Bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em.
BS. Nguyễn Thị Nhuận/Viễn Đông
Sống ở thế giới đầy những dư thừa như xứ Mỹ này, người ta dễ bị mắc những bệnh gây ra do chính những dư thừa ấy. Trẻ em cũng không qua khỏi lệ thường này, chúng bị mắc một bệnh mà trước kia chỉ thường thấy ở người lớn: bệnh tiểu đường loại 2.
Nguyên nhân chính của bệnh này chính là chứng mập phì, càng ngày càng xẩy ra nhiều ở trẻ em.
* Triệu chứng
Bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em có thể phát triển từ từ khiến một số em không có triệu chứng gì cả. Các em khác có thể có những triệu chứng sau:
- Khát nước và đi tiểu nhiều: Chất đường lên cao trong máu, hút nước từ các mô tế bào khiến người bệnh bị khát nước. Họ sẽ uống rất nhiều nước và do đó đi tiểu rất nhiều.
- Lúc nào cũng đói: Vì cơ thể không làm ra đủ chất insulin là chất giúp đem đường vào các tế bào, bắp thịt và các cơ quan bị thiếu năng lượng, khiến người bệnh thấy đói.
- Xuống cân: Dù ăn rất nhiều do lúc nào cũng thấy đói, người bệnh lại xuống cân vì các tế bào không có được lượng đường cần thiết khiến các bắp thịt , mô chất béo bị co lại.
- Mệt mỏi: Do tế bào không có chất đường để làm ra năng lượng, người bệnh bị mệt mỏi, bực bội.
- Mắt bị mờ: Chất đường trong máu quá cao, hút nước từ thủy tinh thể của mắt khiến mắt không làm việc tốt được.
- Vết thương lâu lành và dễ bị nhiễm trùng: Bệnh tiểu đường khiến cơ thể giảm khả năng làm lành các vết thương và chống lại vi trùng.
- Da có những vùng bị sậm đen: Vùng nách và sau cổ thường bị sậm đen lại, đây là dấu hiệu cơ thể kháng chất insulin.
* Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi con em bạn có những tình trạng dễ bị tiểu đường loại 2, bạn nên cho con đi khám bệnh dù cháu chưa có triệu chứng tiểu đường. Ngăn ngừa sớm sẽ đề phòng được bệnh. Những tình trạng này gồm có:
- Có chỉ số BMI (body mass index, tức tỉ lệ giữa cân nặng và chiều cao) trong mức 85% trở lên. Bác sĩ có thể cân đo em rồi tính ra BMI theo công thức có sẵn.
- Có anh em, cha mẹ, ông bà hay chú bác cô dì bị bệnh tiểu đường loại 2.
- Thuộc giống dân da đen, da đỏ, gốc Á châu hay Thái Bình Dương.
- Có da sạm đen ở những vùng cổ và nách.
Nếu các em đã có triệu chứng bệnh tiểu đường loại 2 như đã kể trên, nên nói chuyện với bác sĩ va đem em đi khám bệnh ngay.
* Nguyên nhân
Bệnh tiểu đường xẩy ra khi cơ thể chống lại chất insulin hoặc tụy tạng của bệnh nhân không làm ra đủ chất insulin. Nguyên nhân vì sao thì chưa rõ. Tuy nhiên, những yếu tố như nặng cân quá khổ, ít vận động thân thể và di truyền góp phần không nhỏ vào cơ chế gây ra bệnh.
Để hiểu rõ những triệu chứng và những nguy hại của bệnh tiểu đường, ta cần biết về cơ chế tiêu thụ chất đường để làm ra năng lượng giúp cho sự sống của cơ thể.
- In sulin: chất tối cần thiết
Insulin là chất được tiết ra từ tụy tạng, một tuyến nội tiết nằm ngay sau bao tử. Khi chúng ta ăn, tụy tạng tiết insulin vào máu. Chất này mở những cánh cửa tí hon để chất đường vào tế bào khiến mức đường trong máu giảm xuống. Khi mực đường giảm xuống, tụy tạng sẽ giảm tiết ra insulin.
- Đường glucose: nguồn năng lượng
Đường glucose là nguồn năng lượng chính cho các tế bào của bắp thịt và các mô khác. Khi chúng ta ăn, đường trong thực phẩm được hấp thu vào máu. Gan cũng làm ra glucose vào máu. Sau đó glucose được insulin đưa vào tế bào để biến hóa thành năng
lượng.
- Gan: trung tâm sản xuất và tồn trữ glucose
Khi lượng insulin thấp (do nhịn ăn chẳng hạn), gan đưa ra glucose để giữ lượng đường trong máu ở mực bình thường.
