Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Đau thắt lưng ơi, chào nhé!

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đau thắt lưng ơi, chào nhé!

    Đau thắt lưng ơi, chào nhé!


    Điều trị đúng đắn, đau thắt lưng sẽ khỏi trong hầu hết các trường hợp.

    Trong một đất nước phát triển nghiêng nhiều về nông nghiệp và lao động chân tay là chủ lực như Việt Nam, đau thắt lưng trở nên rất phổ biến. Bệnh này cũng không loại trừ những người làm việc văn phòng.

    Càng già, chuyện đau thắt lưng càng trở thành thời sự do nhiều nguyên nhân:
    loãng xương, thoái hoá đĩa đệm, thoái hoá mấu khớp, hẹp ống sống, mất vững cột sống thắt lưng…

    Đau thắt lưng là hậu quả của một loạt các yếu tố ảnh hưởng, bao gồm: thể chất, tình cảm, tâm lý và cả trí tuệ của bệnh nhân. Bệnh có thể từ đau nhẹ âm ỉ cho đến dữ dội như bị đánh, dao đâm, kim chích,… Cơn đau có thể chỉ ở thắt lưng hoặc lan xuống một hay hai chân, kèm cảm giác tê nhức hoặc sức cơ chân yếu ảnh hưởng đi lại, rớt dép… Triệu chứng đau thắt lưng có thể xảy ra sau khi ngồi quá lâu, đứng dậy phải ễnh thắt lưng, đứng lâu khi làm việc nhẹ hoặc làm việc nặng nhọc hơn.


    Ảnh minh họa

    Mỗi triệu chứng phản ánh một kiểu bệnh

    Phần lớn đau thắt lưng sau khi làm việc nặng nhọc hay do bệnh lý gây tổn thương cột sống xảy ra vào buổi chiều, trong khi đau thắt lưng kèm theo các loại bệnh thấp khớp hay thấp ngoài khớp thường xảy ra vào buổi sáng, khi mới thức dậy còn nằm trên giường. Đau thắt lưng nặng có thể xảy ra kèm với mất ngủ, người uể oải, chán đời, hay lo âu dưới áp lực cuộc sống và công việc. Những vấn đề tình cảm, tâm lý tiêu cực cũng góp phần khiến đau thắt lưng tệ hơn. Mỗi loại triệu chứng phản ánh một kiểu bệnh lý khác nhau, từ nhẹ như kiểu đau chức năng cho đến nặng như kiểu có tổn thương thực thể.

    Một số yếu tố được coi là rủi ro của đau thắt lưng: công việc đòi hỏi phải khom cúi (như cấy lúa); khiêng xách (như bưng bê vật nặng); khiêng nhấc vật nhẹ hay nặng sai tư thế: vừa cúi vừa vặn xoắn thân trên, mang xách hay khiêng lê vật nặng hối hả; người hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, không chơi thể dục thể thao,…

    Thách thức chẩn đoán của bác sĩ

    Đau thắt lưng tạo một thử thách về năng lực chẩn đoán nguyên nhân cho các bác sĩ, bởi có quá nhiều bệnh lý gây ra đau thắt lưng, trong đó thường được nhắc đến là: đau thắt lưng cấp tính (sau khi làm việc nặng sai tư thế hoặc khi đứng làm việc nhẹ sai tư thế như đánh răng, khom cúi mặc quần, lom khom bồng cháu, với tay lấy vật ở xa tầm với…), đau thắt lưng mạn tính (tái đi tái lại sau khi đã kinh qua đau thắt lưng cấp tính do không điều trị đúng mức).


    Đau thắt lưng tạo một thử thách về năng lực chẩn đoán nguyên nhân cho các bác sĩ

    Ngoài ra còn có đau thắt lưng do: thoát vị đĩa đệm, thoái hoá đĩa đệm, mất vững cột sống thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng, gãy xương sống âm thầm nơi người bị loãng xương, bệnh viêm dính xương sống, viêm khớp dạng thấp, thấp ngoài khớp… Đặc biệt còn có cả đau thắt lưng mạn do áp lực công việc, mệt mỏi, buồn chán,...

