“Đôi bạn sát thủ”: trầm cảm & đái tháo đường
Trầm cảm và đái tháo đường khi kết hợp với nhau sẽ trở thành “đôi bạn sát thủ”, sớm đưa người bệnh nhanh đến biến chứng và tử vong.
Theo Canada.com, những bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) kèm trầm cảm sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn người chỉ bị ĐTĐ. Nếu ĐTĐ kèm trầm cảm nhẹ, tỉ lệ tử vong tăng 67%, nếu trầm cảm nặng thì tỉ lệ này lên đến 130%.
* Mô tả một trường hợp trầm cảm: Ông L.H.L., 39 tuổi, nhà ở quận 6, TP.HCM, là một luật sư, có cuộc sống ổn định. Phát hiện ĐTĐ cách đây mười năm, từ đó cuộc sống ông L. thay đổi hoàn toàn. Người thân thấy ông bỗng dưng buồn bã, ít nói, ăn uống ít, khả năng làm việc giảm sút... Trong ba năm đầu ông L. còn chú ý sức khỏe, uống thuốc đều đặn và tập thể lực. Nhưng gần đây ông bỏ bê công việc, ăn nhậu rất nhiều, không uống thuốc và bỏ tái khám. Một hôm người thân phát hiện ông bị hôn mê liền đưa đi cấp cứu. Ông L. nằm viện, ngoài các biến chứng của bệnh ĐTĐ như tổn thương ở mắt, thận, tim... bác sĩ còn phát hiện ông bị trầm cảm.
* Mối liên hệ giữa trầm cảm và ĐTĐ: Nếu bị ĐTĐ, bạn sẽ bị tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm lên gấp đôi, tương đương 26% so với người không bị ĐTĐ. Và nếu trầm cảm, bạn có nguy cơ rất lớn bị ĐTĐ type 2, tức khoảng 60%.
Người ta nhận thấy sự nghiêm ngặt trong điều trị ĐTĐ có thể làm bệnh nhân căng thẳng và dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. ĐTĐ có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó biến chứng thần kinh làm xấu đi các triệu chứng của trầm cảm. Trầm cảm có thể dẫn đến lối sống tai hại, chẳng hạn ăn uống vô độ, lười vận động, hút thuốc, uống rượu và tăng cân. Tất cả điều này là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ĐTĐ type 2. Nữ giới ĐTĐ dễ bị trầm cảm hơn nam giới. Phần lớn trường hợp trầm cảm nặng ở người ĐTĐ là những người độc thân, nữ giới, ít vận động, hút thuốc, ăn uống vô độ. Trầm cảm ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp và suy nghĩ. Những điều này tác động đến việc điều trị ĐTĐ.
* Các triệu chứng gợi ý trầm cảm ở người ĐTĐ
- Mất vui, không còn hứng thú với các thú vui tiêu khiển.
- Thay đổi giấc ngủ, dễ thức sớm, mất ngủ, thức giấc khó ngủ lại hoặc ngủ nhiều kể cả ngủ ngày.
- Thay đổi ăn uống, ăn ít hoặc ăn nhiều hơn bình thường, dẫn đến cân nặng giảm hoặc tăng rất nhanh.
- Khó tập trung, không xem tivi hoặc đọc báo được nữa.
- Mất sức sống, căng thẳng, cảm giác mệt mỏi mọi lúc.
- Cảm giác tội lỗi, cảm thấy việc làm của mình lúc nào cũng sai.
- Buồn bã vào buổi sáng sớm.
- Tự tử, có suy nghĩ và hành vi tự tử, luôn tìm cách làm tổn hại cơ thể.
Nghĩ đến bệnh trầm cảm khi người bệnh có từ ba triệu chứng kể trên, kéo dài trên hai tuần.
Chỉ khoảng 1/3 bệnh nhân trầm cảm ở người ĐTĐ được chẩn đoán. Khi người thân phát hiện người bệnh có các biểu hiện hoặc hành vi bất thường thì sớm thông báo cho thầy thuốc.
* Đừng giữ kín bệnh trong lòng!
Nếu bạn cảm giác có các triệu chứng trầm cảm, đừng giữ kín trong lòng, hãy trình bày với bác sĩ. Không nên ngừng thuốc đột ngột mà không trao đổi với bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân thực thể nào đó gây ra trầm cảm cho bạn. Ví dụ: rượu và thuốc gây nghiện, bệnh lý tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc...
Nếu ĐTĐ kiểm soát kém có thể gây ra các triệu chứng giống như trầm cảm. Ban ngày, nếu đường huyết quá cao hoặc quá thấp có thể làm bạn có cảm giác mệt mỏi hoặc lo âu. Đường huyết thấp làm bạn đói hơn và ăn quá nhiều. Nếu đường giảm thấp ban đêm sẽ làm rối loạn giấc ngủ, tiểu đêm nhiều lần rồi mỏi mệt vào ban ngày.
* Điều trị người trầm cảm và ĐTĐ
Việc đầu tiên là tìm ra các nguyên nhân thực thể gây trầm cảm và loại trừ chúng.
Các chiến lược đồng chăm sóc sẽ giúp cải thiện sức khỏe người ĐTĐ và trầm cảm, giúp giảm gánh nặng của bệnh. Thuốc men cùng với thay đổi lối sống như tập thể lực thường xuyên, chế độ ăn... có thể cải thiện tốt cho cả trầm cảm và ĐTĐ.
Ngoài ra, người trầm cảm cần có sự quan tâm giúp đỡ của người thân trong gia đình và các chuyên gia về tâm lý học.
* Phòng ngừa trầm cảm ở người ĐTĐ
Mỗi bệnh nhân có những hoàn cảnh riêng biệt và ứng xử với bệnh hoàn toàn khác nhau. Do đó, người bệnh ĐTĐ nên chấp nhận sớm rằng mình mắc bệnh ĐTĐ và cần điều chỉnh một số hành vi sống, bỏ ngay thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan, duy trì luyện tập thể dục thể thao, tìm hiểu về bệnh ĐTĐ và việc điều trị bệnh.
Tự chịu trách nhiệm chăm sóc cho chính mình. Đặt mục tiêu điều trị, nhưng nên hiểu rằng cần có thời gian đạt được mục tiêu đó để tránh tâm lý bi quan, chán nản dễ dẫn đến không tuân thủ chế độ điều trị. Chia sẻ cảm xúc với gia đình và bạn bè, giúp họ hiểu về bệnh ĐTĐ và tạo điều kiện cho mình thực hiện chế độ ăn cũng như các chế độ điều trị, luyện tập một cách nghiêm ngặt.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ khi có bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, đặc biệt là những tổn thương ở bàn chân để có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh nguy cơ cắt cụt chi.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa 1 NGUYỄN THANH HẢI
(BV Cấp cứu Trưng Vương)
Tuổi trẻ
(BV Cấp cứu Trưng Vương)
Tuổi trẻ