Khi ta bị tiểu đường loại 2, các hoạt động này bị xáo trộn. Đường glucose không vào được tế bào nên lên cao trong máu, do tụy tạng không tiết ra đủ insulin hoặc do cơ thể chống lại insulin.
* Biến chứng
Vào thời gian đầu của bệnh, các cha mẹ thường chưa hiểu được tầm quan trọng của bệnh tiểu đường loại 2, nhất là khi các em chưa có những biến chứng nguy hiểm và còn thấy khỏe. Nhưng thực ra chúng ta cần coi trọng chứng bệnh này vì nó có thể làm hư hại gần như hầu hết những cơ quan chính trong cơ thể như tim, mạch máu, hệ thần kinh, mắt và thận. Giữ cho mực đường trong máu ở mức bình thường càng nhiều càng tốt là cách duy nhất ngăn ngừa những biến chứng quan trọng.
Những biến chứng có thể phát triển qua một thời gian dài nên khó nhận diện nhưng cuối cùng chúng sẽ đưa đến tử vong hay khiến cuộc sống khó khăn vì tàn tật.
- Bệnh tim mạch: Tiểu đường loại 2 sẽ dễ đưa đến những bệnh tim mạch nguy hiểm như bệnh tim, tai biến mạch máu não, cao cholesterol, cao huyết áp.
- Bệnh hệ thần kinh: Dây thần kinh bị hoại do mực đường cao khiến các mạch máu li ti nuôi dây thần kinh bị phá hư, nhất là nơi chân. Bệnh nhân sẽ bị tê rần, đau, rát như bị phỏng.
- Gan hóa mỡ (fatty liver): Đưa đến sẹo và xơ gan.
- Bệnh thận: Bệnh tiểu đường làm hư hại các mạch máu nhỏ rất nhiều trong thận, nơi các chất độc của cơ thể được lọc qua. Do đó càng phát bệnh sớm thì càng nguy vì sự phá hủy nặng và lâu ngày sẽ đưa đến suy thận giai đoạn cuối, cần lọc máu thường xuyên hay thay thận.
- Hư mắt: Tiểu đường làm hư các mạch máu trong võng mô hoặc có thể gây ra cườm mắt và tăng áp suất mắt.
- Hư chân: Dây thần kinh nơi chân bị hư hại hoặc máu chảy tới chân bị ít đi khiến đưa tới nhiều bệnh ở chân. Những vết cắt hay vết phồng ở chân nếu không để ý sẽ bị nhiễm trùng nặng.
- Bệnh da: Bệnh tiểu đường loại 2 làm da dễ bị nhiễm trùng, nhiễm vi nấm hay ngứa ngáy.
- Bệnh óc: Bệnh nhân tiểu đường loại 2 dễ bị bệnh lú lẫn, thoái hóa óc, nguyên nhân vì sao chưa được biết.
* Định bệnh
Sau đây là những thử nghiệm máu dùng để định bệnh tiểu đường:
- Glycated hemoglobin (A1C): cho biết mực đường trung bình trong vòng 2 tới 3 tháng trước. Con số A1C đo phần trăm đường cột vào chất hemoglobin của máu. Mức đường máu càng cao thì mức hemoglobin có chất đường cột vào càng cao. Trong 2 lần đo khác nhau, bệnh nhân có mức A1C bằng 6,5% hay cao hơn được coi là có bệnh tiểu đường. Kết quả từ 5,7 tới 6,4% là tình trạng tiền tiểu đường.
- Mức đường lúc đói (fasting blood sugar): mức đường trong máu được đo sau 1 đêm nhịn đói. Mức đường dưới 100mg/dL là bình thường. Từ 100 tới 125 mg/dL là tình trạng tiền tiểu đường, từ 126 trở lên trong 2 lần đo khác nhau là tiểu đường.
-Oral glucose tolerance test: sau 1 đêm bệnh nhân nhịn đói, người ta lấy máu để đo mức đường lúc đói. Kế đến, bệnh nhân được cho uống nước đường và mức đường được đo lúc 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ... sau đó. Mức đường lúc 2 giờ cao hơn 200mg/dL là tiểu đường, từ 140 tới 199 là tiền tiểu đường.
- Nếu em nhỏ được định bệnh là tiểu đường, bác sĩ sẽ cần làm thêm thử nghiệm để phân biệt giữa tiểu đường loại 1 và loại 2 vì cách điều trị sẽ khác nhau.
Theo viendongdaily
Comment