    Khi bị đau thắt lưng cấp tính hay mạn tính, bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ điều trị gần nhất để giúp ý kiến điều trị hay gửi đến bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý, đau thắt lưng cấp dù có hay không điều trị ban đầu tốt thì cũng sẽ có thể hết đau sau ba tuần lễ. Thường bệnh nhân hay ỷ y bỏ qua cho đến khi lặp lại thao tác sai và cơn đau tái phát cấp tính. Khi đi khám, cần đem hết tư liệu bệnh cũ theo; khai rõ bệnh sử, kê hết các thuốc từng dùng (kể cả thuốc nam, bắc, tàu). Nên nhờ người nhà đi theo để giúp đỡ khi cần và ghi nhớ lời dặn dò của bác sĩ.

    Điều trị đúng, đau thắt lưng sẽ khỏi

    Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ quyết định điều trị bảo tồn (bao gồm điều trị bảo tồn không xâm hại và điều trị bảo tồn xâm hại) hay phẫu thuật:

    Điều trị bảo tồn không xâm hại: bao gồm tập luyện và dùng thuốc. Về tập luyện, chủ yếu tập thể lực tổng quát, tập luyện cơ bắp dần dần, các bài tập chuyên môn dành cho cột sống để làm tăng sức chịu đựng dây chằng và sức mạnh cơ bắp. Những biện pháp vật lý khác như siêu âm giảm đau, sóng ngắn, kích thích điện, xoa bóp… bắt buộc phải có ý kiến bác sĩ điều trị và thường thì không cần thiết lắm. Kéo tạ thắt lưng có thể giúp giảm đau nếu chỉ định và kỹ thuật đúng, ngược lại có thể làm đau thêm. Áo nẹp có thể giúp tạm bớt đau. Tuy nhiên, lệ thuộc hai biện pháp này lâu dài sẽ làm suy yếu cơ thành bụng hay cơ thắt lưng, vì thế cần áp dụng thận trọng, không quá một hai tuần. Về dùng thuốc, bác sĩ chỉ định dùng thuốc thường là giảm đau, kháng viêm, dãn cơ, an thần, chống trầm cảm, loãng xương…

    Điều trị bảo tồn xâm hại: là áp dụng những biện pháp dùng vật xuyên qua da bệnh nhân. Chỉ chích thuốc khi biện pháp uống không thực hiện được. Chích thuốc vào mấu khớp giảm đau là tạm thời, sẽ tái phát nếu sai chỉ định hay sai kỹ thuật. Nên nhớ, chích thuốc là thủ thuật xâm hại bệnh nhân nên luôn luôn phải được thực hiện bởi bác sĩ, điều dưỡng lành nghề.

    Điều trị phẫu thuật: đặt ra khi điều trị bảo tồn thất bại hay khi có chỉ định rõ cần phẫu thuật. Đây là một quyết định quan trọng mà bệnh nhân và bác sĩ phải cùng nhau thảo luận kỹ trước khi quyết định. Khảo sát tỉ mỉ bằng hình ảnh học, các xét nghiệm khác sẽ giúp chẩn đoán chính xác; nhờ đó kết quả phẫu thuật có thể đạt đến hơn 90%. Mổ đi mổ lại nhiều lần cột sống thắt lưng hay xảy ra khi bệnh nhân gặp phải bác sĩ ít kinh nghiệm. Nên nhớ, chọn lựa phẫu thuật viên lành nghề rất quan trọng trong điều trị phẫu thuật cột sống, vốn là loại phẫu thuật có nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng nhất trong chỉnh hình.

    Đau thắt lưng là một vấn đề lớn mà sự điều trị mang tính liên chuyên khoa, rất phức tạp, dù bảo tồn hay phẫu thuật. Những hiểu biết của bệnh nhân sẽ góp phần vào sự phòng tránh chẩn đoán nhầm lẫn và sai phạm điều trị. Cần biết, điều trị đúng đắn, đau thắt lưng sẽ khỏi trong hầu hết các trường hợp.

    Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành
    SGTT






Working...
X