Những sát thủ giấu mặt…
Trong số những nguyên nhân khiến cho người Mỹ bị thiệt mạng, thì bệnh tim được coi là sát thủ số 1, tiếp đó là ung thư, căn bệnh giết chết 500.000 người một năm tại Mỹ.
Nghĩ tới căn bệnh trầm kha này, chúng ta thường có thái độ, “Thôi thì trời gọi ai người nấy dạ!”. Có vẻ thụ động thật, nhưng không dạ thì biết làm sao? Bởi lẽ, mấy ai thấy nguyên nhân ở đâu ra mà tránh. Cứ như những tên trộm âm thầm lẻn vào nhà mình từ lúc nào, chờ đến giờ thuận tiện mới ra tay rất tàn độc, có đau đớn cách mấy cũng phải chịu. “Âm thầm” thì có, nhưng nói rằng mình không hề biết chúng ẩn mặt ở đâu thì Hằng nghĩ không đúng.
Khoa học bây giờ đã cho mình nhiều câu trả lời lắm: Chúng nằm ngay trong những thứ rất quen thuộc trong nhà mình dùng hằng ngày chứ đâu. Họ bảo rằng những thứ đó thực ra là sản phẩm hóa học, có thứ gây ung thư, có thứ gây suyễn, dị ứng, và những trở ngại khác về sức khỏe. Có điều là chúng giấu mặt dưới lớp vỏ “nhân nghĩa”, chúng giúp ta đủ chuyện trong nhà để rồi từ đó thấm dần vào cơ thể. Cái nguy hiểm của chúng là vậy. Có người không biết, nhưng ngay cả những người biết cũng nghĩ rằng “Nó đánh người khác, nhưng chắc nó chừa mình ra”…
Bởi thế khoa học có lên tiếng cũng chẳng ăn thua. Phải chờ đến khi có luật cấm, thì nhà sản xuất mới ngưng không cho ra lò những sản phẩm độc hại ấy, hoặc hạn chế chúng ở mức có thể chấp nhận được. Chấp nhận được là sao? Là không gây chết chóc ngay! Như vậy là … giết hại từ từ thì OK? Bởi thế luật pháp mới đòi hỏi thêm câu này: Phải có nhãn hiệu rõ ràng để cảnh báo người tiêu thụ. Nếu không có nhiều giờ, và cũng không muốn đánh vật với những tiếng chuyên môn chằng chịt ghi ở nhãn hiệu, các bạn chỉ cần nhớ 1 chữ này: Carcinogen, chất có thể gây ung thư.
Sau đây là một số sản phẩm thông thường, rất quen thuộc với chúng ta xưa nay. Chỉ có điều không ngờ là rất nhiều thứ có ghi Carcinogen..
Bình thuốc thơm (Air Freshner)
Được dùng để át mùi hôi trong bếp, trong nhà vệ sinh. Thị trường hiện nay có rất nhiều loại Air Freshener, mà thực chất chúng đều là sản phẩm tổng hợp nhiều thứ hóa chất, thông thường nhất là Napthelene và Formaldehyde. Không nhớ tên những thứ này cũng không sao. Chỉ cần biết rằng, hai thứ đó đều là Carcinogen cả.
Để thực sự có được một bầu khí thực sự trong lành, điều cần thiết phải làm là triệt tiêu cái nguồn phát sinh ra những thứ mùi hôi, chứ không phải là lấy một thứ khác mạnh mùi hơn để “át” nó theo cái kiểu “cả vú lấp miệng em”. Hằng vẫn nghe ông bà mình xưa nay so sánh như vậy. Nhưng ông xã không bằng lòng, ổng bảo thời xưa khác, thời nay khác, “Ngày xưa người ta phải che kín, ngày nay thì hãnh diện khoe ra. Ngày xưa người ta dùng như một phương tiện bất đắc dĩ ép cho đầy miệng em bé, ngày nay thì….”. Hằng phải bụm ngay miệng “ông lớn” lại, vậy mà ổng vẫn còn cố vớt vát được một câu, “Lấy một cái đẹp, cái trong lành để so sánh với một thứ độc hại như vậy là không được, anh không chịu!”.
Ổng nói đúng: Nhiều bình Air Freshners trên thị trường rất độc hại. Chúng ta nên dùng một cách hạn chế. Trước tiên, mình phải triệt tiêu cái nguồn thở ra mùi hôi. Nếu sau khi triệt cái nguồn mà mùi hôi vẫn chưa hết, thì mình có thể dùng Baking Soda, hoặc các mùi thơm tự nhiên từ các loại hương liệu nguyên chất từ thảo mộc (essential oil). Có nhiều cách lắm các bạn ạ.
Hóa chất dùng để giặt khô (Dry cleaning)
Nói giặt khô nghe lạ, nhưng dry clean là bạn hiểu ngay, chứng tỏ chúng ta giỏi tiếng Mỹ hơn tiếng Việt rồi đó. Cái áo sơ mi dơ có thể nhúng nước để giặt. Nhưng bộ vest mặc đi ăn nói thì không, nó phải được giặt khô, xin lỗi Dry Clean, ai cũng biết vậy. Nhưng ít ai biết rằng tiến trình Dry Clean cần đến nhiều thứ hóa chất, được xếp vào thành phần Carcinogen, như Naphthalene, Formaldehyde, Benzene, Perchloroethylene, và Tricholoroethylene. Điều đáng nói là hơi khói của những thứ hóa chất này còn đọng lại trên quần áo của mình trong nhiều ngày sau khi đã được dry clean.
Để đề phòng, tốt nhất là không nên mua những thứ y phục nào có ghi “dry clean only”. Nếu bắt buộc phải đến tiệm dry clean, bạn nên tìm hiểu xem họ có “wet cleaning” không. Gọi vậy là vì có dùng nước, nhưng qui trình “wet cleaning” phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chứ không đơn thuần nhúng quần áo vào nước mà “xào” giống như cái máy giặt ở nhà mình đâu. Nó đắt hơn, nhưng an toàn hơn khi mình mang quần áo về nhà.
Ngoài ra, còn có “dry clean” bằng nước cốt chanh (citrus juice) hoặc bằng CO2 lỏng, đều là những giải pháp lành mạnh hơn nhiều. so với các hóa chất nhắc đến ở phần trên…
Vuhang231@yahoo.com
© ViễnĐôngDailynews
© ViễnĐôngDailynews
Comment