Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chọn giầy....

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chọn giầy....

    A, mùa Xuân, tiếng chim líu lo văng vẳng, khiến ta chỉ muốn khoác áo, đi giầy, bước ra đường, ngửa mặt nhìn những lọn mây lờ lững, hít đầy hai buồng phổi bầu không khí bao quanh, lòng reo vui: “Ôi đời tự do!”.

    Đôi bàn chân giúp ta kiếm cơm, còn đưa ta đi đây đó, vui hưởng cuộc sống dân chủ, nên vô cùng trân quý. Tiếc thay, chúng thường không được đối xử tương xứng. Ở nhà, ta xỏ chúng vào những đôi dép lẹp kẹp, lỏng lẻo, trơn trượt. Ra đường, ta bắt chúng ép mình trong những đôi giầy mỏ chuột nhọn hoắt, gót hươu cao nhòng, với ta trông láng, đẹp, sang, song với chúng thì chật hẹp, khổ sở. Thường chúng dễ chịu, không nói năng chi. Nhưng lâu ngày chầy tháng, khi ta đến một tuổi nào đó, nhất lại có tiểu đường, chúng sẽ tổn thương, than van, lúc ấy có khi đã muộn. Ta nên đối xử với đôi bàn chân ta sao cho phải đạo.

    Giầy để bảo vệ đôi bàn chân khi ta đi đứng. Rất nhiều trường hợp chân đau, chưa bây giờ biết đâu sau này, do chọn giầy không đúng.

    Chọn mua giầy, nên đi vào buổi chiều, vì buổi chiều chân và bàn chân thường phồng to hơn, giầy mua buổi sáng vừa vặn, chiều đâm chật.

    Cẩn thận, trước khi đi mua giầy, ta lấy một tờ giấy trắng và bút chì, rồi ngồi đặt bàn chân lên tờ giấy trắng, dùng bút chì vẽ quanh bàn chân trên tờ giấy. Kích thước thực sự của bàn chân ta hiện trên tờ giấy trắng. Ta gấp, bỏ ngay tờ giấy vào túi hay ví kẻo quên. Chỉ nhẩm nhớ số giầy vẫn hay đi không đủ, vì theo kinh nghiệm, tuy cùng số, song giầy do các hãng khác nhau chế tạo vẫn dài ngắn, rộng hẹp khác nhau.

    Đi trong “mall” đến tiệm bán giầy vào ngày Chủ nhật, tò mò nhìn chân kẻ qua người lại tấp nập, thực hoa cả mắt, họ mang hàng trăm thứ giầy đủ kiểu, đàn ông đàn bà người lớn trẻ con đủ màu sắc. Không thấy ai đi chân đất cả. Hay chỉ cần nhìn chân người qua lại, lẩm bẩm tính đếm loại giầy họ mang, ta có thể đoán biết được đất nước nào giầu mạnh?

    À, tiệm giầy kia rồi. Lẫn trong đám đông người trong tiệm, bạn ngắm nghía những đôi giầy nhắm mua. Nào giầy đi lại làm việc hàng ngày (walking shoes), giầy chạy bộ (running shoes), giầy leo núi (hiking shoes), rồi những đôi giầy da trông láng bóng, đẹp, sang để dự dạ hội, để nhảy đầm (stylish shoes), ... Tất nhiên, tùy loại giầy nào đang cần ta mua. Nhưng nói chung, so với giầy dạ hội, rất nhiều đôi đế mỏng, lòng hẹp chật chội, gò bó, giầy đi lại làm việc hàng ngày, giầy chạy bộ, leo núi, tuy trông ô dề hơn, song thường tốt, hợp với chân ta hơn. Chúng có đế cao su dày, và thường mang một miếng lót bên trong. Đế cao su bám đất, giúp ta ít té ngã, còn hấp thu các lực cơ thể ta đặt lên chúng, khiến các lực này không dội ngược lên lại hại cho các khớp. (Bạn biết đấy, bánh xe hơi toàn bằng cao su cả). Bạn để ý, sẽ thấy dưới đế có cấu trúc với những đường rãnh vân vi giúp giầy thêm bám đất (bạn chắc lưỡi khen thầm: “Thế này thì còn lâu mới trượt. Hay thật!”). Miếng lót trong giầy khiến giầy đi êm, và cũng phụ với đế hấp thu các lực. Trường hợp chân hay lưng bạn có vấn đề, cần để trong giầy các miếng lót đặc biệt hơn, lòng giầy sâu, rộng, dễ nới dãn, nên sẵn sàng đón nhận miếng lót bạn đặt vào. Phía đầu mũi giầy cũng hay dát cao su, phòng lúc chân ta vô ý đá vào đâu, không bị chấn động nhiều. Chưa kể nhiều đôi có cái quai phía sau rất tiện, lúc xỏ chân vào giầy, chân chưa vào lọt, khỏi cần đi kiếm cái đót giầy chi cho mất công, cứ nắm kéo cái quai phía sau, cổ giầy rộng ra, chân đút vào lọt.

