Chữa ung thư phối hợp nhiều biện pháp theo David Servan–Schreiber
Bìa quyển sách “Anticancer’’ (Chống lại ung thư) của David Servab-Schreiber phát hành tại Pháp
Trọng Thành RFI
David Servan–Schreiber là bác sĩ tâm thần học và nhà nghiên cứu thần kinh, được đào tạo ở Mỹ và hiện làm việc tại Pháp. Bị ung thư não, ông đã được chữa trị thành công. Dựa trên chính kinh nghiệm của mình, David Servan–Schreiber đã xuất bản quyển sách “Anticancer’’ (Chống lại ung thư), một best-seller được dịch ra 34 thứ tiếng, và bán được hơn 1 triệu bản.
David Servan–Schreiber là bác sĩ tâm thần học và nhà nghiên cứu thần kinh. Ông đã cho ra đời hơn 90 bài viết về các nghiên cứu về thần kinh học tâm lý, đặc biệt là tác dụng của các biện pháp y học phụ trợ bằng thực phẩm chức năng trên các bệnh nhân có vấn đề về tâm thần học. Được đào tạo và sống ở Mỹ, ông trở về Lyon (Pháp) làm việc từ năm 2002.
Cách đây 19 năm, David Servan–Schreiber được phát hiện bị ung thư não. Trải qua một thời gian chữa trị, bệnh ung thư của David Servan–Schreiber đã được đẩy lui, từ mười mấy năm qua, ông vẫn sống khá khỏe mạnh và vẫn vừa làm bác sĩ, nghiên cứu và viết sách. Năm 2007, dựa trên chính kinh nghiệm chữa bệnh ung thư của mình, David Servan–Schreiber viết cuốn sách có tựa đề “Anticancer’’ (Chống lại ung thư). Cuốn sách vừa ra đời đã trở thành best-seller, được dịch ra 34 thứ tiếng trên thế giới và bán được hơn 1 triệu bản.
Phương pháp của David Servan – Schreiber nhấn mạnh đến 5 yếu tố : cơ thể, thức ăn, lối sống, môi trường và đời sống tâm lý. Những lời khuyên chính của ông trong cuốn sách có thể tóm lược như sau :
1- Khi đã bị mắc bệnh ung thư, việc đầu tiên là cần tích cực theo các trị liệu của y học hiện đại. Bản thân ông đã được chữa qua phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị. Tiếp đó là các biện pháp để giúp cơ thể củng cố hệ miễn dịch.
2- Thay đổi chế độ ăn : Nên ăn các các thức ăn chống ung thư như rau xanh, đặc biệt là bắp cải, súp lơ, súp lơ xanh, cà rốt, bí đỏ, cà chua, hành, tỏi, nghệ, các loại quả như táo, nho, lê, quả lựu,... nên ăn cá với số lượng vừa phải. Đặc biệt ưu tiên các sản phẩm sạch. Về đồ ngọt, nên dùng đường trái cây, mía, hoặc đường chưa tinh chế, hoặc mật ong, với số lượng vừa phải. Uống nước chè xanh, nước sạch, nếu ở khu vực nước bị nhiễm bẩn thì nên có máy lọc nước. Những thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế là : thịt, đặc biệt là thịt có màu đỏ, đường, đồ béo quá, đồ nướng, đồ rán cháy, đồ chế biến sẵn, thịt chế biến sẵn và các sản phẩm từ sữa như pho mát (tuy nhiên có thể ăn sữa chua). Không uống rượu, hút thuốc lá hoặc tránh môi trường có nhiều khói thuốc lá.
3- Tập luyện : tập thể dục, đi bộ, tập thư giãn và tập thiền, yoga, khí công.
4- Tránh môi trường ô nhiễm, tìm cách sống gần gũi với thiên nhiên. Nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm, khi về đến nhà nên thay quần áo giầy dép. Tránh tiếp xúc với các chất hóa học, chất tẩy rửa. Không nên tắm nắng vào lúc nắng gắt.
5- Tạo cho bản thân một đời sống tâm lý ổn định, sống lạc quan, vui vẻ, học cách quản lý stress và tránh bị rơi vào các cảm xúc bất lực trong thời gian dài. Muốn được vậy, hãy sống trong tình yêu thương gia đình, tình bạn và tình người nói chung. Nên tìm đến sinh hoạt ở các câu lạc bộ của những người cùng có bệnh ung thư, hoặc các câu lạc bộ tập luyện.
Lối sống trên đây không những để chữa mà có tác dụng phòng ngừa ung thư.
Khi mới ra đời, cách tiếp cận tự nhiên để chống lại ung thư do David Servan–Schreiber đề ra đã gây ra rất nhiều tranh luận trong giới y học. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2007, Quỹ nghiên cứu chống ung thư thế giới đã khẳng định tầm quan trọng của cách ăn uống, hoạt động cơ thể trong vấn đề phòng bệnh và chữa bệnh. Vào năm 2009, đến lượt Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Pháp cũng công nhận những điều này.