (như các loại đồ lòng, gan, tim,..., tránh bia, rượu, vân vân, cũng có thể giúp ích một phần, tuy nhiên kết quả thường khiêm tốn, và nói chung khó có thể thay thế thuốc men.

    Tránh các yếu tố có thể kích thích các cơn bộc phát cấp tính (đã kể trong kỳ trước) cũng là điều cần chú ý.



    Tóm tắt



    Gout là một bệnh viêm khớp rất khó chịu, không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh quá khó chữa. Ðiều cần thiết là phải biết uống thuốc đúng cách. Không phải khi đau mới cần uống thuốc. Uống thuốc phòng các cơn gout cũng là điều rất cần thiết. Ăn uống cũng có thể giúp ích một phần, nhưng thường không thể thay thế các thuốc vừa hiệu quả, tương đối an toàn, mà lại rẻ tiền.

    Bên cạnh việc uống thuốc đúng và theo dõi bệnh thường xuyên với bác sĩ, luôn có sẵn thuốc để uống liền khi cơn đau mới bắt đầu, sẽ rất có ích để tránh các cơn đau quá đáng không cần thiết.

    Thân mến


    Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
    nguyentranhoang.com (Theo báo Người Việt)






Working...
X