    Ngược lại, các giầy da dạ hội, nhất là giầy phụ nữ, thường gọn, nhỏ trông xinh xắn, song lòng hẹp, đáy không có miếng lót nên cứng, đế bằng gỗ hoặc cao su mỏng tanh (để nhảy đầm cho lả lướt?), đầu mũi cũng không bọc cao su (bạn có thể lý luận, giầy kiểu để nhảy đầm ai lại bọc cao su phía trước, trông xấu bỏ xừ!). Giá ta có muốn để vào trong giầy một miếng lót cho êm chân cũng không có chỗ. Lật ngửa giầy lên, nhiều đôi phía trước trơn bóng, chỉ gót đằng sau đính tí cao su có chút vân vi làm vì. Những lúc trời mưa, giầy đế gỗ, da mỏng dễ trượt, còn thấm nước ướt cả tất bên trong, và chỉ vài lần là ôi thôi, tiêu đôi giầy kiểu đắt tiền (trong khi giầy đế cao su dày tha hồ “Trời mưa thì mặc Trời mưa”).

    Vì thế, bạn thấy, nhiều người Mỹ đi nhà thờ, họ cũng mang giầy thể thao, tuy trông không thanh lịch cho lắm, song vững vàng, nhanh nhẹn.

    Nào, bạn đặt đôi giầy bạn nhắm mua trên tờ giấy có vẽ hình bàn chân bạn, xem nó ra sao. Nó cần trông chắc chắn, lớn hơn hình vẽ trên giấy, và bề ngang chỗ rộng nhất của nó phải đúng vào chỗ bề ngang to nhất của chân bạn vẽ trên giấy.

    Ngắm nghía và so giầy trên giấy thấy tạm được, bây giờ bạn xỏ đôi giầy hẳn vào hai bàn chân, đi đi lại lại xem có thoải mái không. Nếu chân bạn có vấn đề cần mang miếng lót trong giầy, khi thử giầy, bạn nhớ bỏ cả miếng lót vào lòng đôi giầy nhắm mua, xem nó có vui lòng chứa miếng lót bạn cần mang. Phía trước giầy phải dài và rộng đủ, mũi giầy cách các đầu ngón chân một khoảng nhỏ, cho phép các ngón chân bạn có chỗ ngoe nguẩy. Đế giầy nên bằng cao su chắc dày, bẻ tay không bị gập nhiều, đủ sức chống đỡ đôi chân bạn. Đế mềm, gập nhiều khi đi lại, không tốt cho các khớp bàn chân phía trước của bạn.

    Nên tránh những đôi giầy mõm nhọn chèn các đầu ngón chân, ép chúng vào nhau. Nhiều đôi đóng theo kiểu mới bây giờ có đầu phía trước ngang bè bè, trông chưa quen mắt thấy hơi kỳ kỳ, nhưng tốt đấy, các đầu ngón chân có chỗ rộng rãi để “nằm” thoải mái, đứa nọ khỏi chồm lên đứa kia. Cũng nên tránh những đôi giầy gót cao khiến chân bạn kiễng lên. Mang chúng làm việc suốt ngày rất hại, vì chân bạn phải chịu nhiều lực đặt không đúng. Lắm cô, nhiều bà đi giầy gót cao quá, trông lênh khênh đến khổ sở, lỡ lại dẵm nhằm vỏ chuối...

    A, bạn đi đôi giầy đó trông được đấy. Mặt bạn hớn hở, mắt bạn long lanh, bước chân nhanh nhẹn. Khác với mấy đôi trước bạn thử, chân bạn ngập ngừng như có chỗ không ổn, mặt bạn đăm chiêu. Bạn chọn chúng đi. Có giầy mới, về nhà bạn vất đi những đôi giầy lưu cữu nhiều năm, trông ọp ẹp, đế mòn vẹt, dùng tay bẻ, chúng thảm hại gập người làm đôi. Tiếc chúng làm gì, chúng sẽ làm hư chân bạn. Giầy đi nhiều, 6 tháng 1 năm ta nên thay; nhiều đôi trông chưa mòn lắm, song chúng đã mất sức hấp thu những lực đặt lên chúng, chẳng còn tốt nữa. Đôi bàn chân ta rất quí.

