Những chứng bệnh liên quan đến giấc ngủ
Ác mộng, mộng du, ảo giác, bóng đè... là những chứng bệnh liên quan đến giấc ngủ, đem lại cảm giác khó chịu cho người bệnh...
Ngủ là quãng thời gian giúp chúng ta thư giãn và tìm lại sự cân bằng. Tuy nhiên, giấc ngủ đôi khi lại có những liên hệ mật thiết với những điều diễn ra trong cuộc sống của mỗi người và chịu tác động không nhỏ từ trạng thái sức khoẻ và nhiều yếu tố khác. Chính những yếu tố này đôi khi đã tạo nên những trạng thái khủng hoảng cho giấc ngủ. Chúng được ví như những ám ảnh đối với nhiều người.
Ác mộng
Trong cuộc đời, ai cũng từng trải qua ít nhất một vài lần gặp ác mộng trong khi ngủ. Có những người rất ít khi gặp ác mộng, song có không ít trường hợp thường xuyên gặp phải ác mộng. Tình trạng ác mộng thường xuyên đó được xem là một dạng khủng hoảng đáng sợ đối với giấc ngủ. Nguyên nhân dẫn tới ác mộng được khoa học lý giải là do tác động của nhiều yếu tố, chẳng hạn như do stress, do ảnh hưởng kéo dài của tình trạng thiếu ngủ, do lo lắng thường xuyên... hoặc do những chuyện không vui đã diễn ra trong thực tế cuộc sống. Để hạn chế tình trạng ác mộng này, các bác sĩ khuyên rằng bệnh nhân nên có các cách giải toả lo lắng, mệt mỏi và có chế độ nghỉ ngơi đúng giờ hợp lý.
Mộng du
Nghiên cứu cho thấy tình trạng mộng du diễn ra khá phổ biến. Có khoảng 15% người trưởng thành mắc chứng mộng du với các biểu hiện đi lại trong lúc đang ngủ. Ở trẻ nhỏ, tỷ lệ này còn cao hơn và chủ yếu là do tình trạng stress gây ra. Những nghiên cứu mới đây về mộng du còn chỉ ra rằng: yếu tố gen di truyền cũng đóng một vai trò tác động không nhỏ gây nên chứng mộng du. Những người mà trong gia đình từng có người mắc chứng mộng du thường có nguy cơ mắc chứng này cao gấp 10 lần so với bình thường. Mộng du được xem là tình trạng khủng hoảng tương đối nghiêm trọng, với các nguy cơ người mộng du dễ bị thương trong lúc đi lại hoặc gây ra tổn thương cho những người xung quanh, đặc biệt khi tình trạng khủng hoảng lên đến cực điểm.
Nguyên nhân dẫn tới ác mộng là do tác động của nhiều yếu tố,
chẳng hạn như do stress, do ảnh hưởng kéo dài
của tình trạng thiếu ngủ, do lo lắng thường xuyên...
Sự khiếp sợ trong đêm
Xuất hiện với các biểu hiện như la hét, chân tay quờ quạng... Không giống như ác mộng, hiện tượng khủng hoảng này xuất hiện trong khi người bệnh ngủ ở trạng thái mắt không chuyển động (REM) (non - rapid eyes movement) và thường xuất hiện ở đầu giấc ngủ. Trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị mắc chứng khủng hoảng này nhất bởi những đùa nghịch hàng ngày dễ gây cho chúng sự giật mình hoảng sợ. Khi bị rơi vào tình trạng khủng hoảng nêu trên, trẻ thường bật người dậy, la hét, khóc lóc. Sau 10 - 15 phút, tình trạng này chấm dứt, đứa trẻ trở về trạng thái bình thường và rơi vào giấc ngủ. Hầu hết khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, chúng không nhớ được gì về điều đã xảy ra.
Ảo giác
Chúng ta thường nhìn thấy những điều kỳ lạ trong giấc mơ của mình, song chuyện gì xảy ra khi những điều kỳ lạ này diễn ra lúc chúng ta chưa đi vào giấc ngủ sâu? Hiện tượng này được gọi là chứng ảo giác. Ảo giác xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc mơ màng nửa ngủ, nửa thức cho tới khi đi vào giấc ngủ sâu. Hiện tượng này có thể đi kèm với các đặc điểm như: cảm giác vẫn nghe thấy giọng nói, cảm nhận được các hình ảnh hoặc nhìn thấy người, vật lạ xuất hiện ngay trước mắt trong khi thực tế không hề tồn tại. Chứng ảo giác thường xảy ra khá phổ biến ở những người ngủ do mệt lả.
Bóng đè là một tình trạng khủng hoảng trong khi ngủ.
Bóng đè
Ảo giác xảy ra giữa giấc ngủ, song đi kèm với tình trạng ngủ có sự chuyển động của mắt (REM - rapid eyes movement). Người ngủ dường như đã thức dậy và có khả năng nhận thức được những gì xảy ra xung quanh, nghe được các âm thanh... nhưng toàn bộ các cơ trong cơ thể như rơi vào tình trạng không thể hoạt động. Người bị bóng đè muốn vùng dậy, vận động và thoát khỏi tình trạng này nhưng họ không thể cử động nổi bất kỳ bộ phận cơ thể nào. Giới khoa học gọi đây là tình trạng liệt thân khi ngủ (sleep paralysis) - là một tình trạng khủng hoảng trong khi ngủ xảy ra khá phổ biến ở nhiều lứa tuổi.
Hoạt động trong khi ngủ
Nếu như tình trạng bóng đè khiến cho cả cơ thể không thể cử động được thì ở dạng khủng hoảng này ngược lại, não bộ không thể điều khiển được cơ thể hay giữ yên cơ thể trong lúc diễn ra trạng thái ngủ có sự chuyển động của mắt - REM. Khi rơi vào dạng khủng hoảng này, cơ thể hoạt động mà não bộ không thể kiểm soát. Nhiều trường hợp bệnh nhân có hành động bạo lực ngay trong khi vẫn ngủ, thậm chí nhảy ra khỏi giường ngủ, đi lại hoặc chạy quanh trong lúc vẫn đang ngủ. Dạng khủng hoảng này thường để lại hậu quả là những vết thương trên người mà bản thân người đó khi tỉnh dậy không thể nhớ được vì sao. Cách chữa trị chủ yếu hiện nay là tạo thư giãn cho người bệnh trước khi đi ngủ.
Chứng mất ngủ
Là dạng khủng hoảng phổ biến và ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khoẻ. Theo thống kê tại Anh, chứng mất ngủ là nguyên nhân dẫn tới tử vong cho khoảng 1.550 trường hợp và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông bị rơi vào tình trạng thiếu tỉnh táo. Ngoài ra, tình trạng mất ngủ thường xuyên còn khiến gia tăng tỷ lệ mắc các chứng suy nhược, béo phì, tiểu đường...
Theo Minh Ngọc
Sức khỏe và Đời sống
Sức khỏe và Đời sống