Cà phê: Uống cũng phải đúng cách
Ai quen uống càphê cũng thấy phấn chấn khi có một ly “đen đá” vào buổi sáng. Cũng như để đối phó với cơn buồn ngủ khi làm việc, một ly càphê đậm được xem là biện pháp hiệu quả.
Tác dụng dược lý
Càphê và trà là hai thức uống phổ biến ở nhiều nước. Để có càphê bột, người ta đem rang hạt của quả càphê và đem xay, ngày nay có loại được chế biến thành bột tan trong nước. Trong quá trình rang càphê, một lượng nước bay hơi (khoảng 18%), đường có trong hạt bị caramel hoá làm hạt càphê sậm màu thành nâu đen, đồng thời có sự biến đổi hoá học làm càphê có mùi vị rất đặc biệt, dễ quyến rũ.
Vì có chứa caffeine và một số chất khác, càphê cũng gây hại nếu lạm dụng
Tác dụng gây hưng phấn của càphê là do chứa các hợp chất mà thành phần cơ bản là caffeine, với hàm lượng 0,7 – 2%, ít hơn so với trà (chè) ở mức 2 – 3%. Tuy nhiên, một ly càphê có tác dụng kích thích mạnh hơn vì sử dụng đến 10 – 15g bột càphê chứa khoảng 100mg caffeine, còn một ấm trà có ít caffeine hơn. Caffeine có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm cho tỉnh táo, kích thích khả năng làm việc, nhất là làm việc bằng trí óc, tăng cường hoạt động cơ và sự phối hợp hoạt động.
Tác dụng kích thích tỉnh táo của caffeine được sử dụng rộng rãi: ngoài trà, càphê là thức uống thông dụng, nhiều loại nước giải khát khác như nước ngọt có gas, nước tăng lực đều có chứa caffeine. Caffeine còn được dùng làm thuốc, là thành phần của nhiều thuốc trị cảm, đau nhức, giúp tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol, aspirin hoặc làm giảm tác dụng gây buồn ngủ của thuốc kháng histamine trị dị ứng.
Càphê cũng còn được xem là có giá trị dinh dưỡng, với 12% lipit (chất béo), 12% protit (chất đạm), 4% chất khoáng – nhiều nhất là kali và magie. Pha với đường và sữa, giá trị dinh dưỡng của càphê được nâng lên.
Càphê: uống phải đúng cách
Caffeine có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch
Caffeine có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Vì vậy, ở một số người, uống càphê sẽ làm tim đập nhanh hơn, nhức đầu, run tay, cảm thấy bất an. Cho nên những người bị rối loạn tim mạch nên cẩn thận, nếu thấy bị ảnh hưởng xấu thì không nên uống nữa.
Caffeine có tác dụng lợi tiểu, nếu uống ban đêm thì ngoài khó ngủ do bị kích thích lại phải thức giấc đi tiểu đêm. Do vậy nên uống càphê vào ban ngày, đặc biệt uống vào buổi sáng là tốt nhất. Mỗi ngày uống một tách (khoảng 200ml) là tốt, hoặc hai – ba tách chia đều sáng chiều.
- Caffeine có tác dụng kích thích làm tăng tiết axit dịch vị. Vì vậy tránh uống càphê vào lúc bụng trống để bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhất là những người đã sẵn yếu dạ dày. Uống càphê vào buổi sáng mà bụng trống, không ăn điểm tâm cũng có hại cho sức khoẻ. Để phù hợp với thị hiếu và tình trạng sức khoẻ của nhiều người, thị trường đã có loại càphê lấy bớt hoặc lấy hết caffeine.
- Tuỳ theo mỗi cá nhân mà cách uống càphê khác nhau. Có người thích uống càphê đen không đường để tận hưởng vị đắng, mùi vị đặc biệt của càphê. Có người thích uống càphê với sữa. Cách nào cũng tốt, miễn sao phù hợp với điều kiện của mình, như người bị bệnh tiểu đường mà chỉ uống càphê không thôi thì rất tốt, nhưng người đang cần năng lượng thì nên uống càphê với đường hoặc sữa.
- Caffeine có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ. Một số kháng sinh fluoroquinolon (như ofloxacin) uống chung với càphê sẽ làm tăng tác dụng kích thích của caffeine (gây tim đập nhanh, khó chịu, mệt mà có người lầm tưởng ngộ độc). Vì vậy, tránh uống càphê chung với thuốc (uống thuốc tốt nhất là dùng nước lã đun sôi để nguội).
- Càphê hấp dẫn người uống không chỉ vì tác dụng của caffeine mà còn do mùi vị. Vì vậy, người ta đã thêm các chất, hương liệu trong quá trình chế biến càphê để tạo nên vị đắng, mùi vị đặc biệt của càphê cho dễ bán. Nếu người nào đó uống càphê sau đó bị say, đỏ người thì có thể đã bị dị ứng với caffeine hoặc một chất có trong càphê. Tốt nhất nên đổi loại càphê khác, còn uống loại nào cũng bị như vậy thì không nên uống càphê nữa.
- Đối với các bạn sinh viên học sinh, không nên lạm dụng càphê (kể cả trà đậm) cho việc thức đêm học thi. Do không tổ chức học tập, nghỉ ngơi hợp lý nên có một số bạn trẻ gần tới ngày thi mới học dồn, học nén và nhờ đến càphê thật đậm để tỉnh táo “gạo” bài. Nên lưu ý, mệt mỏi và buồn ngủ là dấu hiệu cho biết cơ thể cần nghỉ ngơi. Dùng càphê để cặp mắt mở trao tráo chỉ là sự đánh lừa, thực chất cơ thể vẫn mệt mỏi. Uống càphê để thức đêm dài ngày rất có hại cho sức khoẻ, đặc biệt hại cho trí não.
Càphê có gây nghiện như ma tuý?
Gây nghiện có nghĩa là “bị lệ thuộc vào chất nào đó, không thể bỏ mà phải tiếp tục dùng, nếu không dùng thì thấy rất khó chịu hoặc bị rối loạn trong cơ thể”. Ở đây cần phân biệt chất gây nghiện tạo ra hai loại lệ thuộc: lệ thuộc thể chất và lệ thuộc tâm lý. Caffeine là chất gây nghiện nhưng thuộc loại nhẹ, tức là chỉ gây lệ thuộc tâm lý. Người đã nghiện càphê tới cữ mà không có càphê uống sẽ cảm thấy khó chịu, uể oải, bần thần, thậm chí mệt mỏi. Loại lệ thuộc tâm lý này không gây nguy hại như nghiện ma tuý, bởi vì nghiện ma tuý gây lệ thuộc tâm lý và cả thể chất. Thiếu ma tuý, người nghiện sẽ bị rối loạn thể chất trầm trọng, gây cơn vật vã rất khó chịu đựng được. Còn người nghiện càphê, nếu quyết tâm vẫn có thể bỏ được.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Comment