    Mừng bạn có đôi giầy mới vừa chân, ưng ý. Đời nhiều trái khoáy bạn nhỉ, những đôi giầy để đi lại làm việc hàng ngày (walking shoes), để chạy (running shoes), leo núi (hiking shoes), thường rất hợp với chân ta, lại rẻ, đại hạ giá (“on sale”) hoài, so với giầy kiểu, sang, nhiều đôi đắt đến vài trăm, song không chắc tốt bằng. (Đi giầy sang, mắc tiền, ta không thoải mái, bước chân e dè, một phần vì sợ giầy chạm đây, va kia, trầy xước, xót cả ruột. Gặp trời mưa to nước ngập xâm xấp, chỉ muốn xách giầy lội nước cho xong! May thay, nhiều giầy kiểu bây giờ thấy có tiến bộ, cũng chế theo mẫu mực cân xứng của giầy đi thường ngày, phần trước cũng bè ngang, rộng rãi, cũng đế cao su dày, cao su bọc cả đầu mũi). Ở đây, nhiều của rẻ (vì đang... “on sale”) đâu có ôi, còn tốt hơn của mắc tiền là đằng khác!

    Hôm nay trời mát mẻ dễ chịu, ta hãy khoác áo, đi đôi giầy... mới, bước ra đường, ngửa mặt nhìn những lọn mây lờ lững an bình, tai lắng nghe tiếng chim đâu đây văng vẳng, hít đầy hai buồng phổi làn không khí tươi mát, lòng rộn rã, miệng nghêu ngao, bài hát gì cũng được, ngợi ca đời dân chủ tự do.


    Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

    Ai cũng cần có khiếm khuyết,
    để bớt phần kiêu ngạo...(ST)


    sigpic

  • #2
    Dành cho các bác ở miền lạnh....


    DA MÙA LẠNH

    Ái chà, lạnh quá, lạnh quá! Đông năm nay, trời lạnh khủng khiếp, nhiều cây trong vườn rũ chết. Bão tuyết, lũ lụt đã khiến 42 người mất mạng, kinh tế Cali ta thiệt hại nặng nề.

    Mặt, môi khô khốc, da nhiều chỗ râm ran ngứa.

    Đây rồi sẽ còn lạnh hơn nữa không?

    Ngứa mùa đông

    Không để ý, ai cũng có thể bị “ngứa mùa đông”. Vào mùa lạnh, độ ẩm trong không khí (air humidity) xuống thấp, làm da khô, khiến ta dễ cảm thấy ngứa. Rồi vì lạnh, nhiều người chúng ta thích tắm nước thực nóng. Nằm trong bồn nước nóng, lim dim, quên cả trời lẫn đất.

    Rồi, sưởi được bật lên để tạo hơi ấm. Nước nóng, sưởi (củi, điện hay gas) khiến da càng thêm khô và ngứa. Gãi mới đã ngứa (những chỗ ở lưng xa quá tầm tay, thì dùng bàn tay giả bằng gỗ gãi cho bằng được!). Có người còn đổ cả rượu, chanh, dầu xanh, dầu đỏ, dầu cù là, dầu con hổ, ... lên da, chà xát, hi vọng bớt ngứa. Những chỗ do gãi và chà xát, trở thành sần sùi, dộp lên. Da chỗ dộp lên ấy càng ngứa tợn. Lại gãi nhiều hơn. Tất cả những yếu tố kể trên gộp lại khiến da ngứa thêm mãi trong mùa lạnh, tạo một vòng lẩn quẩn: ngứa, gãi, gãi, ngứa.

    Người da khô sẵn dễ bị ngứa hơn người khác. Trong da, có một chất nhờn gọi là “sebum”, giữ cho da khỏi khô. Khi cao tuổi, da khô hơn do có ít chất sebum, vì sự tiết chất sebum giảm dần theo thời gian (nên da trông không còn tươi mát như lúc trẻ). Bởi thế, các cụ có tuổi rất hay ngứa vào mùa lạnh.

