Bỗng dưng... méo mặt
Chỉ sau một chuyến xe ngồi cạnh cửa sổ mở toang cho gió tạt vào mặt hay một đêm nằm ngủ cạnh cửa sổ mở, sáng mai thức dậy bỗng thấy khó cười, khó nói...
Ấy là lúc bạn đã có thể bị liệt nửa mặt, hay liệt thần kinh số VII - một bệnh phổ biến ở cả nam và nữ, chẳng chừa lứa tuổi nào. Nguyên nhân thì vô số nhưng phổ biến nhất là do lạnh. Tin tốt là loại liệt này thường có diễn tiến tích cực, hồi phục nhanh nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.
Dấu hiệu Charles Bell
Charles Bell - nhà giải phẫu học, sinh lý và phẫu thuật người Scotland - đã giúp chúng ta hình dung rất chi tiết về những triệu chứng của căn bệnh này. Bệnh nhân thấy mặt mất cân xứng, bên liệt như mặt nạ, ít cử động, các nếp nhăn tự nhiên mất, rãnh mũi má mờ đi hoặc mất hẳn, miệng và nhân trung bị kéo lệch về bên lành. Nếp nhăn trán bị mờ đi hoặc mất hẳn.
Đặc biệt, mắt không nhắm được do cơ vòng mi bị liệt, nhãn cầu đưa lên trên để lộ một phần tròng trắng (dấu hiệu Charles Bell). Ngoài ra còn có các triệu chứng ít gặp hơn như tê nửa mặt bên liệt, mất vị giác ở 2/3 trước của lưỡi, khô mắt do làm giảm tiết nước mắt hoặc “mắt ướt nhạt nhòa” vì tăng tiết lệ.
Sở dĩ có các triệu chứng trên là do thần kinh chi phối vùng mặt bị tổn thương. Vận động của các cơ ở trên mặt được chi phối bởi dây thần kinh số VII. Nhờ vậy chúng ta mới biểu lộ được cảm xúc qua nét mặt. Có hai dây thần kinh mặt: dây phải sẽ chi phối vận động cho nửa mặt bên phải, dây trái sẽ chi phối cho nửa mặt còn lại.
Ngoài ra, dây thần kinh số VII còn chịu trách nhiệm nhận biết cảm giác ở 2/3 trước của lưỡi, chi phối cảm giác sâu ở vùng mặt, chi phối tuyến lệ, cơ vòng mi mắt... Do vậy khi dây thần kinh mặt bị tổn thương sẽ gây ra các dấu hiệu ở nửa mặt cùng bên giống như mô tả ở trên.
Khi các cơ ở một bên mặt bị tổn thương thì cân bằng về lực cơ sẽ nghiêng về phía lành. Do vậy, miệng và nhân trung sẽ bị kéo lệch về bên lành.
Các nhà lâm sàng chia liệt nửa mặt làm hai loại: liệt nửa mặt ngoại biên và trung ương. Những dấu hiệu vừa mô tả ở trên là của liệt ngoại biên. Còn liệt mặt trung ương (do tổn thương phần nhân nằm trong não - nơi khởi nguồn của dây thần kinh số VII) thì không có dấu hiệu Charles Bell và không mất các nếp nhăn trên trán. Liệt mặt trung ương thường kèm theo liệt nửa người.
Liệt nửa mặt trung ương thường do u não, chấn thương hoặc tai biến mạch máu não. Liệt nửa mặt ngoại biên thường có thể không rõ nguyên do (thường được quy là do lạnh) và loại này thường gặp nhất trên lâm sàng.
Cũng có thể do viêm màng não dày dính, làm tổn thương thần kinh số VII từ rãnh hành tủy - cầu não đến ống tai trong, do viêm tai giữa, chấn thương vùng xương đá (nằm sâu trong hộp sọ), do giang mai, viêm nhiễm dây thần kinh hoặc bệnh bại liệt trẻ em...
Những xét nghiệm hiện đại như chụp CT, MRI... có thể giúp ích việc truy tìm nguyên nhân gây tổn thương cho thần kinh mặt.
Liệt nửa mặt trung ương thường nặng nề, nếu do u não thì khả năng phục hồi rất nhỏ. Còn nếu do xuất huyết não, nhũn não thì khả năng phục hồi vẫn có nhưng dè dặt. Tình trạng liệt nửa mặt ngoại biên không rõ căn nguyên (theo đông y là do lạnh) thường phục hồi hoàn toàn sau 1-3 tháng.
Nếu do những căn nguyên khác thì tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh cảnh gốc đối với điều trị. Ví dụ viêm tai giữa cấp làm viêm và phù nề thần kinh mặt, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đầy đủ có thể phục hồi rất nhanh.
Chữa trị
Nguyên tắc hàng đầu là nên điều trị sớm. Trong 7-10 ngày đầu nên cân nhắc sử dụng các thuốc chống viêm corticoid (prednisolon), tiêm bắp vitamin nhóm B (B1, B6, B12) phối hợp tập vận động xoa bóp cơ mặt hằng ngày (2 lần/ngày, mỗi lần 4-5 phút xoa từ cằm lên trán). Mục đích của xoa bóp là tăng cường tuần hoàn chống lại sự co cứng cơ mặt.
Để bảo vệ mắt bên liệt chống gió bụi, tránh biến chứng viêm loét giác mạc nên đeo kính râm lót gạc sạch bên trong và rửa mắt hằng ngày bằng dung dịch nước muối NaCl 9% hoặc cloramphenicol 0,4%.
Có thể dùng băng dính cắt theo hình chữ Y dán đảo ngược một đầu vào trán, hai đầu kia vào môi dưới và môi trên để nâng cơ mặt khỏi bị xệ. Khi điều trị nội khoa đã có kết quả, người bệnh nên giảm dần liều thuốc và tập phục hồi chức năng, tốt nhất là đứng trước gương tự tập luyện.
Chủ yếu là tránh để bị lạnh khi đi tàu xe, tối đi ngủ nên đóng cửa sổ hoặc nằm tránh chỗ gió lùa, khi nằm ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt. Các cụ già ban đêm không nên ra ngoài đi vệ sinh.
BS Trần Hoài Nhân
Theo Tuổi trẻ
Theo Tuổi trẻ
Comment