Mách nước khi trở trời
Trời đang nắng bỗng mưa, buổi trưa đang nóng hừng hực mà tối lại lạnh căm căm. Tùy theo tính “cảm ứng” của mỗi người mà hội chứng “cảm mạo trúng gió” biến dạng đủ kiểu.
Theo thống kê ở châu Âu, 50% người trưởng thành ít nhiều cảm thấy ê mình khi trái gió trở trời, trong số đó 2/3 là phụ nữ. Ở xứ mình tuy chưa có thống kê chính thức nhưng chỉ cần xem cảnh nhà thuốc bận rộn mỗi khi thay đổi thời tiết áp thấp áp cao nhiệt đới gì đó sẽ hiểu ngay số đối tượng không khỏe vì thời tiết cũng đông không kém số người chữa bệnh.
Lý do là vì hệ thần kinh giao cảm không thích ứng kịp với môi trường bên ngoài đang nắng bỗng mưa, buổi trưa đang nóng hừng hực mà tối thì lại lạnh căm căm. Nhiệt độ thay đổi càng bất thường, khác biệt càng nhiều thì nhà thuốc và thầy thuốc càng... khỏe.
Nhiều người cơ thể đau nhức khi trở trời
Vì triệu chứng rất “thượng vàng hạ cám” nên danh mục thuốc trị trở trời cũng thường dài lê thê. Hãng thuốc tất nhiên không dại gì bỏ qua cơ hội khuyến mãi nhiều lần với đủ loại dược phẩm.
Chưa biết đó là giải pháp thật sự hay không nhưng có một điều chắc chắn: Thuốc này chưa kịp hết “mốt” thì thuốc mới đã được trình làng. Điều đáng nói là người tiêu dùng vì quá bận rộn với cuộc sống căng thẳng, vì chỉ mong mau hết bệnh để “kéo cày” kiếm cơm nên ít ai nhận ra là chính hãng thuốc phủ nhận tác dụng của thuốc đã ra khi chào hàng thuốc mới.
Điều đáng nói hơn nữa là tuy nhiều loại thuốc hạ nhiệt, giảm đau, giải cảm... đã được lưu hành từ nhiều chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có thầy thuốc nào dám khẳng định tính chất ưu việt của một loại thuốc nào đó qua công trình nghiên cứu với chất và lượng đủ sức thuyết phục người nghe.
Ngược lại, càng lúc càng nhiều thầy thuốc quả quyết kinh nghiệm y học dân gian và phương tiện dẫn xuất từ thiên nhiên là biện pháp hiệu quả để điều trị hội chứng rối loạn thần kinh giao cảm do kích ứng từ môi trường ngoại giới.
Bằng chứng là sau trung tâm điều trị “hội chứng trở trời” đầu tiên ở Áo, nhiều trung tâm khác tương tự đã thành hình ở nhiều nước vùng Trung Âu với tiếng tốt càng lúc càng vang xa. Thầy thuốc ở đó được khen nhờ hai ưu điểm:
- Không điều trị chỉ để giải quyết triệu chứng.
- Không áp dụng hóa chất tổng hợp mà chú trọng ứng dụng kinh nghiệm của y học cổ truyền.
Thế thì họ đã áp dụng phương pháp nào để giúp người bệnh khi trở lại cuộc sống đời thường nếu không tránh hẳn được “hội chứng trái gió” thì tối thiểu cũng có thể chịu đựng dễ dàng mà không cần dựa lưng vào viên thuốc hóa chất với phản ứng phụ có khi mạnh hơn tác dụng? Nếu tưởng thuốc gì quý hiếm thì nhầm. Câu trả lời đơn giản đến không ngờ, đó là:
- Ngâm chân bằng nước ấm.
- Tắm bùn khoáng hay thuốc dược thảo.
- Uống trà với các cây thuốc giải cảm như cúc hoa, bạc hà, khuynh diệp...
- Dùng thuốc đa khoáng tố với kẽm, crôm, mangan, magiê...
Có một điều hiển hiện nhưng nói ra chỉ sợ “bứt mây động rừng” là không ít thầy thuốc và ngay cả nhiều người bệnh, cũng có khuynh hướng chú trọng vào bệnh hấp dẫn, dù là bệnh có thuộc loại cứ 100.000 người chỉ có... một người bị bệnh.
Trong lúc nhiều căn bệnh tuy gắn chặt với cuộc sống đời thường thì lại dễ bị bỏ quên. Cũng vì thích “tìm mặt trăng giữa ban ngày” nên không ít nhà điều trị cứ ưa liếc mắt đến liệu pháp phức tạp, mặc cho bệnh nhân đau lòng vì sạch túi. Đáng tiếc vô cùng vì trong nhiều trường hợp giải pháp lại rất đơn giản, rất gần trong tầm tay.
Ước gì mọi người đừng quên một người thầy thuốc nhiều năm kinh nghiệm: Thiên nhiên.
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Người lao động
Người lao động