    Da người “ngứa mùa đông”, nhất là ở dưới chân, trông khô, mốc meo, lấm tấm trắng (scaling). Khi da ngày càng khô hơn do trời thêm lạnh, và người bị ngứa gãi nhiều, trên da sẽ xuất hiện những vùng đỏ trong có những đường nứt ngang (horizontal fissuring). Nặng hơn nữa, những đường nứt dọc cũng xuất hiện. Các đường nứt ngang và dọc trên những vùng da đỏ, cùng nhau, tạo thành hình ảnh trông như một bình sứ rạn nứt, nên loại bệnh da này được đặt tên “eczema craquelé”. Ở thể nặng nhất của chứng “ngứa mùa đông”, với gãi, với đủ những thứ được thoa, trét lên như an-côn, chanh, dầu xanh, bột “Ampi”, thuốc bắc, ..., những đường ngang dọc ấy sâu xuống, toác ra, ứa nước vàng hoặc mủ. Lúc ấy, ta vừa ngứa lại vừa đau.

    Tốt hơn hết là đừng để xảy ra cảnh đau lòng, và tốn tiền ấy. Vào mùa lạnh, ta nên tắm mau với nước vừa đủ ấm, dùng những loại xà-bông ít làm mất chất nhờn của da như xà-bông Dove. Không dùng xà-bông càng tốt, hoặc chỉ dùng xà-bông ở những vùng nhiều mồ hôi như nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân. Không nên tắm ngày nhiều lần, một lần là tối đa. Với những vị da quá khô, có khi chỉ nên tắm ba, bốn lần mỗi tuần. Không phải ta muốn tiết kiệm nước. Sau khi tắm, nên thoa da bằng những loại lotion làm da bớt khô như Keri lotion, Vaseline lotion (mua không cần toa), ... Những lotion này thoa da ngày mấy lần cũng được, song chúng thấm vào da, giúp da khỏi khô mạnh nhất khi được dùng ngay lúc tắm xong, ta dùng khăn tắm lau sơ cho ráo nước, và da còn đang âm ẩm. Dùng các loại kem thuốc Kenalog, Elocon, Lidex, ... đựng trong những ống be bé, kiểu ngứa đâu quẹt đó, không ăn thua. Thuốc chỉ nên thoa trên những vùng da đã sần lên do ta lỡ gãi.

    Xin... cố đừng gãi. Và cũng không mặc đồ len trực tiếp trên da. Đồ len chúng sần sùi, cứ chọc chọc vào da, thêm ngứa.

    Về thuốc dùng, ta có thể thử dùng những thuốc chữa ngứa như Benadryl, Chlor-Trimeton, Tavist... mua không cần toa. Có điều, dùng những thuốc này, khi lái xe, hoặc điều khiển những máy móc nguy hiểm, ta nên cẩn thận, vì thuốc hay làm người ngầy ngật, buồn ngủ.

    Nếu mãi vẫn không bớt ngứa, bạn nên đi khám bác sĩ cho chắc ăn, vì ngoài chứng “ngứa mùa đông”, nhiều bệnh da khác, hoặc các bệnh bên trong cơ thể như bệnh thận, bệnh gan, ung thư, ... cũng gây ngứa. Bác sĩ còn có thể biên toa cho bạn mua những thuốc mới chữa ngứa như Allegra, Claritin, Clarinex giúp bớt ngứa, nhưng không gây buồn ngủ. Phải cái chúng khá đắt tiền.



    Viêm da do tiếp xúc



    “Viêm da do tiếp xúc” (contact dermatitis) là bệnh da gây do sự tiếp xúc trực tiếp với nhiều chất bên ngoài cơ thể.

    Viêm da do tiếp xúc rất hay xảy ra. Chỉ xin lấy vài thí dụ dễ hiểu. Ngày nào chúng ta cũng có dịp cần rửa tay với nước và xà-bông. Nhưng nếu cả ngày nhúng tay vào nước và xà-bông, lâu ngày chày tháng, tay ta có thể sẽ khô, ngứa, lấm tấm trắng, sần lên ở nhiều chỗ, nhiều khi còn nứt nẻ. Vì xà-bông có chất kiềm mạnh (strong alkaline soap), làm tổn thương lớp ngoài cùng của da và gây viêm da.

    Nhiều người làm việc trong kỹ nghệ, tay ngày nào cũng phải tiếp xúc với những chất hóa học độc hại cho da, hoặc rửa tay với những nước rửa đặc biệt (organic solvents), khiến da sần lên, ngứa ngáy.

    Lớp ngoài cùng của da ta là một lớp tế bào rất mỏng. Bất cứ chất nào làm tổn thương lớp tế bào này đều tạo phản ứng viêm da. Vào mùa lạnh, khí lạnh khiến da khô, và khi khô, lớp tế bào ngoài cùng của da dễ bị các chất hóa học làm tổn thương. Thế nên, rửa nước và xà-bông nhiều lần trong ngày vào mùa lạnh dễ bị viêm da do tiếp xúc hơn các mùa khác. Cùng một cơ chế, vào mùa lạnh, những người làm việc trong các kỹ nghệ, tay dính những chất hóa học hoặc nước rửa hàng ngày, cũng dễ bị viêm da do tiếp xúc.

    Mùa lạnh, bạn cố tránh tiếp xúc với nước nóng và xà-bông, đồng thời, dùng thực nhiều lotion chống khô da, nhất là sau những lần bất đắc dĩ phải nhúng tay vào nước nóng và xà-bông.



    Khí lạnh cắn



    Năm nào, một bác sĩ ở Texas, mê leo núi Hi-mã-lạp-sơn hơn gia đình và nghề nghiệp, không may bị tuyết vùi trong lúc đi leo trèo. Được cứu sống, nhưng ông mất mũi, một bên tay bị cưa, bàn tay bên kia cũng mất mấy ngón. Do khí lạnh cắn (frostbite).

    Chúng ta ở Cali, không lạnh lắm, không có những núi cao để mọi người rủ nhau leo trèo vào mùa đông, nên ít khi bị “khí lạnh cắn” (frostbite). Cắn đến rụng tai, rụng mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân.

    Khí lạnh làm các mạch máu ngoại biên co thắt (vasocontriction), lượng máu đến nuôi các vùng ngoại biên như tai, mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân ít đi. Càng lạnh, các mạch máu ngoại biên co thắt càng nhiều. Đến một lúc, tai, mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân, không có đủ máu nuôi nên chết đi. Vùng bị frostbite đầu tiên tái, bóng như sáp (waxy), song không đau hay khó chịu mấy. Sau đó, những hiện tượng giống như bị bỏng lửa xảy ra: da đỏ, sưng lên, nổi những bọng nước. Nặng hơn, da chết dần, thâm đen, rồi các bắp thịt, gân (tendons), xương và thần kinh phía dưới da cũng tổn thương, chết theo.

    Phải chữa ngay khi mới có hiện tượng “khí lạnh cắn” xảy ra, trước khi vùng bị cắn sưng lên. Phải bọc ngay vùng có frostbite với quần áo ấm, hoặc lấy bàn tay, hay phần khác của cơ thể che chỗ frostbite, dùng hơi ấm giúp máu vẫn đến đều vùng frostbite. Sau đó, ngâm chỗ frostbite trong nước nóng 100-110 độ F. Khi thấy da chỗ frostbite ửng hồng, và mềm lại, sự chữa trị đã thành công, có thể ngưng ngâm nước nóng. Lúc ấy, da biết đau, và cần đến thuốc giảm đau.

    Không nên chà xát chỗ khí lạnh cắn đã mất cảm giác, vì dễ làm trầy da, nhưng nhẹ nhàng nắn bóp vùng tay hay chân ở phía trên vùng khí lạnh cắn có thể khiến máu lưu thông đến vùng khí lạnh cắn nhiều hơn.

    Khi bị khí lạnh cắn, may không rụng tai, rụng mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân, sự hồi phục của những vùng đã tổn thương cũng phải mất đến nhiều tháng.



    Đỏ, sưng do lạnh



    Cơ chế gây “đỏ, sưng do lạnh” (chilblain) giống cơ chế gây “khí lạnh cắn” (frostbite). Gặp lạnh, các mạch máu ngoại biên co thắt, làm một số vùng ở phía ngoài của cơ thể không đủ máu nuôi. Đây là một hình thức da bị tổn thương nhẹ bởi khí lạnh, khiến da đỏ và sưng.

    Những chỗ da hay đỏ, sưng là da tay, bàn chân, tai, mặt. Thường người bị chilblain ban đầu không để ý, nhưng sau thấy da tay, bàn chân, tai hoặc mặt mình đỏ, ngứa, nóng. Những trường hợp nặng hơn, da lở ra hoặc nổi những bọc nước. Vùng đỏ, sưng sờ thấy lạnh, ẩm. Có người mùa lạnh nào cũng bị sưng, đỏ ở những vùng da năm trước đã bị, sang đến mùa nắng ấm thì bớt.

    Vận động thường xuyên sẽ làm máu huyết lưu thông đều hòa, đến cả những vùng da lạnh bên ngoài, nên rất tốt cho bệnh đỏ, sưng da do lạnh. Vùng đỏ, sưng nên được rửa sạch với nước hàng ngày và thoa bóp nhẹ với dầu nóng (warm oil). Tránh để vùng này bị lạnh hoặc ẩm. Nếu vùng đỏ, sưng ở bàn chân, bạn nên mang tất len khi đi ngủ. Bạn dùng các dụng cụ sưởi ấm bằng điện (eclectric pads) giữ cho vùng da đỏ, sưng khỏi lạnh. Nếu hút thuốc lá, bạn nói lời vĩnh biệt với nó là vừa, vì thuốc lá làm tổn thương các mạch máu ngoại biên, khiến vấn đề thành trầm trọng hơn.

    Nhiều thuốc có tác dụng dãn mạch (vasodilation) như nicotinamide, dipyridamole, Procardia được xem có thể làm giảm bớt triệu chứng, do làm dãn các mạch máu, khiến máu đến được chỗ đỏ, sưng nhiều hơn.

    Ngoài những vấn đề trình bày trên, các bệnh da như “bệnh vẩy nến” (psoriasis) (tạo các về đỏ, dày trên da trông giống những vẩy), bệnh “viêm da quá mẫn atopic dermatitis” (hay được gọi bệnh “lác sữa”, xảy ra nhiều ở trẻ nhỏ, khiến da luôn khô, ngứa) cũng nặng hơn vào mùa lạnh, hành người bệnh nhiều hơn. Đấy là chưa kể, co ro đi tắm biển vào mùa lạnh, chân tay bạn bỗng xuất hiện những vằn vện, đo đỏ hoặc xanh xanh, mất cả đẹp. Chứng này gọi là “livedo reticularis”, không cần chữa trị bằng thuốc. Bạn chỉ cần... chờ sang mùa ấm nóng.

    Thêm một vấn đề nữa. Mùa lạnh, nhiều người ngày nào cũng ấp bình nước nóng, hoặc dùng mền điện đắp người, da đâm vằn vện, rồi nám, ở chỗ phải tiếp xúc mỗi ngày với bình nước nóng hay mền điện (“toasted skin” syndrome, hội chứng “da bị nướng”). Nhiệt tỏa từ bình nước nóng hoặc mền điện gây những tổn thương cho các mạch máu và da, tạo những thay đổi không được đẹp trên da như vậy. Không bắt da phải trực tiếp tiếp xúc với nhiệt nữa, một thời gian sau, những vằn vện hồng, đỏ hay nâu tím trên da ấy sẽ bớt dần. Cũng có khi những vết nám sẽ tồn tại mãi mãi.

    Có người, ngồi quanh lò sưởi, hay bếp lửa hồng, đưa chân vào gần lửa cho ấm, da chân cũng bị vằn vện, nám y như vậy. Tình trạng này hay xảy ra cho phụ nữ. Phụ nữ thấy lạnh hơn đàn ông chúng ta vào mùa lạnh?

    Đông năm nay lạnh quá. Da lạnh, khô gây nhiều vấn đề. “Ngứa mùa đông” xảy ra nhiều nhất. Không khéo, còn bị cả “viêm da do tiếp xúc” ở bàn tay, các ngón tay, nếu mải chăm việc nhà, cả ngày nhúng tay vào nước nóng và xà-bông. Ăn mặc hớ hênh, da tay hay chân có chỗ nổi vằn vện (livedo reticularis), hoặc sưng, đỏ, ngứa, nóng (chilblain). Ngồi gần lò sưởi, bếp hồng, ấp nước nóng hoặc dùng mền sưởi điện trực tiếp trên da, lại dễ vằn vện, nám da do nhiệt tỏa ra sát da quá (“toasted skin” syndrome). Nặng nhất là “khí lạnh cắn” (frostbite), do khí lạnh làm hư hoại tai, mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân, hay xảy ra cho những người lạc vào bão tuyết, sống sót trở về. Một số bệnh da cũng trở nặng vào mùa lạnh.

    Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

    Ai cũng cần có khiếm khuyết,
    để bớt phần kiêu ngạo...(ST)


    sigpic

    Comment

    Working...
    X